Minh họa: DAD |
Bẩn, khoa trương và vô kỷ luật
Khi tiếp xúc với bạn mới quen, tôi thường tránh tự giới thiệu ngay từ đầu mình là người VN. Tại sao? Đơn giản vì tôi đã phát ngán việc chưa kịp để cho thiên hạ hiểu bản thân mình là ai thì đã ngay lập tức bị đóng khung hoặc găm kim vào những định kiến tốt xấu, hoặc bị đem ra so sánh với những người Việt mà họ có dịp tiếp xúc trước đó. Những biểu cảm trên gương mặt họ, những câu cảm thán thốt ra, và nhất là những suy nghĩ không buông thành lời luôn khiến tôi chột dạ. Tôi thấy bất công khi nhất cử nhất động của mình với tư cách một cá nhân đều có thể bị đem ra đánh đồng cho văn hóa và tính cách của cả một dân tộc.
|
Không thể đếm xuể số lần tôi nghe bạn bè ta thán hoặc ca ngợi cả một dân tộc chỉ dựa vào một vài cuộc gặp gỡ, một chuyến công tác nước ngoài ngắn ngủi, hoặc một bộ phim tư liệu tình cờ hoặc hữu ý rơi vào tay. Không chỉ là một dân tộc, đôi khi cả một dải văn minh bị tổng kết dựa vào hành động của một gã trời ơi: Bọn Tây nó sạch nhỉ/bẩn nhỉ/lịch sự nhỉ/thô lỗ nhỉ...
Những lời khen tặng thường dễ đoán trước, như “chăm chỉ học hành làm ăn”, “đánh giặc giỏi” (!)... Nhưng những chê bai thường muôn hình vạn trạng, biến chuyển đầy bất ngờ. Cái hồ sơ của người Việt - ở thời điểm được dân bản xứ dùng như một thước đo để thẩm định nhân cách của tôi trong lần đầu gặp gỡ - đầy những thói xấu.
Thứ nhất là bẩn. Tôi nhớ mãi ánh nhìn dò hỏi của họ khi kể rằng sinh viên VN đi mua cá tươi ở chợ trời về xách cái mớ trơn lẳn tanh nồng ròng ròng nước ấy lướt thướt qua khắp ba tầng gác. Thứ nhì là sự khoa trương lố bịch khi chính những người luôn kêu gào đòi học bổng hay trợ cấp chính phủ ấy lại hào hứng khoe khoang về những đồ chơi công nghệ mới nhất.
Tiếp theo nữa là sự vô kỷ luật, coi việc có thể qua mặt những luật lệ lớn nhỏ là một chiến công hơn là một sự cố đường cùng. Tôi vẫn còn nhớ sự hào hứng phấn khích của một số khuôn mặt trẻ du học sinh Việt khi họ bày cho tôi cách trốn vé tàu, cách ăn cắp mật mã mạng, hay cách dùng một đồng xu nhỏ và một chiếc kim băng để có thể hack các máy điện thoại công cộng và gọi về nhà hàng tiếng liền miễn phí.
Cuối cùng, đó là sự gian dối và thói tắt mắt, nhất là chuyện tiền nong, từ những vấn đề nhỏ như cầm nhầm, trộm đồ siêu thị, cho đến những vấn đề lớn hơn nhiều như thuê nhân công trái phép để khỏi đóng thuế, nói dối là thất nghiệp để hưởng trợ cấp, giả mạo giấy tờ để trốn thuế, hoặc thậm chí lên đến thành hàng thiện nghệ như nhân vật Don Nguyen, người đang cùng Ngân hàng Commonwealth đối mặt với bản cáo trạng khiến cả nước Úc sửng sốt sau khi bài phóng sự về những gian dối trong quá trình tư vấn khách hàng được phát đi vừa qua, khiến số tiền đền bù lên đến 20 triệu đô la Úc.
Tự ti khiếp nhược và tự hào mù quáng
Gánh nặng của hai chữ “người Việt” không dễ định hình. Đó là một tay nải lẫn lộn cả tự ti đến thành khiếp nhược và tự hào đến thành mù quáng. Vì thế, chẳng có gì thiếu logic cả khi một tay chìa ra xin tiền và tay kia vung lên khoe hàng hiệu. Vắng mặt chủ là trốn việc, thiếu cái roi kè kè của quản lý giám sát là thành vô kỷ luật, coi việc vi phạm nguyên tắc xã hội như một chiến công vì đã qua được mặt chủ chứ không phải bản thân mình đã có một hành vi thiếu văn minh. Không tin bạn hãy nhìn những kẻ vượt đèn đỏ. Đối với họ, cột đèn giao thông không phải là một công cụ để đảm bảo an toàn cho chính họ mà được coi như một dạng gông xiềng cần phá bỏ để có tự do.
Đáng sợ hơn, tự ti và tự hào, hai mớ quần áo vừa bẩn vừa sạch đó lại bị xếp lẫn lộn vào nhau, khiến chính kẻ phu thồ khi mở ra đôi khi cũng không biết mình phải tự hào về cái gì, và niềm tự hào đó có chính đáng hay không.
Bước chân qua biên giới để hòa vào thế giới xôn xao ngoài kia, đương nhiên, không người Việt nào vác theo một tay nải giống nhau, nhưng có một điều chắc chắn rằng mỗi cá nhân đó góp phần hình thành nên định kiến về dân tộc Việt trong con mắt thiên hạ.
Ý kiến Một phần do giáo dục Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tôi cho rằng mọi nguyên nhân bắt nguồn từ hệ thống giáo dục hàng chục năm qua rất ít quan tâm xây dựng được năng lực sống cộng đồng, năng lực làm chủ bản thân của người Việt. Thậm chí thầy cô giáo cũng không có được các năng lực này đã làm gương xấu cho người học. Minh Vì thiếu cơ sở hạ tầng Người Việt xấu? Việc này không thể khẳng định được như vậy, vì ở đâu cũng có người xấu người không xấu. Tuy nhiên nói về việc đi tiểu trên đường phố thì... chúng ta thử nghĩ xem ở thành phố có bao nhiêu điểm vệ sinh công cộng, và mỗi điểm như vậy có ai an tâm để vào khi xe máy lại để bên ngoài không người trông coi. Nếu các ban ngành giải quyết được vấn đề vệ sinh công cộng, mới nói đến ý thức của người dân. Kính (bdk0506@gmail.com) Trái ngược Về góc độ văn hóa giao tiếp thì đương nhiên người Việt mình khác nhiều với người ở các nước văn minh khác, ví dụ như Mỹ, Pháp... Với người Mỹ, Pháp... thì tiểu tiện bí mật nhưng hôn nhau thì công khai, còn người Việt chúng ta thì ngược lại, hôn nhau thì bí mật còn tiểu tiện thì công khai ngoài đường phố... Anvinh Đáng buồn Thật đáng buồn cho những hành vi lệch pha trên của một số người Việt vô ý thức. Cần phải nhìn nhận rằng những thói quen như xả rác, đi vệ sinh bừa bãi, thiếu tôn trọng nhau trong cộng đồng, thiếu văn minh trong các giao tiếp, ứng xử nơi công cộng... đã trở thành bản năng khó sửa. Ước mong sao, các thế hệ người Việt chúng ta phải nhanh chóng khắc phục những thói xấu trên, có như vậy mới có thể hội nhập tốt với thế giới. Lê Anh Dũng Xử phạt nghiêm khắc Tôi thấy không nước nào nhiều khẩu hiệu tuyên truyền mà vô tác dụng như ở nước mình. Nơi đâu cũng thấy có cổng chào "Khu phố văn hóa", hoặc "Gia đình văn hóa mới"... Nhưng điều khôi hài là chính những nơi gọi là “văn hóa" đấy lại có rất nhiều điều vô văn hóa như chửi bậy, đánh nhau, xì ke ma túy, đổ rác và tiểu tiện bừa bãi. Giá như thay vì số tiền làm khẩu hiệu đó đem chi dùng cho những việc thực tế thì có ích hơn, ví dụ xây thêm nhà vệ sinh công cộng, tăng cường các chương trình giáo dục ý thức công dân trên các phương tiện truyền thông, trong gia đình và trường học. Ngoài ra, cũng cần phải xử phạt nghiêm khắc các hành vi vô văn hóa nơi công cộng. Nguyễn Văn Nam Rất phản cảm Cơ quan mình ở đường Võ Văn Tần, còn chỗ để xe thì ở đường Lê Quý Đôn. Cứ mỗi lần đi bộ từ nhà xe đến cơ quan hoặc ngược lại thì mình tha hồ chứng kiến (dù không muốn) các quý ông đứng tiểu tiện ngay góc Lê Quý Đôn - Võ Văn Tần. Khổ nỗi chỗ đó lại rất đông người nước ngoài qua lại vì gần Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Mỗi lần thấy cảnh đó mình ước có phép tàng hình hoặc hất tung mấy kẻ vô văn hóa ấy. Bùi Thị Dung |
Nguyễn Phương Mai (*)
*Tiến sĩ về giao tiếp đa văn hóa (Intercultural Communication), giảng dạy tại Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan
Theo Thanh Niên