184 lao động Việt Nam từ Libya về nước: Nụ cười và nước mắt!

Thứ hai, 11/08/2014, 10:54
Chiếc chuyên cơ riêng chở 184 lao động Việt Nam từ Libya về nước đáp xuống sân bay Nội Bài vào chiều 10.8 chất chứa rất nhiều nụ cười và nước mắt: Người cười vì đã về sum họp gia đình từ điểm “nóng” giao tranh; người canh cánh lo kế mưu sinh vì hợp đồng dang dở…

Dang dở hợp đồng vì chiến sự

Ngồi chờ đón em trai, anh Hoàng Văn Minh – anh trai anh Thành - cho biết: “Lần trước Thành đi được 9 tháng thì về, lần này đi được 1 năm thì lại về, cả hai lần em tôi đều dang dở hợp đồng lao động 2 năm”.

Được biết, nơi anh Thành làm việc ở giữa hai thành phố Tripoli và Benghazi, không đến mức quá căng thẳng nhưng ở nhà đều rất lo lắng. “Đi gần 1 năm rồi nhưng thu nhập của Thành chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tôi chỉ hy vọng lần này em tôi về an toàn, sớm có công việc mới ổn định, dù đi nước nào cũng được, miễn là được đi XKLĐ cho gia đình đỡ khổ” – anh Minh nghẹn ngào.

Chị vũ Thị Trang (Hải Dương) cùng con trai ra sân bay Nội bài đón chồng là anh Trần Văn Hùng - lao động tại Lybia phải về nước trước thời hạn. Ảnh: Hải Nguyễn

Anh Đỗ Mạnh Cường (quê Thạch Thất, Hà Nội) trở về trong niềm vui của người bố già cùng vợ và con trai. Khi được đặt chân về tới VN và trong vòng tay của gia đình, anh xúc động: “Hợp đồng của tôi 2 năm nhưng mới làm được 8 tháng, chuyến này có người chỉ làm 3 tháng đã phải về rồi, chưa bù được vốn bỏ ra”. Theo anh Cường, công ty hứa sẽ hỗ trợ đến tháng lương cuối cùng và tiếp tục tìm kiếm cơ hội công việc cho anh.

Anh Hoàng Bắc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sang Libya 11 tháng, theo anh, dù đã “đủ vốn” nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên rất mong tiếp tục được đi XKLĐ. Anh Bắc cũng không giấu được sự thất vọng khi phải trở về quá sớm và công ty chưa hề đưa ra lời hứa nào để hỗ trợ đi nước khác cho tôi tiếp tục đi XKLĐ.

Hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho lao động

Tham gia đón lao động (LĐ) từ Libya trở về có khá nhiều nhân viên của Công ty Vinamex cùng đại diện Công ty Hyundai Engineering. Ông Jung Buyng Hun - Trưởng văn phòng đại diện Hyundai Engineering tại VN - cho biết: Công ty đã phối hợp với Vietnam Airlines và Bộ LĐTBXH để nhanh chóng đưa 682 LĐ về nước an toàn.

Trước mắt, trong hôm nay (10.8), sẽ có 184 LĐ đầu tiên về nước, hai ngày tiếp theo có 484 LĐ về nước an toàn. Công ty hỗ trợ tất cả chi phí, trong đó có thuê chuyên cơ riêng với số tiền lên đến hơn 1 triệu USD.

Ngoài hỗ trợ chi phí đưa LĐ về nước, công ty sẽ ưu tiên sử dụng tại các dự án khác của công ty và cam kết chi trả tất cả tiền lương cho LĐ đến ngày làm việc cuối cùng tại Libya. Ông Nguyễn Việt Hải - GĐ Công ty Vinamex - đơn vị trực tiếp cung ứng LĐ sang Libya làm việc - cho biết, sau khi về đến sân bay, toàn bộ LĐ sẽ được hỗ trợ ôtô đưa ra bến xe để về quê.

Anh Lê Tuấn Dũng (thứ 2 từ phải) lao động từ Công ty Hyundai Amco phải trở về nước trước thời hạn do tình hình bất ổn tại Libya. Ảnh: Hải Nguyễn

Trao đổi với báo chí tại sân bay, ông Lương Thanh Quảng - trợ lý Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) - cho biết, ngay từ tháng 6 khi mới có biến động, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan đại diện VN tại nước ngoài liên hệ chặt chẽ với các LĐ, các cơ quan sử dụng LĐ của ta tại Libya; Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTBXH thường xuyên liên hệ với các công ty phái cử, chủ sử dụng LĐ tại Libya để nắm tình hình.

Trong trường hợp phải sơ tán, chúng ta cũng chuẩn bị trước các kế hoạch cụ thể. Bộ Ngoại giao cũng có công hàm và gặp một số cơ quan đại diện nước ngoài tại VN như sứ quán Anh, sứ quán Philippines, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổ chức Di cư quốc tế tại Hà Nội,... đề nghị các nước và các tổ chức giúp đỡ chúng ta trong trường hợp cần thiết.

Nói về khó khăn lớn nhất trong việc đưa LĐ về nước, ông Quảng cho biết, do đa số LĐ đi theo các công ty nhỏ, không làm việc tập trung nên việc gom người gặp khó khăn. “Chúng ta đã trong tư thế sẵn sàng ứng phó vì Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ LĐTBXH có phương án sơ tán trong trường hợp chiến sự leo thang.

Các phương án này cũng đã được xây dựng cụ thể. Ngay cả chiến sự lan trên diện rộng, chúng ta cũng có phương án như sơ tán qua các cửa khẩu của các nước lân cận (Bộ Ngoại giao đã cử các cơ quan đại diện thường xuyên liên hệ với cơ quan sở tại yêu cầu hỗ trợ).

Việc LĐ bị bỏ đói, trong giai đoạn chiến tranh có nhiều vấn đề phức tạp nằm ngoài tầm kiểm soát. Ví như 25 LĐ của ta đến cửa khẩu Salum (Ai Cập), trong thời gian chờ đợi ta làm việc với cơ quan chức năng của bạn đã phải chịu đói. Thực tế là do vấn đề an ninh biên giới, nên Ai Cập đóng cửa khẩu trong thời gian này. Chúng tôi đã phối hợp với cơ quan đại diện của ta liên hệ với chính quyền Ai Cập, đặc biệt là phủ Tổng thống, vì quyết định này phải do phủ Tổng thống ban hành” - ông Quảng cho hay.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, vấn đề bảo đảm an toàn cho người LĐ được đặt lên hàng đầu. Bộ sẽ phối hợp với Đại sứ quán VN tại Libya và các nước lân cận để tính phương án đưa LĐ về nước, chủ yếu bằng đường hàng không. Ưu tiên trước mắt là đưa LĐ ở vùng chiến sự ra khỏi Libya, phấn đấu trong tháng 8 sẽ cơ bản đưa tất cả số LĐ về nước. Bộ sẽ có hỗ trợ đối với các LĐ trở về như: Cho vay vốn, hỗ trợ việc làm, giới thiệu công ty uy tín về XKLĐ,... cho người LĐ.

Có 3 lao động Việt Nam hiện mất tích

Theo ông Quảng, hiện Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ LĐTBXH và các cơ quan đại diện để xác minh thông tin có 3 lao động do tự ý bỏ ra ngoài khu tập trung nên ngoài tầm kiểm soát của các đơn vị của ta. Hiện vẫn chưa liên lạc được với 3 lao động này. Bộ Ngoại giao phối hợp tích cực với các cơ quan đại diện của ta và cơ quan chức năng sở tại và chủ sử dụng lao động tại Libya để nhanh chóng có thông tin chính xác nhất.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích