Một thói xấu thường thấy: tiểu tiện nơi công cộng - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Điều này không những tạo nên sự trăn trở của những người bản xứ - nơi mà người Việt đến tham quan mà còn trở thành mối bận lòng của nhiều người có trách nhiệm với văn hóa Việt hôm nay.
“Xin mời ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu”
Hè năm ngoái, khi đi du lịch Thái Lan, vào một nhà hàng ăn buffet, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy cái biển ghi chữ tiếng Việt: “Xin mời ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 baht đến 500 baht. Xin cảm ơn!”.
Chuyện ăn uống này đã thành câu chuyện buồn của khách du lịch Việt không chỉ ở Thái Lan mà còn cả ở Singapore. Tại Singapore, biển ghi bằng tiếng Việt (và chỉ có duy nhất tiếng Việt): “Lấy vừa đủ ăn”. Quả thật, phải vào tận nơi mới biết tại sao người ta phải trưng những cái biển đấy.
Nhà hàng đông khách, ai ai cũng xếp hàng đợi đến lượt mình lấy đồ ăn. Bỗng dưng một cặp đôi người Việt từ đâu ùa tới chen ngang. Những người xung quanh chỉ biết lắc đầu cười. Hai người này lấy những năm, sáu con hàu, trong khi người phục vụ bàn đang tách từng con hàu một cho khách. Vào một nhà hàng khác thì lại gặp một anh người Việt ăn tham, bê mấy đĩa đồ ăn đầy bự về bàn, cứ như kiểu không lấy thì sợ ai “hốt” hết, ăn không hết rồi bỏ bê luôn.
Có thể nhìn nhận đây đã trở thành một thói quen xấu của người VN. Một thói xấu gần như khó sửa. Người Việt bất chấp cái bụng của mình có thể ăn được bao nhiêu, mà ăn bằng “mắt”, lấy cho sướng tay, kể cả những món ăn lạ, không hợp khẩu vị, và để trên bàn ngồi ngắm nhìn như thành tích, rồi bỏ đi, trong ánh mắt vừa khó chịu vừa kinh ngạc của những người xung quanh. Lý giải cho điều này thật nhiều chuyện phải bàn. Thói quen? Sự nhận thức lệch pha về khả năng ước lượng? Hay sự sang trọng tức thời? Hoặc một yếu tố nào khác?
Những tiếng xấu về ứng xử thiếu văn hóa của người VN ngày càng lan truyền mạnh mẽ. Sự thụt lùi về văn hóa đang trở thành một vấn nạn lớn đối với thế hệ trẻ của đất nước. Đầu tiên chỉ là sự thiếu tôn trọng cá nhân nhưng sau đó sẽ thành sự thiếu tôn trọng, phân biệt đối xử cho quốc thể. |
“Đi vệ sinh nhớ dội nước”
Thêm một lần choáng nữa ở nhà vệ sinh khi tôi bắt gặp cái biển to tướng, đánh máy bằng tiếng Việt hẳn hoi “đi vệ sinh nhớ dội nước” được gắn trên một nhà hàng đồi cát trên đất Thái. Vẫn đáng chú ý là chỉ có mỗi tiếng Việt mà không có ngôn ngữ khác.
Chuyện đi vệ sinh cũng là chuyện tế nhị, và với du khách người Việt thì phải luôn có sự nhắc nhở “giữ vệ sinh chung”, như nhắc trẻ mẫu giáo, nhưng cũng chỉ là “nước đổ lá khoai”. Họ cứ thẳng tiến “vào”, và đi “ra” tự nhiên, để người đến sau phải nhăn mặt bởi những gì người đi trước để lại. Đã có những chuyện cười ra nước mắt ở châu Âu, du khách Việt bị nhốt trong toilet, bởi muốn cửa mở ra thì phải có động tác giật nước xả.
Còn chuyện xả rác bừa bãi thì nhiều vô kể. Hay gặp nhất là ở sân bay. Có lần tôi đang ở sân bay Đài Loan, vì thời tiết xấu nên bị hoãn chuyến bay lại 2 giờ. Sân bay đông người không đủ chỗ ngồi, rất nhiều người nước ngoài phải đứng. Thế mà một đoàn người Việt, toàn những người trẻ 8X, 9X lôi báo ra trải dưới sàn ngồi, lôi bài ra đánh reo hò ầm ĩ. Đến khi đứng dậy thì báo mỗi chỗ một mảnh, mặc đấy cho nhân viên sân bay dọn dẹp. Đúng hôm ấy, chủ đề tôi chia sẻ lại là: bản sắc văn hóa và mối quan hệ với hành vi ứng xử.
Bài nói làm tôi ngậm ngùi lâu không hẳn chỉ vì sự cảm xúc quá lên khi trình bày về văn hóa người Việt mà đó là những gì thuộc về lòng tự trọng.
“Sorry, turn back please”
Tôi ít khi nói về những gì mình trải qua nếu mình có điều kiện hơn những cá nhân khác dù chỉ là một nhóm. Nhưng kinh nghiệm học tập tại Singapore từ những năm sau đại học khoảng 1999 - 2000 đến những cơ hội tập huấn về tư vấn ở một vài quốc gia như: Philippines, Malaysia hay xa hơn là Đan Mạch thì chuyện ứng xử đặc thù của người Việt vẫn là sự trăn trở tất bật trong suy nghĩ mỗi khi tình cờ gặp đồng hương xa xứ. Vừa mừng, vừa lo vì không biết mình có phải nhạy cảm quá đáng... Hay chuẩn bị gặp một tình huống đặc biệt nào đó trong cuộc sống từ người đồng hương ấy.
Dép trong nhà vệ sinh công cộng cũng bị lấy cắp. |
Có lần tôi lang thang ở Singapore và tình cờ gặp một sinh viên rất trẻ được một giải thưởng công nghệ. Vốn đang nghiên cứu về nghệ thuật nói trước công chúng, tôi sẵn sàng nhận lời mời để tham gia buổi nhận thưởng của bạn ấy cách trung tâm TP 3km. Cùng lên chuyến xe taxi do một tài xế người gốc Malaysia lái. Anh ta từ chối thẳng thắn, không chịu chở cả tôi và cậu sinh viên ấy khi hai lần đề nghị cài dây an toàn nhưng chàng trai cứ giả vờ không nghe thấy. Tôi hỏi cậu ta không nghe rõ à. Cậu bảo: Nghe chứ, nhưng bên mình có cần cài đâu. Đi có chút xíu cài chi cho mệt. Không chở thì đi xe khác...
Có lần tôi lang thang ở Disneyland từ sáng sớm đến khuya chỉ để làm một thao tác khá đơn giản. Vốn khi học sau đại học ngành quản trị hành vi trong tổ chức, tôi muốn xem xét hành vi giám sát thương mại ở các khu vui chơi. Chọn Disneyland làm điểm đến, tôi kiên nhẫn chờ đợi, quan sát.
Mọi sự cứ lặng lẽ trôi nếu như không có cảnh nao lòng và buốt dạ. Một du khách bị tống cổ ra khỏi vị trí cuối cùng khi chuẩn bị được dạo chơi để hàn huyên cùng chị Hằng. Người phụ trách giám sát trưng ra bằng chứng là một hình ảnh.
Ban đầu, vị khách ấy đứng sau khoảng 8 người khách Tây và 4 trẻ em trong nước (có lẽ là người Hồng Kông hay Trung Quốc). Nhưng hình ảnh ghi nhận từ camera cho thấy anh ta đã len lỏi hai lần để tiến hơn 12 bậc để được lên sớm. Hành vi ấy được thực hiện bằng cách khều người phía trước để ra hiệu tìm người quen, nhưng rồi khi đến vị trí mới, anh ấy lại “sorry” để tiếp tục thực hiện. Và người cuối cùng tìm được cũng không phải người quen.
“Sorry, turn back please”. Câu hỏi “Anh đến từ VN?” cất lên bởi giọng lơ lớ của cô nhân viên giám sát làm tôi điếng người. Cái đau như vọng từ tiềm thức về hành vi công cộng bị xem thường hay sự xem thường chính mình của người Việt?
(Còn tiếp)
Và một chuyện xấu nữa có thể kể đến là việc đi mua sắm. Người Việt đi du lịch và mua sắm nhưng gần như không có nhiều kiến thức về hàng hóa. Do đó khi mua sắm, nhiều người đã trở thành “trưởng giả học làm sang”, mua sắm vô tội vạ, đua nhau mua theo kiểu “anh có gì ả có đó”, khi mua, lấy hàng chọn hàng vứt bừa bãi lộn xộn, bới tung cả lô hàng... chưa kể chuyện “rình” để ăn cắp vặt. Tháng 6.2013, một bức ảnh chụp biển cảnh cáo hành vi ăn cắp vặt có in tiếng Việt (dưới là dòng chữ dịch sang tiếng Nhật) gây xôn xao. Tấm biển cảnh cáo có nội dung: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt thì chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức”. |
Tiếng xấu ngày càng lan truyền mạnh mẽ Tất nhiên không thể đánh đồng tất cả người VN đều mang những "tật" trên, nhưng đó cũng là một bộ phận không nhỏ. Và trong mắt không ít người ngoại quốc, nhiều trường hợp khách du lịch VN đã trở thành "con sâu làm rầu nồi canh". Những tiếng xấu về ứng xử thiếu văn hóa của người VN ngày càng lan truyền mạnh mẽ. Sự thụt lùi về văn hóa đang trở thành một tệ nạn lớn đối với thế hệ trẻ của đất nước. Đầu tiên chỉ là sự thiếu tôn trọng cá nhân nhưng sau đó sẽ thành sự thiếu tôn trọng, phân biệt đối xử cho quốc thể. Thử hỏi, với những tiếng xấu về văn hóa đó, làm sao thế hệ trẻ có đủ tự tin để hòa nhập và phát triển đất nước? Tính cách có một phần yếu tố di truyền, song một phần lớn khác là do ảnh hưởng của sự giáo dục (trong gia đình, nhà trường) và môi trường xã hội tác động đến. Do đó, tính cách ấy không thể bất biến được. Muốn thay đổi tính cách, con người cần phải đặt trong môi trường nhất định. Nếu như trong một cộng đồng, một xã hội được thắt chặt kỷ cương, đạo đức xã hội, pháp luật nghiêm minh, người thực thi pháp luật không nể nang bất cứ ai, tạo ra xã hội thực sự dân chủ, minh bạch thông tin thì những thói xấu như tham ăn, háo danh, sĩ diện, tùy tiện... sẽ khó có đất mà tồn tại. Ngoài ra, xã hội cần có sự tuyên truyền mạnh mẽ về việc chống lại các thói quen xấu đã, đang và có xu hướng được hình thành. Bản thân mỗi cha mẹ cần là một tấm gương sáng để con cái noi theo. Nhà trường cần chú trọng khâu rèn luyện đạo đức, nếp sống, thói quen cho trẻ. Bên cạnh dạy kiến thức, nhà trường và gia đình cần dạy dỗ nhiều hơn về văn hóa giao tiếp và ứng xử. Có như vậy mới góp phần đưa văn hóa VN trở thành một điểm sáng trong mắt bạn bè thế giới. |
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn
(Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội VN)
Theo Thanh Niên