Song, điều đó không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn rằng, rất nhiều nhân viên làm việc cho Apple vẫn sẵn sàng dứt áo ra đi, tìm bến đỗ mới.
Theo thống kê của LinkedIn, hãng công nghệ “quả táo khuyết” đã mất hàng nghìn nhân viên vào tay các hãng công nghệ khác, trong đó có cả bạn hàng lẫn đối thủ.
Tại sao những nhân viên này không muốn tiếp tục công việc ở một nơi sáng tạo như vậy vẫn là một điều khó hiểu với những nhà phân tích nhân sự.
Song với tên tuổi của những hãng công nghệ mà các cựu nhân viên Apple thường đổ xô tới sau khi rời “quả táo” có thể giúp chúng ta thấy được phần nào lý do.
Trang Business Insider đã dựa trên số liệu của LinkedIn để thống kê những hãng công nghệ khác đã thu hút được nhiều nhất nhân tài của Apple.
1. Zynga
Số cựu nhân viên Apple: 17
Zynga là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất game cho mạng xã hội. Nhờ có game do Zynga phát triển, mạng xã hội Facebook đã thu được không ít tiền. Zynga cũng là một hãng dữ liệu lớn và sử dụng các phân tích của mình để đảm bảo mọi người trả tiền mua game do họ phát triển.
2. Facebook
Số cựu nhân viên Apple: 73
Facebook hiện là công ty hấp dẫn nhất trong thế giới công nghệ. Hãng đang tiến hành các bước chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Dự kiến, đợt IPO này của Facebook sẽ tạo ra được khoảng 1.000 triệu phú USD. Theo các tin tức mới nhất, Facebook có khả năng niêm yết cổ phiếu của hãng trên sàn Nasdaq.
3. VMWare
Số cựu nhân viên Apple: 118
VMWare là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và công nghệ ảo hóa hàng đầu thế giới hiện nay. Sản phẩm chính bao gồm VMware Workstation cho máy để bàn và VMware ESX server, VMware GSX server cho máy chủ. Các phần mềm tạo máy ảo của VMware được coi là tốt nhất trên thế giới bởi nó hỗ trợ nhiều hệ điều hành khác nhau như GNU/Linux, Mac OS X và Microsoft Windows.
4. IMB
Số cựu nhân viên Apple: 130
IBM là hãng phần cứng hàng đầu nước Mỹ cũng như thế giới. IBM cũng là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ ứng dụng cho doanh nghiệp. IBM được thành lập năm 1911 tại thành phố New York, lúc đầu có tên là Computing Tabulating Recording (CTR) và đổi thành International Business Machines (IBM) vào năm 1924.
5. Adobe
Số cựu nhân viên Apple: 154
Adobe được thành lập vào tháng 12/1982. Vào năm 2010, Adobe có 9.117 nhân viên. Năm 1995, tạp chí Fortune đã xếp Adobe là một trong những nơi làm việc lý tưởng. Năm 2003, Adobe đã được xếp thứ 5 trong những công ty tốt để làm việc ở Mỹ, năm 2004 là thứ 6, thứ 31 năm 2007 và năm 2008 là thứ 40. Năm 2007, Adobe cũng được xếp thứ 9 trong danh sách những công ty phần mềm lớn nhất thế giới.
6. Dell
Số cựu nhân viên Apple: 157
Tương tự như IBM, Dell cũng là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ dành cho khối doanh nghiệp. Hãng cũng chuyên về bán server và máy tính để bàn, máy tính xách tay.
7. Oracle
Số cựu nhân viên Apple: 163
Oracle là một công ty công nghệ ứng dụng cho doanh nghiệp lớn, tương tự như IBM hay Dell. Hãng phân tích Gartner từng đánh giá Oracle là công ty hàng đầu trong “Góc Phần tư Kỳ diệu về giải pháp cung cấp người dùng (User Provisioning)” năm 2010. Larry Ellison, Giám đốc điều hành của Oracle, là một tỷ phú thế giới.
8. HP
Số cựu nhân viên Apple: 216
HP hiện nằm dưới sự quản hạt của nữ Giám đốc điều hành Meg Whitman. Hãng hiện là nhà cung cấp lớn ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp, đồng thời cũng là nhà sản xuất hàng đầu máy tính để bàn, máy tính xách tay. HP ban đầu là một công ty nhỏ ra đời trong một gara ôtô. Nhưng sau này, chính HP là công ty đầu tiên đặt nền móng cho thung lũng Silicon, trung tâm công nghệ số 1 của Mỹ và thế giới.
9. Microsoft
Số cựu nhân viên Apple: 300
Microsoft sở hữu công cụ tìm kiếm Bing khá hấp dẫn. Hãng cũng đang đánh cược vào hệ điều hành di động Windows Phone, đối thủ khá nặng ký của iPhone OS từ Apple. Nói một cách khác, Microsoft là một đối thủ lớn của Apple.
10. Google
Số cựu nhân viên Apple: 315
Apple có lẽ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất hiện nay của Google. Hai hãng đang cạnh tranh gay gắt trên mặt trận hệ điều hành điện thoại và máy tính bảng. Và với sự tương đồng khá lớn về sản phẩm, không có gì khó hiểu tại sao lại có nhiều nhân viên Apple chọn Google làm nơi di chuyển tới như vậy.