Ảnh minh họa - Nguồn: Tuổi trẻ |
Theo Bộ Tài chính, sau hơn bảy năm thực hiện luật nói trên, kết quả tiết kiệm là rõ nét. Song thực tế lãng phí vẫn còn nhiều, chưa ngăn chặn được, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây bức xúc xã hội.
Trả lời câu hỏi đâu là những lĩnh vực nóng bỏng của tình trạng lãng phí, Bộ Tài chính nói “lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng là vấn đề nổi cộm”.
Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt biểu hiện lãng phí: chi vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc sử dụng kinh phí sai mục đích (từ năm 2006 đến tháng 7/2012, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã kiểm soát và phát hiện trên 219.000 khoản chi chưa đúng thủ tục, quy định, từ chối thanh toán khoảng 2.000 tỉ đồng).
Quản lý và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong những năm qua còn nhiều hạn chế, yếu kém, thất thoát, lãng phí xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Sử dụng nhà đất không đúng mục đích, để hoang hóa...
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về lĩnh vực sử dụng xe công vốn gây bức xúc lâu nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói cơ quan chức năng đã ban hành các tiêu chuẩn, định mức nhưng thực tế vẫn có hiện tượng mua xe vượt quá định mức, tiêu chuẩn.
Theo ông Hiển, giải pháp khắc phục là phải có chế tài vì lãng phí nhiều khi còn tệ hại hơn tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài các biện pháp tuyên truyền, vận động... theo ông Hiển, chế tài hiệu quả cần áp dụng là ai quyết định chi tiêu, sử dụng xe cộ, tài sản công không đúng phải bồi hoàn khoản kinh phí đó.
Ví dụ định mức chỉ được mua xe 900 triệu đồng nhưng lại mua xe đến 1,1 tỉ đồng thì người quyết định việc mua này phải bồi hoàn 200 triệu đồng chi vượt định mức.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần khắc phục tình trạng các tiêu chuẩn, định mức quá lạc hậu, khiến những người thừa hành phải “xé rào”.
Theo Tuoitre