Trung Quốc tiến hành xây cơ sở hạt nhân tại Biển Đông

Thứ hai, 29/09/2014, 15:09
Để đáp ứng nhu cầu khát năng lượng, Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi và dự định triển khai thí điểm ở Biển Đông. Đây là hành động đáng lo ngại đến tình hình môi trường trong khu vực.

Theo Want Daily phát hành tại Đài Loan (TQ), Viện Nghiên cứu 719 thuộc Tổng công ty đóng tàu Trung Quốc được giao nhiệm vụ thành lập trung tâm R&D ở Hồ Bắc và đây là cơ sở đầu tiên của Trung Quốc phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi. Bản thân Trung Quốc không đủ công nghệ để sản xuất một công trình đòi hỏi kỹ thuật cao như vậy nhưng Nga có thể giúp Trung Quốc.

Tham vọng tàu nổi hạt nhân phát điện trên báo Trung Quốc

Tham vọng tàu nổi hạt nhân phát điện trên báo Trung Quốc.

Hồi tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Thượng Hải cho phép hai nước hợp tác trong việc xây dựng một nhà máy như vậy. Theo trang web của Công ty liên doanh Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc, kế hoạch dùng tàu hạt nhân nổi sẽ được sử dụng để cung cấp điện cho các cơ sở của Trung Quốc trong vùng có tranh chấp trên Biển Đông.

Các tàu được trang bị một lò phản ứng hạt nhân nhỏ và có thể được sử dụng để khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển. Khi bị thiên tai hay tai nạn, việc hỗ trợ khẩn cấp cũng có thể được triển khai ngay từ trạm nổi này. Nếu Trung Quốc tích lũy đủ kinh nghiệm trong vận hành các nhà máy như vậy, họ có thể sẽ xây dựng các lò phản ứng hạt nhân trên tàu sân bay trong tương lai và sở hữu tàu sân bay năng lượng hạt nhân.

Nguồn tin từ ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc cho biết, tỉnh Hồ Bắc có thể được hưởng lợi từ việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi này. Hồ Bắc hiện có 385 công ty đóng tàu và 21 viện nghiên cứu. Nga hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có một nhà máy điện hạt nhân nổi. Đó là nhà máy Akademik Lomonosov cung cấp công suất lên đến 70 MW điện hoặc 300MW nhiệt cho thành phố Saint Petersburg.

Câu hỏi đặt ra là tại sao phải xây nhà máy điện hạt nhân xa bờ? Hồi giữa tháng 8, báo Nga là Synbiobeta đã lý giải điều này. Có hai yếu tố đẩy cao chi phí xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trên đất liền là giá đất và bảo hiểm. Nhà máy phải xây dựng gần nguồn nước vốn là nơi tập trung nhiều dân cư mà chi phí để giải tỏa mặt bằng thường rất cao. Ngoài ra, chi phí bảo hiểm phòng rủi ro cũng tăng lên rất cao.

Nhưng khi đưa nhà máy ra đại dương thì không phải đối mặt với các vấn đề này. Trong trường hợp xảy ra tai nạn thì có thể dễ dàng "xử lý" bằng việc cho "tàu sân bay hạt nhân" bị ngập nước và "tẩy sạch" bằng nguồn nước lạnh vô tận của biển. Hoặc đơn giản hơn là kéo tàu ra một nơi khác xử lý để khỏi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Ý tưởng này thực sự không phải là mới. Thiết kế tương tự đã được phát triển tại Mỹ bởi nhà nghiên cứu tại MIT và Westinghouse. Tuy nhiên, Mỹ chưa triển khai vì họ không đói khát năng lượng như Trung Quốc. Trong tương lai, nếu "tàu sân bay hạt nhân" của Nga - Trung hoạt động hiệu quả thì có thể Mỹ sẽ triển khai.

Có thể thấy công nghệ cao này được Nga hay Mỹ quan tâm vì mục đích kinh tế và môi trường nhưng Trung Quốc lại xem công nghệ này là cách để thúc đẩy việc bảo vệ lãnh hải mà họ tuyên bố dù đôi khi các tuyên bố đó bất chấp luật pháp quốc tế.

Theo MTG

Các tin cũ hơn