Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận tại phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 22/3. Ảnh: NLĐ |
Lý giải của cơ quan quản lý
Tại phiên chất vấn của UBTVQH, ĐBQH Lê Minh Thông chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về việc thời gian gần đây xuất hiện quá nhiều sai sót trong sách giáo khoa, sách tham khảo như in cờ Trung Quốc; sách Tiếng Việt lớp 1 có in bản đồ nước ta nhưng không thể hiện rõ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước ta.
Trả lời về sách in cờ Trung Quốc, Bộ trưởng nói: "Trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc hai bộ: GDĐT và Thông tin - Truyền thông về những xuất bản phẩm liên quan đến giáo dục. Năm 1998, hai bộ có thông tư liên tịch, nhưng sau khi có Luật Xuất bản thì chưa có thông tư ban hành, chúng tôi sẽ soạn thảo ban hành lại văn bản này.
Thứ hai, chúng tôi có trách nhiệm quản lý sách lưu thông trong nhà trường, nói nôm na là dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn sai sót về nội dung cũng như phương pháp. Cách đây bốn năm, bộ có văn bản, chúng tôi đang soạn thảo lại văn bản này, để xây dựng văn bản mới, cập nhật tình hình hiện nay".
Về SGK Tiếng Việt lớp 1, tập 2 có in bản đồ nhưng không thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận quả quyết: “NXB chuyển đến tôi tài liệu, tôi có xem, trên cuốn sách đó có đảo, nhưng chữ in nhỏ”.
Cùng ngày diễn ra phiên chất vấn, một trang báo điện tử đăng công văn số 395, ngày 21/3/2013 do ông Ngô Trần Ái - Tổng GĐ NXB - ký, nội dung bản đồ trong SGK lớp 1 tập 2, trang 78 không thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Ái giải thích: Diện tích bản đồ Việt Nam in trên SGK rất nhỏ (3cmx5cm). Người vẽ bản đồ có ý thức thể hiện quần đảo Hoàng Sa (cụm chấm đen bên phải, tương ứng với TP. Đà Nẵng đi ra) và Trường Sa (cụm chấm đen trên nền phớt vàng ở góc dưới). Vì diện tích bản đồ quá nhỏ, nên không thể hiện, chú thích rõ hơn được. Đây là hình minh họa cho bài tập điền vần trong SGK Tiếng Việt lớp 1, chứ không phải là bản đồ hành chính được dạy trong môn địa lý.
Loạn sách
Để tìm sự thật đằng sau những lý giải này, chúng tôi đi tìm những cuốn sách này. Sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2 tái bản lần thứ tám, nộp lưu chiểu tháng 1/2011 do Cty cổ phần in Khuyến học Phía Nam (Q.3 - TP.HCM) in, mã 1H102TO; số đăng ký 01-2011/CXB/123-1485.GD, có tem, có mã vạch.
Trang 78, bản đồ minh hoạ điền vần: iêt hay uyêt, dưới tấm bản đồ ghi rõ “Bản đồ Việt Nam” nhưng bản đồ thì không có quần đảo Hoàng Sa, chỉ có hình cụm đảo phía dưới, màu vàng.
Trong khi đó, Báo điện tử Dân Trí cũng đưa tin rằng có quyển SGK lớp 1, bản đồ lại có hình hai cụm đảo, chữ nhỏ. Điều đó cho thấy SGK do NXB Giáo dục ấn hành, nhưng nội dung trong sách đã có những khác biệt, cụ thể là tấm bản đồ Việt Nam trong SGK lớp 1.
Giải thích với báo chí, ông Ngô Trần Ái cho rằng, tấm bản đồ in trong sách không phải do biên tập viên hay họa sĩ vẽ mà chụp lại từ bản đồ hành chính nhà nước, nhưng do thu nhỏ lại nên chưa có được tường minh và rõ ràng.Tuy nhiên, chúng tôi thấy tấm bản đồ này được đặt ngang cùng hình ảnh trăng khuyết, nhưng diện tích dành cho hình bản đồ chỉ bằng gần 1/3 hình trăng khuyết, dù rằng hình trăng khuyết cũng chỉ mang tính chất minh họa.
Qua tấm bản đồ được in tại trang 78 SGK Tiếng Việt lớp 1, tập 2 cho thấy, Bộ GDĐT cũng khó quản nổi SGK đang lưu thông trong nhà trường.