Vụ ám sát Tổng thống Kennedy qua ký ức nhân chứng

Thứ bảy, 22/11/2014, 00:01
Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ ngày cố Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Tuy nhiên, cảnh tượng ngày hôm đó có lẽ sẽ không bao giờ phai nhòa trong ký ức những người chứng kiến.

Vụ ám sát Tổng thống Kennedy qua ký ức nhân chứng

Người dân thành phố Dallas, bang Texas, đón chào vợ chồng Tổng thống John F. Kennedy tại sân bay Love Field hôm 22/11/1963. Ảnh: Getty Images

Ngày đó, Pierce Allman mới chỉ là một người quản lý tin tức trẻ tại đài phát thanh và truyền hình địa phương. Cũng như bao người khác, Allman rất háo hức với sự kiện vị Tổng thống trẻ cùng phu nhân sẽ tới thăm quê hương của ông, thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ.

Những gì mà Allman đã chứng kiến ngày hôm ấy là tiếng súng nổ, bàn tay của Tổng thống Kennedy nắm chặt lấy cổ họng, tiếng gào thét của đệ nhất phu nhân,... Đôi lúc, những cảnh tượng đó vẫn quay trở về trong những giấc mơ hàng đêm.

"Đó là một cảm giác rất chân thực, mọi thứ hiện ra vô cùng sống động. Mọi điều như mới xảy ra ngày hôm qua. Đến bây giờ, tôi vẫn như nghe rõ tiếng súng ngày hôm đó. Cảnh tượng hiện lên như một cuốn băng quay chậm", Allman nói.

Tina Towner Pender, khi đó mới 13 tuổi, hồi tưởng lại cảm giác choáng ngợp trước vẻ đẹp của đệ nhất phu nhân và sau đó sững sờ bởi những tiếng như tiếng pháo nổ.

Phyllis Hall, khi đó là một y tá làm việc tại Bệnh viện Parkland, vẫn nhớ như in cảnh hỗn loạn xảy ra tại bệnh viện ngày hôm đó, khi người ta đưa Tổng thống tới phòng cấp cứu và phu nhân Jackie không chịu rời chồng nửa bước.

Cũng như bao người Mỹ khác, Allman, Pender và Hall không bao giờ quên được ký ức về vụ ám sát xảy ra ngày hôm đó. Người y tá trẻ năm ấy đã vỡ mộng về một hệ thống chính trị. Anh chàng làm việc tại đài phát thanh và truyền hình địa phương năm xưa không thể tin rằng một tay súng lại có thể thay đổi lịch sử. Và cô nữ sinh thuở ấy vẫn nhớ ngày đó như một ngày mà người lớn không biết phải nói gì hay làm gì.

Allman, Pender và Hall cho biết, bởi vì cả họ đều đã tận mắt chứng kiến tấn thảm kịch xảy ra vào ngày 22/11/1963 nên họ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chia sẻ với tất cả mọi người về những điều họ nhìn thấy cũng như cảm nhận của họ về sự kiện này, đến thăm thành phố Dallas ở bang Texas cũng chính là ngày định mệnh mà ông rời xa cõi đời.

Buổi diễu hành định mệnh

Allman, khi đó là một người quản lý chương trình 29 tuổi tại đài WFAA, đã dành nhiều tuần để lên kế hoạch đưa tin về chuyến thăm của Tổng thống Kennedy.

Trước hành trình, một số quan chức tại bang Texas đã công khai bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về an ninh trong chuyến thăm của vị Tổng thống thuộc đảng Dân chủ, bởi những đường lối chính sách mới của ông ảnh hưởng tới rất nhiều người tại đây, nơi được coi là quê hương của những người theo đảng Cộng hòa. Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson và Đại sứ Liên Hiệp Quốc Adlai Stevenson, những trợ thủ của Kennedy, cũng từng gặp rắc rối khi tới thành phố Dallas. Thậm chí, một người biểu tình còn tấn công Stevenson để thể hiện sự phản đối.

Sáng ngày hôm đó, bầu trời xám xịt tại thành phố Dallas dần hửng nắng. Allman vừa nghe bản tin trên đài phát thanh về chuyến viếng thăm của Kennedy, vừa lái xe đến nơi làm việc. Anh thanh niên 29 tuổi đã cảm thấy phấn khích sau khi nghe tin vị Tổng thống trẻ tuổi sẽ vẫy chào người dân trên chiếc xe limousine mui trần.

"Sau đó, tôi đã quyết định đi bộ tới nơi mà đoàn xe hộ tống Tổng thống sẽ đi qua để tận mắt chứng kiến sự kiện", Allman nói.

Người đàn ông này cho biết, ông và đồng nghiệp đã tới nơi mà đoàn diễu hành đi qua và tìm được một chỗ đứng tại một ngã tư, nơi đường Houston và đường Elm giao nhau. Chỗ đó đối diện với kho sách của thư viện Texas. Khi ông nhìn lên những mái nhà, ông thấy một số cửa sổ đang mở.

Bên kia đường, gia đình Pender cũng đang chờ đoàn xe của Tổng thống tới. Bố mẹ của Pender tính đưa cô bé trở lại trường sau khi cô giúp bố ghi lại khoảnh khắc đoàn hộ tống đi qua. Cô nữ sinh 13 tuổi vẫn mặc bộ đồng phục của trường.

Bố của Pender cầm một chiếc máy ảnh Yashica 44 và đưa cho cô bé một chiếc Sears Tower Varizoom, loại máy chuyên dùng để quay phim gia đình. Sau đó, cô và mẹ đã chọn một vị trí trên phố để chờ thời khắc trọng đại. Họ thay phiên nhau ngồi lên một chiếc ghế xếp mà gia đình họ đã mang theo.

Vụ ám sát Tổng thống Kennedy qua ký ức nhân chứng

Khuôn mặt rạng rỡ của Tổng thống Kennedy và phu nhân Jackie hôm 22/11/1963. Ảnh: PBS

Bố của Pender từng gợi ý di chuyển vị trí về phía Nam, chỗ hướng về gò cỏ nhưng hai mẹ con cô bé không đồng ý. Vậy là họ ở đó và chờ Tổng thống tới. Khoảng gần 12h30, chiếc xe của Tổng thống bắt đầu tiến vào quảng trường.

"Bạn có thể nghe thấy tiếng đám đông reo hò khi đoàn hộ tống đến gần", Pender nói.

Một sĩ quan cảnh sát đã cho phép gia đình Pender tiến lại gần lề đường. Vì vậy, cô bé và bố có thể ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này. Chiếc limousine dần tiến tới. Ngắm nhìn qua ống kính, bàn tay Pender run lên vì phấn khích. Cô nữ sinh 13 tuổi cảm thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp của phu nhân Jackie và cô cố gắng ghi lại những hình ảnh đó.

Tiếng súng và cảnh hỗn loạn

Một lúc sau khi chiếc limousine chở vợ chồng Tổng thống Kennedy và vợ chồng Thống đốc bang Texas John Conally đi vào đoạn đường mới, Pender nghe thấy một thứ âm thanh giống như tiếng pháo nổ và sự hỗn loạn xảy ra. Ai đó đã đẩy cô bé xuống đất. Sau đó, cô đứng dậy nhưng không thể tìm thấy cha mẹ trong đám đông đang hoảng loạn.

Khi Pender tìm thấy bố mẹ, một người đàn ông đứng gần cha cô đã nói: "Ai đó đang cố gắng bắn Tổng thống".

Cùng lúc ấy, Allman đã nhìn thấy toàn bộ cảnh tượng. Sau tiếng súng, Tổng thống Kennedy co rúm người lại. Tiếng đệ nhất phu nhân kêu lên thất thanh: "Ôi Chúa ơi!" và bà chồm người ra phía sau chiếc xe như cố giữ một thứ gì đó.

Allman ngước về phía kho sách của thư viện Texas và dường như anh đã thấy một nòng súng nhỏ nhô ra từ một cửa sổ. Người đàn ông này định tiến về phía gò cỏ nhưng sau đó, anh đã thay đổi quyết định và chạy vào tòa nhà Texas School Book Depository. Tại đây, chàng trai 29 tuổi này đã gặp một người đàn ông tóc đen, có quầng thâm ở mắt và trông khá gầy ở lối vào và hỏi anh ta về chỗ đặt điện thoại. Sau này, Allman mới biết người đàn ông đó tên là Lee Harvey Oswald.

Tại bệnh viện

Hall, khi đó 28 tuổi, chạy gấp đến phòng cấp cứu sau khi một đồng nghiệp thông báo: "Một tai nạn đã xảy ra với đoàn xe hộ tống Tổng thống. Họ đang trên đường tới đây".

"Những cánh cửa bật tung ra. Tôi không nghĩ chúng tôi có thời gian để nghĩ về điều này. Bệnh viện tràn ngập sự hỗn loạn và tiếng la hét", Hall nhớ lại.

Tổng thống Kennedy nhanh chóng được đưa vào trong và sau đó là những người khác. "Họ chở cả Phó Tổng thống Johnson tới. Ông gặp vấn đề về tim và sắc mặt của ông rất tệ. Thống đốc Connally đến sau trong tình trạng máu vẫn tuôn ra từ vết thương. FBI, cảnh sát và mật vụ ở khắp mọi nơi. Tất cả bọn họ đều được trang bị vũ trang", Hall nói.

Đột nhiên, một người đàn ông tiến lại gần cô y tá 28 tuổi và yêu cầu cô ở lại. Người này đưa cô tới phòng cấp cứu số 1, nơi các bác sĩ và y tá khác đang ở đó trong nỗ lực cứu sống vị Tổng thống trẻ.

Khuôn mặt của Tổng thống Kennedy lúc này rất nhợt nhạt. Hall có thể nhìn thấy một lỗ đạn nơi gần yết hầu của ông. Cô cố gắng kiểm tra mạch cho Tổng thống nhưng không nhận thấy gì cả. Cùng lúc đó, một bác sĩ đang phẫu thuật mở khí quản cho ông qua vết thương ở cổ.

Phu nhân Jackie đang đứng cạnh đó và nắm chặt lấy tay chồng. Bộ đồ màu hồng của bà dính đầy dịch não của ông. Một bác sĩ vén tóc của Tổng thống lên để kiểm tra vết thương.

"Phu nhân Jackie bị sốc nặng. Bà nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của ngài Tổng thống. Một số người đã tới và khuyên bà nên ra ngoài hành lang ngồi chờ nhưng bà đã từ chối. Jackie nói rằng bà sẽ ở lại cùng với ông ấy. Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng chẳng thể làm được gì", Hall nhớ lại.

Vào lúc 13h, bác sỹ William Kemp Clark thông báo Tổng thống Kennedy đã qua đời. Ông lặng lẽ tiến tới bên cạnh phu nhân Jackie và nói: "Thưa bà, chồng bà đã mất".

Hall bước đến bên đệ nhất phu nhân và nói: "Tôi rất lấy làm tiếc về sự mất mát này". Tuy nhiên, bà Kennedy dường như không nghe thấy bất cứ điều gì. Ánh mắt bà đờ đẫn nhìn xa xăm.

Hiện tại và những ký ức

Pender đã nghỉ hưu và sống gần thành phố Austin, bang Texas. Bà đã giao các thước phim năm xưa cho Bảo tàng Sixth Floor. Gần đây, bà đã đến bảo tàng để ký tặng cuốn sách hồi ký mang tên: "Tina Tower: Câu chuyện của tôi, một nhiếp ảnh gia nhỏ tuổi nhất trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy".

Bà lão 64 tuổi dự định theo dõi lễ tưởng niệm vị Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ qua màn ảnh nhỏ tại nhà.

"Ngần ấy năm trôi qua nhưng mọi chuyện dường như mới chỉ xảy ra vào ngày hôm qua. Tôi phải nhắc nhở mình rằng tôi đã ở đó, nơi thảm kịch đã xảy ra", Pender chia sẻ.

Hall không tham dự lễ kỷ niệm nhưng thỉnh thoảng, bà vẫn tới quảng trường Dealey Plaza. Trong nhiều thập kỷ, khi người ta hỏi về ngày hôm đó, bà vẫn luôn ngần ngại trả lời. 4 năm trước, khi Hall được mời đến dự buổi nói chuyện tại Bảo tàng Sixth Floor, bà đã rất ngạc nhiên bởi sự quan tâm của đám đông về vấn đề này. Bà lão 79 tuổi đã quyết định kể lại câu chuyện của bà. "Mọi người đều có quyền được biết", Hall chia sẻ.

Vụ ám sát Tổng thống Kennedy đã làm lung lay niềm tin của Hall. Bà hoài nghi về việc giới chức nói Oswald hành động một mình. "Vào thời điểm đó, Tổng thống Kennedy đã mang lại niềm tin cho mọi người. Chỉ trong khoảnh khắc, niềm tin đó bị dập tắt", Hall nói.

Allman hiện là chủ một công ty bất động sản. Thỉnh thoảng, ông vẫn tự hỏi rằng nếu ông ngước lên và nhìn thấy Oswald trên cửa sổ tầng 6 của kho sách sớm hơn, liệu ông có thể nhận ra tên sát thủ tại cửa của khu nhà? Liệu ông có thể giúp cảnh sát bắt Oswald trước khi hắn tẩu thoát tới khu vực Oak Cliff và bắn chết viên cảnh sát J.D. Tippit tại đó?

Và ông lão 80 tuổi vẫn thường nằm chiêm bao về những giấc mơ mà ở đó, ông gặp lại người đàn ông gầy gò tại lối vào của tòa nhà khi xưa. Ông đã ngờ ngợ nhưng không thể nhìn rõ khuôn mặt hắn. Người đàn ông đó luôn biến mất trước khi ông kịp nhận ra hắn là ai.

Theo Zing

Các tin cũ hơn