Binh sĩ thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - Ảnh: Reuters |
Có nhiều lý do khiến nhiều người dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ hăng hái tham gia vào chiến dịch công kích IS, trang tinYahoo News bình luận.
Trung Quốc hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất của ngành công nghiệp dầu mỏ tại Iraq. Nền kinh tế của cường quốc châu Á lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Trung Đông. Trung Quốc hiện đang nhập khẩu dầu từ khu vực này nhiều hơn cả Mỹ.
Chính quyền Trung Quốc đang tăng cường chiến dịch triệt tiêu các phần tử Hồi giáo ly khai tại Khu tự trị Tân Cương, còn IS tuyên bố đã có người Trung Quốc sang đầu quân cho tổ chức Hồi giáo cực đoan này.
Dẫu vậy, đóng góp vào liên minh quân sự quốc tế chống IS của Trung Quốc chỉ là “chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện nhân sự”, theo thông báo của Ngoại trưởng Vương Nghị.
Giới phân tích nhận định việc các nhà cầm quyền Trung Quốc chần chừ tham gia vào chiến dịch chống IS vì nhiều lý do, bao gồm sự nghi ngờ ý định của Mỹ và nỗi lo sợ bị cuốn quá sâu vào vòng xoáy bất ổn tại Trung Đông.
Bắc Kinh cũng phật lòng vì phương Tây đã tỏ ra hoài nghi với cách giải quyết cứng rắn đối với cộng đồng người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và Bắc Kinh vẫn luôn khăng khăng cho rằng chỉ có Liên Hiệp Quốc mới có quyền can thiệp quân sự vào một quốc gia.
‘Chủ nghĩa khủng bố’ Hồi giáo tại Trung Quốc
Cảnh sát chống bạo động Trung Quốc diễn tập chống khủng bố ở Tân Cương - Ảnh: Reuters |
Hơn 300 người đã chết trong các cuộc bạo loạn tại Tân Cương trong vòng 18 tháng qua và những phần tử khủng bố người Duy Ngô Nhĩ đã giết 31 người trong một vụ tấn công đẫm máu bằng dao tại nhà ga Côn Minh hồi tháng 3.
Bắc Kinh cho rằng chính Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) và tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, một nhóm người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong, đứng sau tình trạng bạo động tại Tân Cương.
Các quan chứcTrung Quốccũng giận dữ vì chính phủ các nước phương Tây đã từ chối chia sẻ thông tin về các nhóm nói trên.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã loại ETIM khỏi danh sách các tổ chức khủng bố toàn cầu của nước này. Còn bên ngoài Trung Quốc, Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới được xem như một nhóm hoạt động nhân quyền ôn hòa.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang ngày càng ngờ vực về ý định của Mỹ và nghi ngờ rằng Washington cùng các đồng minh đang tìm cách kiềm hãm Trung Quốc, Yahoo News dẫn lời ông Zhao Chu, một nhà phân tích chính trị độc lập, nhận định.
Việc Trung Quốc ít bàn đến khả năng gia nhập liên minh chống IS do Mỹ chỉ huy “là một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy Trung Quốc nghi ngờ mục đích của Mỹ”, theo ông Zhao.
Trong một bài nhận định mới đây, ông Zhao cho rằng Bắc Kinh nên đóng một vai trò tích cực hơn để cho thấy “sự quan ngại của mình với trật tự và công lý quốc tế”, đồng thời cũng nhân vụ việc này để cho quân đội một cơ hội chiến đấu cùng quân Mỹ và học hỏi từ họ.
Bài nhận định của chuyên gia này sau đó đã bị xóa bỏ, một dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc không đồng ý với nhận định kể trên.
Khả năng có hạn
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Các quan chức Trung Quốc cũng cho biết Trung Quốc khó có thể giúp gì nhiều trong cuộc chiến chống IS vì “khả năng quốc tế của chúng tôi có hạn”, theo lời cựu đại sứ Trung Quốc tại Iran Hua Liming.
Hôm 25/9, Trung Quốc cùng với các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đã bỏ phiếu thông qua cho nghị quyết yêu cầu chính phủ các nước “trấn áp việc tuyển mộ, tổ chức, vận chuyển, trang bị và tài trợ cho các chiến binh khủng bố nước ngoài”.
Nhưng Trung Quốc không thể tham gia chiến dịch ném bom vì nước này không có căn cứ không quân gần Iraq và Syria, cũng như không có tàu sân bay đang trong tình trạng có thể điều động được ngay.
Còn ý tưởng gửi quân đến hỗ trợ quân đội Iraq là điều không tưởng vì Trung Quốc chưa từng gửi quân đến Trung Đông trước đây và vì ngay cả Mỹ cũng không gửi quân đến Iraq hay Syria, theo cựu đại sứ Hua.
Theo Thanh Niên