Điều đáng nói, là những cuộc thanh tra, kiểm tra, những kết luận về việc có hay không chuyện "chạy công chức" cũng đã được nhiều cơ quan đưa ra. Thế nhưng, kết quả những thanh tra này chưa bao giờ làm hài lòng dư luận. Nguyên nhân tại sao và vì đâu? Để làm rõ hơn vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Vẫn nặng tính tuyên truyền
Thưa ông, mới đây thông tin về chuyện lộ đề thi trong đợt thi tuyển công chức tại Cục Quản lý thị trường, gây bức xúc trong dư luận. Ông có ngạc nhiên khi biết thông tin này?
Tôi không thấy ngạc nhiên và chắc dư luận cũng vậy. Dư luận đã đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Một xã hội đang có quá nhiều vấn đề, nhất là cách thức giải quyết những vấn đề đó đã khiến cho người ta không còn ngạc nhiên nữa. Việc lộ đề thi trong đợt thi tuyển công chức tại một Cục nào đó là vấn đề khá lớn nhưng so với những vụ lớn hơn rất nhiều trước đó thì nó lại là chuyện khác. Những vụ lớn chúng ta còn giải quyết chẳng đâu tới đâu thì thử hỏi, những vụ như thế này, làm sao mà giải quyết triệt để được? Rõ ràng, dư luận sẽ có những suy nghĩ như thế và vụ việc trên chỉ cho thấy một hiện tượng bất thường của xã hội.
Nhiều người cho rằng, thi công chức hiện nay chỉ là hình thức, vì mọi việc đều có sự sắp xếp. Thế nhưng, chúng ta vẫn hô hào là phải công khai, minh bạch trong các kỳ thi, rồi có Nghị quyết, Thông tư để giám sát. Vậy tại sao tình hình vẫn không cải thiện?
Lối giải quyết của chúng ta hiện nay vẫn theo kiểu "giết gà dùng dao mổ trâu". Người ta đưa những vụ sai phạm nhỏ ra rồi hô hào kỷ luật, xử lý mạnh mẽ để làm gương. Nhưng thử hỏi, những vụ lớn gấp trăm lần, nghìn lần như vậy có giải quyết nổi đâu. Người xưa thường nói "thượng bất chính, hạ tắc loạn". Nếu cấp trên không làm gương, pháp luật không minh bạch, công khai thì chuyện cấp dưới làm láo cũng là điều dễ hiểu.
Từ trước tới nay, chuyện thi công chức ở ta đã bàn nhiều lắm rồi nhưng kết cục thì chưa công bố mọi người đã biết. Trước đây, thông tin "chạy công chức" ở Hà Nội với hàng trăm triệu đồng cũng đã từng được mọi người quan tâm và kỳ vọng vào một sự đổi thay nào đó. Thế nhưng, kết quả kết luận điều tra thì sao? Không có gì xảy ra cả và tất cả đều "vui vẻ cả làng".
Nói như vậy để thấy rằng, dù thực tế thi tuyển cán bộ của ta đã được đích thân một lãnh đạo cao cấp chỉ thẳng là nhờ vào bốn thứ là: Quan hệ, hậu duệ, tiền tệ, trí tuệ nhưng vấn đề là chúng ta không có biện pháp khắc phục. Không phải chúng ta không biết, thậm chí còn biết rất rõ nhưng không ai dám thực hiện.
|
Ông Trần Quốc Thuận. |
Không xử lý quyết liệt vì sợ "gãy ghế"?
Vậy nguyên nhân do đâu thưa ông? Tại sao chúng ta có cả quy định về việc quy trách nhiệm nhưng vẫn để xảy ra sai phạm?
ở Việt Nam hiện nay, điều người ta sợ nhất chính là sợ trách nhiệm. Đã vậy, lại thêm quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan Nhà nước khi xảy ra sai phạm. Khi đã quy trách nhiệm người đứng đầu thì nó sẽ ảnh hưởng đến quyền uy và vị thế người đứng đầu. Nếu mọi chuyện "làm quyết liệt" quá thì người đứng đầu sẽ sợ "gãy ghế", sợ bị hạ bệ nên mọi chuyện dù đã rõ ràng rồi nhưng giải quyết không đâu vào đâu.
Cụ thể là nếu người đứng đầu mà càng khui ra nhiều tiêu cực thì càng phải chịu trách nhiệm nên việc thanh tra, kiểm tra để phát hiện tiêu cực chẳng thể đạt hiệu quả cao. Nếu thay đổi cơ chế thì mới có thể tìm ra được tiêu cực này.
Chính bởi vậy, mặc dù chúng ta có những chủ trương rất hay nhưng những mặt tiêu cực của nó thì người ta ít khi chú ý đến. Chúng ta cứ hô hào phải xử lý người đứng đầu nhưng từ trước tới giờ, chúng ta có xử lý được người đứng đầu nào đâu? Ngay cả vụ lộ đề thi mới đây, ông Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đã đề xuất hình thức kỷ luật mấy ông vụ trưởng, vụ phó nhưng tôi tin rằng, dư luận cũng không mong chờ vào những kỷ luật này.
Đây chính là lý do tại sao, chuyện tiêu cực trong những kỳ thi công chức ở ta, ai cũng biết, cũng rõ nhưng điều tra mãi không ra, xử lý mãi không hết và thậm chí còn tệ hại hơn. Chính bởi vậy mà một vụ sai phạm được đưa ra, được hô hào phải xử lý nghiêm nhưng cuối cùng lại teo tóp vì chủ trương, cơ chế. Vì thế, chủ trương rất hay nhưng rõ ràng nó gây ra những hậu quả rất tai hại.
Chúng ta có nhiều cơ quan để giám sát các cuộc thi công chức. Vậy tại sao hiệu quả không cao, thưa ông?
Tôi đã nói rồi, không phải chúng ta không phát hiện được những sai phạm mà chúng ta không dám phanh phui nó. Nếu còn cơ chế người đứng đầu thì không riêng gì chuyện thi công chức mà còn rất nhiều chuyện khác cũng sẽ không giải quyết được đến nơi đến chốn. Chúng ta chống tiêu cực xã hội nói chung và tiêu cực trong thi công chức nói riêng thì phải bắt đầu từ thay đổi cơ chế. Những thứ không phù hợp cần phải sửa đổi. Sửa đổi rồi thì cần có người thực hiện nghiêm túc nếu không mọi chuyện cũng chỉ dừng ở việc bàn luận mà chẳng đi tới đâu.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo ĐS&PL