Được đầu tư bởi Công ty Du lịch Cố đô với hơn 70 tỷ đồng. Nhiều hạng mục trong Khu du lịch sinh thái hồ Thủy Tiên đã đi vào hoạt động năm 2004. Tuy nhiên, hiện nay, nơi này đã không còn ai tới bởi sự hoang hóa đến không ngờ.
Những hạng mục lớn như Thủy Cung, phòng chơi thế giới ảo, công viên nước, du thuyền trên hồ, sân khấu nhạc nước, nhà hàng… đã không còn một bóng dáng người làm việc. Các lối vào khu du lịch, cỏ mọc đến tiêu điều. Công trình rỉ rét, dây kim loại trong các trạm điện lộ hẳn ra ngoài… rất nguy hiểm cho ai đặt chân đến đây.
Nhìn toàn cảnh thì đây là một địa điểm lý tưởng để xây dựng du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, với không khí trong lành thoáng mát.Tại khu vực hồ Thủy Tiên đã từng có trại sáng tác điêu khắc quốc tế nhân dịp Festival Huế 2004.
Với hàng chục tác phẩm đẹp để lại, nhưng do không được chăm lo, bảo vệ nên nhiều người vô ý thức đã viết, vẽ bậy, tác động thô bạo hay dưới sự khắc nghiệt của thời tiết Huế đã làm cho tác phẩm nghệ thuật bị biến dạng, mất đi tính thẩm mỹ vốn có.
Bên cạnh đó, địa điểm này có thể kết hợp với các địa điểm khác trong khu vực gần kề như: Thiền viện Thiên An, Lăng Khải Định, Tượng Phật Bà Quán Thế Âm… để có thể tạo nên những tour, tuyến du lịch tham quan danh thắng tâm linh lý tưởng.
Hằng năm, thường xuyên vẫn có rất nhiều trường THPT, THCS từ thành phố Huế tới đây tổ chức cắm trại dã ngoại, đồng thời cho các em tìm hiểu về lịch sử văn hóa với các địa danh nói trên. Chứng tỏ sức hút không nhỏ của địa điểm du lịch này.
Hi vọng các cơ quan chức năng xem xét và có hướng đầu tư thích hợp và lâu dài cho một trong những trung tâm giải trí lành mạnh như vậy.
Thủy Cung đã xuống cấp nặng |
Sân khấu nhạc nước chỉ còn những thanh sắt |
Cỏ mọc um tùm trên những khán đài |
Theo một bảo vệ ở đây cho biết thì khu du lịch sinh thái này đã được bán cho một công ty ngoài Hà Nội hơn 2 năm nay. Tất cả các hạng mục vui chơi, giải trí điều đã ngưng hoạt động và bị xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện tại còn khoảng 5 bảo vệ nhưng mục đích là thay nhau giữ đất, giữ rừng và hạn chế người dân ra vào chứ không còn là phục vụ khách du lịch như trước đây nữa. Ngoài ra, trong khuôn viên khu du lịch sinh thái này còn xuất hiện nhiều đàn bò thường xuyên ăn cỏ.
Được mệnh danh là chốn “thần tiên, thiên đường” của Huế từ hơn 30 năm trở lại đây, hồ Thủy Tiên và đồi thông Thiên An là nơi ghi dấu của biết bao thế hệ học sinh, sinh viên lên đây dã ngoại, cắm trại, hóng mát trong dịp hè về.
Và cũng rất nhiều mối tình đã đơm hoa kết trái từ nơi đây khi trong ký ức của nhiều tình nhân vẫn xem Thiên An – Thủy Tiên là “Đà Lạt thứ 2” tại Huế bởi thảm thông xanh bạt ngàn đầy lãng mạn.
Từ khi được đầu tư bởi Công ty Du lịch Cố đô, tuy thu được vé tham quan vào cổng để vui chơi trong các hạng mục như Thủy Cung, nhà chòi nghỉ mát… nhưng do đầu tư không “tới đích” nên đã dẫn đến rất nhiều hạng mục đẹp rơi vào tình trạng bỏ hoang như hôm nay.
Ngày 23/3, PV đã trao đổi với ông Nguyễn Thái, chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy (tỉnh TT-Huế), được biết Hồ Thủy Tiên thuộc địa phương mấy năm qua bỏ hoang rất lãng phí.
Nhiều bức tường bị biến thành nơi “thể hiện” yêu đương (ảnh: Nguyễn Dũng) |
“Trước đây khu vực vui chơi này do Công ty du lịch cố đô Huế quản lý, nay đã bán cho Công ty TNHH Tập đoàn thương mại đầu tư xây dựng HACO hơn 2 năm. Trong buổi họp cuối năm 2012 cách đây 5 tháng trước (có xã chúng tôi tham gia), HACO Huế đã giới thiệu về đề án trình cho tỉnh phê duyệt khoảng hơn 30 tỷ.
Dự kiến sẽ làm vào năm 2013 với các hạng mục như nhà hàng, khách sạn, cải tạo lại hồ Thủy Tiên... Nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì” ông Thái nói.
Theo Dantri