1. Chương trình hạt nhân của Iran bắt đầu từ những năm 1950 dưới thời Vua Iran Mohammad Reza Shah Pahlavi, với sự giúp đỡ của Mỹ trong chương trình “Hạt nhân vì Hòa bình”. Tuy nhiên, hiện nay Mỹ là một trong những nước phản đối mạnh việc Iran theo đuổi chương trình hạt nhân.
Vua Iran Mohammad Reza Shah Pahlavi - Ảnh: Reuters. |
2. Theo Vua Shah mục đích của chương trình hạt nhân Iran ban đầu là để tiết kiệm “tài nguyên dầu mỏ cho những sản phẩm giá trị cao, không chỉ để sản xuất điện”.
Iran là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới - Ảnh: Reuters |
3. Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Iran xây dựng bởi tập đoàn cung cấp thiết bị lớn nhất của Mỹ American Machine and Founder (AMF).
Lò phản ứng hạt nhân Bushehr - Ảnh: Reuters |
4. Mỹ và châu Âu dừng ủng hộ chương trình hạt nhân Iran năm 1979 khi Vua Shah bị lật đổ bởi cuộc Cách mạng Hồi giáo.
Kỷ niệm cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran - Ảnh: Reuters |
5. Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Abbas Ali Khalatbari là người đầu tiên phải trả giá cho chương trình hạt nhân. Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979 ông bị kết án tử hình vì tội phung phí tài sản quốc gia vào việc xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên.
6. Vài năm sau cuộc cách mạng 1979 nhiều quan chức Iran phản đối chương trình hạt nhân, đó là lý do chính quyền mới của Iran hủy hợp đồng xây dựng hai nhà máy hạt nhân ở thành phố ở Vịnh Ba Tư. Truyền thông nhà nước Iran lúc đó viết “Những nhà máy hạt nhân: rõ ràng là phản quốc” (tạm dịch).
Hình ảnh Abbas Ali Khalatbari và bài báo của truyền thông nhà nước “Những nhà máy hạt nhân: rõ ràng là phản quốc”(tạm dịch) - ảnh chụp trang Iroon.com |
7. Có giai đoạn chính quyền Iran theo đuổi tham vọng vũ khí hạt nhân đặc biệt là trong Chiến tranh vùng Vịnh với Iraq. Tuy nhiên, lãnh tụ sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran là Ayatollah Ruhollah Khomeini và lãnh tụ tối cao hiện nay là Ali Khamenei đều phản đối vũ khí hạt nhân. Ông Khamenei từng ra một đạo luật tôn giáo gọi theo đuổi và sở hữu vũ khí hạt nhân là “tội ác phản lại thượng đế”.
Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei - Ảnh: Reuters |
8. Năm 1986 Iran mua máy ly tâm từ Pakistan và chuyển về Tehran bằng chuyên cơ riêng, đây là hoạt động bí mật ít quan chức nào của Iran được biết. Nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Pakistan Abdul Qadeer Khan lần đầu tiên cung cấp máy ly tâm cho chương trình hạt nhân bí mật của Iran.
Nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Pakistan ông Abdul Qadeer - Ảnh: Reuters |
9. Chương trình hạt nhân của Iran được công khai vào năm 2002 khi nhóm đối lập tiết lộ hoạt động xây dựng nhà máy làm giàu uranium và lò phản ứng nước nặng. Uranium làm giàu và nhiên liệu đã dùng trong lò phản ứng nước nặng có plutonium thích hợp để làm bom hạt nhân.
Nhiên liệu đã qua sử dụng của lò phản ứng nước nặng có plutonium có thể dùng làm bom - Ảnh: Reuters |
10. Khi chương trình hạt nhân của Iran bắt đầu gây chú ý thì quốc gia này không thể chứng minh nó vì mục đích hòa bình. Việc này khiến Mỹ và châu Âu gây sức ép buộc Iran hạn chế làm giàu uranium.
Thùng đựng được cho là chứa “bột vàng” uranium để mang đi làm giàu - Ảnh: Reuters |
11. Năm 2003 Iran thỏa thuận với Anh, Pháp và Đức về vấn đề hạt nhân bao gồm việc tạm dừng làm giàu uranium, cho phép hoạt động điều tra quốc tế diễn ra tại Iran. Tuy nhiên hai năm sau Iran dừng thỏa thuận này với lý do các điều kiện của EU “không thỏa đáng”.
Điều tra viên IAEA kiểm tra phóng xạ tại Iran - Ảnh: Reuters |
12. Từ năm 2010 đến 2012 có ít nhất 4 nhà khoa học hạt nhân Iran bị giết vì tấn công khủng bố, theo các chuyên gia những vụ tấn công này nhằm cản trở chương trình hạt nhân.
13. Iran bị phát hiện có 18 cơ sở liên quan đến chương trình hạt nhân; có khoảng 20.000 máy ly tâm trong các nhà máy làm giàu uranium, mỏ uranium Gchine.
Iran có khoảng 20.000 máy ly tâm để làm giàu uranium - Ảnh: Reuters |
14. Lệnh trừng phạt Iran của Liên Hiệp Quốc được thông qua lần đầu tiên vào năm 2006. Iran chịu thiệt hại rất lớn, hàng tỷ USD tiền bán dầu mỏ bị đóng băng, nhiều lĩnh vực suy giảm như sản xuất ôtô, nhập khẩu thuốc, hàng không, hóa dầu, ngân hàng, du lịch và đầu tư tài chính.
Theo Thanh Niên