Tại sao người tài về rồi lại đi ?

Thứ tư, 19/12/2012, 07:39
Hội thảo góp ý hoàn thiện Đề án “Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 18/12 đã chỉ ra những bất cập trong việc thu hút người tài vào cơ quan nhà nước hiện nay.

Chảy máu chất xám
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trao bằng cho sinh viên tốt nghiệp loại giỏi 2007-2012 - Ảnh: TTXVN

Phó ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Lan nhìn nhận, TP gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế trong thu hút, đào tạo cán bộ nguồn.

Chẳng hạn như số sinh viên (SV) giỏi và xuất sắc trong 10 năm qua thu hút được chỉ chiếm 20% tổng số cán bộ nguồn; chế độ thu hút, đãi ngộ đối với người trẻ tài năng vào bộ máy nhà nước chưa đủ mạnh để giữ chân họ, đặc biệt là việc tạo điều kiện môi trường để đối tượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy và trưởng thành. 

Thực tế vẫn còn tình trạng tiếp nhận cán bộ công chức không đạt chuẩn do quan hệ cá nhân tình cảm, do vậy không có biên chế để bố trí số được tuyển chọn từ chương trình quy hoạch cán bộ.

Phó ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Lan

Phó ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Minh Hạnh cũng cho rằng, cơ chế, chính sách chưa thỏa đáng là một trong những nguyên nhân căn bản khó thu hút, giữ chân nhân tài.

Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD-ĐT, dạy nghề (Ban Tuyên giáo T.Ư) đặt vấn đề: “Lâu nay chúng ta cứ nói trải thảm đỏ nhưng tại sao người tài về rồi lại đi? Nếu chúng ta cứ loay hoay đến chuyện sở hữu nhân tài thì khó, nên bàn theo hướng sử dụng nhân tài thế nào”.

Loại bỏ người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”

Theo nhìn nhận chung của nhiều đại biểu tham dự hội thảo thì khâu thu hút nhân tài trẻ không quan trọng bằng việc sử dụng, trọng dụng họ thế nào để có sự gắn bó lâu dài.

Giải pháp của Thành ủy TP.HCM là đẩy mạnh thi tuyển các chức danh cấp sở ngành, quận huyện trở lên; mạnh dạn bổ nhiệm, đề bạt để các bạn trẻ trong quy hoạch sớm có điều kiện rèn luyện, thử thách trong môi trường thực tế; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ khâu tuyển dụng ở các địa phương, đơn vị, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chức danh cần tuyển dụng.

“Thực tế vẫn còn tình trạng tiếp nhận cán bộ công chức không đạt chuẩn do quan hệ cá nhân tình cảm, do vậy không có biên chế để bố trí số được tuyển chọn từ chương trình quy hoạch cán bộ”, bà Nguyễn Thị Lan dẫn chứng.

Dự thảo đề án dẫn báo cáo ở một số bộ, ngành, các ban Đảng ở T.Ư và các tổ chức chính trị xã hội cho hay, từ 1997 đến nay, các cơ quan, đơn vị này thu hút 534 SV tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc và các nhà khoa học trẻ; trong đó có 517 SV tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc và 17 GS, PGS, TS và thạc sĩ.

Đến nay, có 224 cán bộ đã được bồi dưỡng và tạo nguồn, trong đó có một số hiện giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng, cấp khoa, cấp trường, cấp vụ, viện; một số được quy hoạch cấp tổng cục trưởng và tương đương.

Phó ban Tổ chức cán bộ - Viện Khoa học xã hội VN, ông Đặng Việt Tiến cũng ủng hộ giải pháp nhiều tỉnh, thành đang triển khai theo hướng mạnh dạn giao việc, bổ nhiệm người trẻ.

“Có mầm, có chồi, có lá rồi mới có cây, phải tạo điều kiện cho người trẻ tham gia công việc thực tiễn để rèn luyện, trưởng thành”, ông Tiến nói.

Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Trương Thị Thông thì cho rằng, nên có chính sách giảm biên chế với đối tượng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, đến cơ quan chỉ để ngồi cho hết giờ.

“Nếu không giảm bớt biên chế với đối tượng như vậy thì làm sao có chỗ cho người tài, người muốn làm việc thực sự vào bộ máy?”, vị PGS-TS này đặt câu hỏi.

Góp ý trực tiếp cho đề án, Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An đề nghị, ngoài các đối tượng thu hút của đề án (SV tốt nghiệp ĐH chính quy loại giỏi và xuất sắc; nhà khoa học trẻ có học vị tiến sĩ, tuổi không quá 40), nên mở rộng thêm đối tượng thu hút là thạc sĩ vì nguồn đầu vào còn rất thiếu.

Nhiều ý kiến phát biểu sau đó tán thành đề xuất này.

Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, cần phải lấy ý kiến chính các đối tượng nhân tài được thu hút vào bộ máy nhà nước thời gian qua về các ưu, nhược điểm của chính sách hiện hành.

Trên cơ sở đó mới đề ra các chính sách, giải pháp thu hút trọng dụng được các tài năng trẻ theo từng lĩnh vực cụ thể, chuyên biệt tùy theo mục đích sử dụng, như tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý nhà nước, hay các nhà nghiên cứu khoa học, hay những người giỏi phục vụ doanh nghiệp nhà nước.

Đồng chủ trì hội thảo, Phó ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Văn Quynh cho biết, đề án này sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình Bộ Chính trị vào quý 2/2013, để sớm thể chế hóa trên thực tế.

 

Theo Thanhnien

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn