Người Việt hạnh phúc vì cười nhiều?

Thứ năm, 20/03/2014, 11:37
Trên các bảng xếp hạng về mức độ hạnh phúc trên thế giới, người Việt luôn có thứ hạng cao. Trong đó năm 2012, người Việt được đánh giá là hạnh phúc thứ 2 trên thế giới.

Hạnh phúc top đầu thế giới

Theo khảo sát của Hiệp hội kinh tế mới (NEF), một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về kinh tế, xã hội và môi trường tại Anh, Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI) của năm 2012. Chỉ số này được đánh giá dựa trên ba tiêu chí gồm mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình và dấu chân sinh thái.

Trước đó, năm 2009, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng hạnh phúc của hiệp hội này với tuổi thọ trung bình là 73,7 và 65% dân số hài lòng với cuộc sống.

Một khảo sát khác do Viện Trái đất, Đại học Columbia, Mỹ tiến hành từ năm 2010 đến 2012 tại 156 quốc gia, theo thang điểm 10 thì Việt Nam đứng thứ 63 trên thế giới về mức độ hạnh phúc. Kết luận này dựa trên các chỉ số về mức thu nhập, sự tự do và tuổi thọ.

hạnh phúc, ngày quốc tế hạnh phúc
Nụ cười Việt Nam. Nguồn ảnh: Internet

Xét trong khu vực châu Á, Việt Nam hạnh phúc “vượt mặt” nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hong Kong, Indonesia, Philippines hay Lào. Trung Quốc, nước đang phát triển lớn thế giới và là láng giềng của Việt Nam, kém đến 30 bậc và đứng thứ 93.

Xét trong khu vực Đông Nam Á, người dân Việt Nam có mức điểm hạnh phúc cao thứ tư, chỉ kém hạnh phúc hơn so với người Singapore ở vị trí 30, Thái Lan ở vị trí 36 và người Malaysia đứng thứ 56.

So với giai đoạn năm 2005-2007, cuộc sống của người Việt đã được cải thiện, dựa trên những chỉ số về tuổi thọ, thu nhập đầu người trên GDP, sự hỗ trợ của xã hội, mức độ tự do đưa ra những lựa chọn trong cuộc sống, mức độ hào phóng và nhận thức về tham nhũng.

Lạc quan nên hạnh phúc?

Mặc dù xếp hạng kinh tế thấp, nhưng chỉ số hạnh phúc của người Việt luôn nằm trong top đầu của thế giới, nghe có vẻ phi lý nhưng nhiều người lại cho đó là bình thường. Bởi người Việt luôn có tinh thần lạc quan, giàu lòng yêu thương.

Anh Lê Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, không phải cứ nước giàu là sẽ hạnh phúc, và nước nghèo thì kém hạnh phúc hơn. Anh phân tích: “Ở nước nào cũng vậy, người dân luôn luôn phải đối mặt với những điều căng thẳng trong cuộc sống. Ở đâu cũng có phần tốt, không tốt. Ở Mỹ, châu Âu, hay các nước phát triển có điều kiện kinh tế, sức khỏe tốt hơn nhưng họ cũng phải đối mặt với thuế nặng, chi phí y tế, giáo dục cao, áp lực công việc và đặc biệt là sự cô đơn, ít gặp gỡ gia đình, bạn bè.

Ở Việt Nam có trộm cắp vặt thì ở nước ngoài có khủng bố, bạo lực kinh khủng hơn nhiều. Người Việt tuy điều kiện kinh tế chưa khá lắm, nhưng vẫn có thời gian chăm sóc gia đình, du lịch, và không phải sống trong sợ hãi, có tinh thần lạc quan, những điều đó làm cho người Việt khá là hạnh phúc”.

Cũng đồng quan điểm trên, chị Thu Thủy (Kim Mã, Hà Nội) cho rằng, người Việt hạnh phúc vì hay cười. Trong mọi hoàn cảnh, người Việt luôn có tinh thần lạc quan, dồi dào sức sống.

“Bạn thử gõ cụm từ “người Việt Nam” và tìm kiếm hình ảnh mà xem, từ người già đến trẻ nhỏ, hễ là người Việt thì đều nở nụ cười, cười tươi roi rói. Không phải hạnh phúc thì là gì?

Hạnh phúc không phải là có đầy đủ mọi thứ, mà hạnh phúc là hài lòng với những gì mình đang có. Có những gia đình quanh năm cắm mặt lao động quần quật, chẳng đi du lịch, cũng chẳng vào nhà hàng xa xỉ nhưng người ta vẫn hạnh phúc, vui vẻ, vì họ cảm thấy hài lòng với cuộc sống như vậy, có cơm ăn, áo mặc, con cái ngoan ngoãn là được”, chị Thủy chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam quá cao là một cảnh báo. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng cảm thấy hài lòng và hạnh phúc quá đáng so với thực tế không phải là điều tốt. Lạc quan quá trớn sẽ khiến con người trở nên tự mãn, cả tin, ích kỷ, kém thành công hơn và đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng.

Một chuyên gia tâm lý thẳng thắn nói: “Với nhiều người, chỉ cần đi xe máy, ăn cơm no là hài lòng. Nhưng họ đâu có biết ở Hàn Quốc, Thụy Sỹ… thu nhập bình quân là bao nhiêu? Sự hài lòng quá dễ dãi và hạnh phúc mà có thể định lượng, đo đếm dễ dàng thì cũng thật bất ổn”.

Việt Nam hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc từ năm 2014

Theo Quyết định số 2589/QĐ-TTg của Thủ tướng và công văn số 342/BVHTTDL-GĐ ngày 18/2/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2014, Việt Nam sẽ hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (ngày 20/3 hàng năm) do Liên Hợp Quốc phát động.

Theo đó, năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia hưởng ứng hoạt động này. Với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ", Ngày Hạnh phúc năm 2014 của Việt Nam sẽ được tổ chức toàn quốc. Trong khuôn khổ Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2014, các hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm, diễn đàn, cuộc thi, hội thi, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao... được tổ chức, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có những hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.

Ngày Quốc tế hạnh phúc được Liên hợp quốc thông qua từ tháng 6/2012 với lời cam kết rằng đây sẽ không chỉ là một ngày mang ý nghĩa biểu trưng đơn thuần. Mục đích của ngày này là thúc đẩy những điều tích cực được lan tỏa trên khắp hành tinh. 193 nước thành viên cùng hứa sẽ ủng hộ cho ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.

Theo VNN

Các tin cũ hơn