Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đăng đàn trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 24/3 khi có dư luận về vấn đề tiêu cực, chạy công chức đang làm nóng các diễn đàn thời gian qua.
Trao đổi về Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2012, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, Bộ hướng tới mục tiêu xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”.
Đề án đặt ra 8 mục tiêu cụ thể, trong đó có việc, đến 2015 xây dựng được 100% các chức danh và tiêu chuẩn công chức, nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, thi nâng ngạch công chức.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: "Việc thi tuyển công chức những năm gần đây còn không ít hạn chế, tồn tại". |
Trước vấn đề dư luận đặt ra, cả nước có khoảng 2,8 triệu công chức nhưng có thông tin cho rằng đang có tới 30% trong số này hoạt động không hiệu quả và tình trạng “chạy công chức” vẫn diễn ra công khai, Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận, trong những năm gần đây, việc tổ chức thi tuyển công chức đã từng bước được đổi mới, cải tiến, đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại.
Chính vì thế, dư luận xã hội đang đặt nhiều câu hỏi về tính khách quan, công bằng, minh bạch, nghiêm túc trong thi tuyển.
Trước tình hình này, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu xây dựng nhiều giải pháp, trong đó có việc tổ chức thi tuyển công chức bằng phương thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính.
Mới đây, kỳ thi đầu tiên sử dụng phương thức này, Bộ Nội vụ đã tổ chức thí điểm đưa vào máy tính để tự chọn đề cho thí sinh trong khoảng 400 đề thi chuẩn bị sẵn. Máy tính cũng tự động quản lý thời gian thi, chấm điểm bài thi.
“Thí sinh biết ngay kết quả sau khi làm bài thi và có thể tự xác định có trúng tuyển hay không. Các thí sinh dù trúng tuyển hay không đều cảm thấy thoải mái và hài lòng vì đều cảm nhận được sự công bằng, minh bạch một cách rõ ràng và cụ thể” – ông Bình phân tích.
Bộ trưởng Nội vụ khẳng định, ưu điểm của phương thức thi tuyển này là tạo ra tâm lý phấn khởi, tin tưởng cho mọi người. Theo ông Bình, đây chính là một trong các giải pháp quan trọng để đảm bảo tính công bằng, khách quan và bình đẳng trong thi tuyển công chức mà dư luận xã hội đang quan tâm.
Ông Bình cũng chỉ rõ, phương thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính là một xu hướng tích cực, cần được nghiên cứu triển khai thực hiện trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, rất phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; bảo đảm tốt hơn tính khách quan, công khai, minh bạch, công bằng trong thi công chức.
Thi trắc nghiệm cũng bảo đảm chất lượng của kỳ thi, đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực của người dự thi; tiết kiệm được thời gian, nhân lực và kinh phí tổ chức mỗi kỳ thi. Ngoài ra, thi theo hình thức này sẽ hạn chế tối đa các tiêu cực có thể xảy ra.
Thời gian tới, ông Bình khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện lại phần mềm vi tính thi công chức và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép thực hiện ở các ngành, các cấp. Bộ sẽ khẩn trương bổ sung, hoàn thiện ngân hàng đề thi theo các lĩnh vực chuyên môn trong hoạt động công vụ.
“Hiện vẫn còn quá sớm để có thể nói việc thi tuyển công chức bằng hình thức triển khai thi trắc nghiệm trên máy vi tính sẽ là hình mẫu cho việc thi tuyển công chức trong phạm vi cả nước.
Song kết quả và thành công bước đầu trong kỳ thi tuyển vừa qua, có thể khẳng định rằng, phương thức thi trên máy vi tính sẽ góp phần thực hiện tốt mục tiêu cải cách chế độ công vụ, công chức” - Bộ trưởng Nội vụ trao đổi.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, hiện Bộ đang chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành TƯ, các địa phương tổ chức thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” với mong muốn xây dựng một nền công vụ phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên, đây là một việc lớn và khó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, Bộ Nội vụ mong muốn rằng có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, sự hưởng ứng của nhân dân để thực hiện thành công chủ trương này.
Theo Dantri