Nhiều người xả rác bừa bãi sau khi dự lễ ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng |
Tôi cho rằng tất cả những tật xấu bị phê phán trong thời gian gần đây của người Việt đều có thể sửa đổi bằng giáo dục. Thực trạng đạo đức người Việt xuống cấp hiện nay minh chứng sự tồn tại nhiều vấn đề trong việc giáo dục con trẻ của chúng ta. Đa số ý kiến cho rằng việc sửa đổi tật xấu người Việt phụ thuộc vào công cuộc cải cách giáo dục ở nhà trường. Tôi nghĩ, cải cách giáo dục từ gia đình mới đóng vai trò quyết định. Vì cha mẹ là những người gần gũi nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành phát triển nhân cách đạo đức của con trẻ.
Ăn cắp, vô trách nhiệm và vô kỷ luật là 3 nhóm tật xấu lớn nhất của người Việt liên tục được phản ánh trên truyền thông gần đây. Để sửa đổi những tật xấu này cho các thế hệ tương lai, các bậc làm cha mẹ trước hết cần xem xét thay đổi bản thân, thay đổi từng hành động nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày, qua đó dạy con bằng việc làm gương của mình.
Thói xấu ăn cắp
Không cha mẹ nào dạy con mình ăn cắp. Vậy tại sao người Việt lại nổi tiếng xấu xí trong mắt người dân nhiều nước bởi tật ăn cắp? Chỉ nói cho con biết ăn cắp là xấu là chưa đủ, cha mẹ cần tuyệt đối không ăn cắp. Dù bạn có con nhỏ, hãy luôn đến cơ quan đúng giờ và về nhà sau khi đã kết thúc giờ làm việc. Đừng vì có con nhỏ mà tự cho mình quyền thỏa hiệp với giờ của tổ chức. Hãy dạy cho con ngay từ đầu rằng thời gian làm việc là của cơ quan, và cha mẹ không thể ăn cắp thời gian của cơ quan để đón con đúng giờ con tan trường được. Đó sẽ là bài học “không ăn cắp” ý nghĩa nhất. Dù được đón trễ và phải đợi ở trường lâu hơn một chút, con trẻ sẽ học và luôn ghi nhớ bài học không bao giờ ăn cắp những gì không phải là của mình, dù là nhỏ nhất.
Khi đưa con đi chơi và ăn uống, hãy nói không với những hàng quán không có nơi đậu xe. Hãy chọn một quán ăn không phải nơi con thích nhất nhưng có sân đậu xe thay vì một quán ăn ngon nhất nhưng lại lấn chiếm vỉa hè. Hãy dạy cho trẻ hiểu vỉa hè là của người đi bộ, và cha mẹ không thể ăn cắp vỉa hè của người đi bộ chỉ để con vào ăn quán con thích nhất được.
Trong một sự kiện giới thiệu sản phẩm mới của công ty, cô đồng nghiệp người Mỹ của tôi đã dứt khoát không cho đứa con 5 tuổi của mình lấy một món quà lưu niệm nào trong buổi lễ. Cháu bé ngoan ngoãn nghe lời sau khi được dạy rằng quà lưu niệm chỉ dành cho những khách hàng tiềm năng của công ty, không dành cho nhân viên trong công ty và con cái của họ.
Thói vô trách nhiệm
Trách nhiệm chăm con là của cha mẹ, không phải của ông bà. Nếu bạn có con nhỏ, chỉ nên để ông bà giúp đỡ tối đa đến lúc bé tròn một tuổi. Sau một tuổi, bé đã có thể đi nhà trẻ. Nếu bạn cần sự giúp đỡ, hãy thuê người giúp việc. Thời gian của ông bà là dành cho nghỉ ngơi thư giãn và đi du lịch. Đó cũng sẽ là bài học trách nhiệm đầu tiên mà con bạn ngay từ rất nhỏ có thể học được từ bạn.
Ăn uống là bản năng sinh tồn căn bản nhất của mọi loài động vật. Quan trọng hơn, đó là trách nhiệm của trẻ cần phải chủ động ăn uống để duy trì sự sinh tồn của chính mình, chứ không phải là trách nhiệm của cha mẹ. Nếu con bạn biếng ăn hãy cứ để con bỏ bữa. Đến lúc đói, chắc chắn trẻ sẽ tự đi tìm thức ăn. Đừng thúc ép hoặc năn nỉ chiêu dụ trẻ ăn nếu bạn muốn dạy trẻ bài học trách nhiệm đối với bản thân căn bản nhất mà trẻ cần học ngay từ khi còn rất nhỏ.
Đa số con cái của những người bạn nước ngoài tôi biết và làm việc chung đều rất gầy còm khi còn bé. Dù không bị ép ăn, không bụ bẫm tròn trịa như trẻ Việt cùng lứa, các cháu vẫn khỏe mạnh, thông minh, năng động và quan trọng là rất biết vâng lời cha mẹ.
Thói vô kỷ luật
Chắc chắn đứa trẻ nào cũng được dạy phải dừng xe khi đèn đỏ. Nhưng có mấy bậc cha mẹ dừng lại khi gặp đèn đỏ vào buổi sáng sớm hoặc tối khuya. Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, người ta luôn dừng lại khi gặp đèn đỏ, dù là ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Vì nếu không dừng lại, chuyện gì sẽ xảy ra nếu ngay lúc tối khuya đó một người khác cũng đang chạy qua giao lộ khi phía họ là đèn xanh? Hãy tuyệt đối chấp hành pháp luật để dạy con biết tôn trọng pháp luật.
Khi đi thang cuốn trong siêu thị hoặc trung tâm mua sắm, dù là cả nhà cùng đi hãy luôn đứng theo hàng một, hãy để bé đứng trên, trước và sau đó lần lượt là cha mẹ. Hãy dạy cho con bạn rằng việc đứng một bên thang cuốn là để dành đường cho những người khác gấp việc hơn hoặc cần đi nhanh hơn. Bằng hành động này, bạn sẽ dạy con ý thức giữ gìn trật tự và kỷ luật nơi công cộng.
Những việc làm trên có thể được cho là cứng nhắc, giáo điều. Nhưng nếu mỗi người Việt chúng ta đều thực hiện, chắc chắn ở châu Á không chỉ mỗi dân tộc Nhật mới được ngưỡng mộ về một lối sống văn minh trật tự và kỷ luật. Vẫn còn nhiều hành động rất nhỏ trong cuộc sống cần các bậc cha mẹ xét lại và thay đổi cách hành xử, để con trẻ nhìn vào và noi theo. Và trong một tương lai gần, chúng ta có thể nhìn vào thế hệ người Việt mới và tự hào về những thay đổi mình đã làm trong hôm nay.
Nguyễn Hữu Lộc(*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân tại TP.HCM
Theo Thanh Niên