Điện thoại Nhật - Thú chơi của fan công nghệ

Thứ tư, 11/04/2012, 11:20
Thị trường điện thoại di động ở Nhật hình thành 2 trường phái: truyền thống và hiện đại. Dù thuộc trường phái nào, những chiếc điện thoại này cũng đều có sức hấp dẫn riêng.

Chất công nghệ trong từng chiếc điện thoại Nhật

Hầu hết những ai yêu thích công nghệ đều bám theo các hãng như Apple, HTC, Samsung, Nokia… để đón chờ thông tin về các sản phẩm mới với những công nghệ mới được tích hợp trong đó. Một phần cũng do các hãng này có chiến lược truyền thông rất tốt. Trong khi đó, có rất nhiều mẫu điện thoại Nhật đi trước về công nghệ so với các hãng kể trên đến hàng năm trời nhưng chỉ được người dân Nhật biết đến.
 
Anh Phan Lạc Trung, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại Nhật ở Hà Nội, vốn là một người đã sống và học tập ở Nhật một thời gian dài. Rồi vì đam mê những chiếc điện thoại ở đây mà anh “rẽ ngang”, trở thành người chuyên phân phối điện thoại Nhật ở Việt Nam cũng là để phần nào thỏa mãn niềm say mê của mình.

Theo anh Trung, Nhật Bản là đi đầu về công nghệ điện tử trên thế giới. Những công nghệ hàng đầu ấy, người Nhật dùng để phục vụ cho nhu cầu của nhân dân mình. Và vì vậy, không cần phải quảng bá ầm ĩ làm gì.

Phong cách truyền thống của các điện thoại Nhật

Nói đến Nhật Bản người ta hay nhắc đến những nét văn hóa rất đặc trưng như nghệ thuật cắm hoa Ikebana, nghệ thuật gấp giấy Origami, áo Kimono… Trong lĩnh vực công nghệ, những chiếc điện thoại Nhật cũng mang bản sắc rất riêng. Đó là những chiếc điện thoại máy gập, màn hình lớn, sắc nét, xoay được, âm thanh hay, chụp ảnh đẹp.
Lý giải một chút cho mẫu máy truyền thống của Nhật, anh Nguyễn Minh Hoàng, nhân viên Bộ KHCN, một người cũng từng học tập ở Nhật cho rằng, người Nhật đề cao tính tiện dụng, vì thế chiếc điện thoại - ngoài nghe gọi còn dùng để nghe nhạc, chụp ảnh, lướt web, thanh toán, mua hàng trực tuyến, xem ti vi, nghe đài… nói chung là “tất cả trong một”. Vì lẽ đó, phần đa các điện thoại Nhật có màn hình gập và có thể xoay được để khi cần nó có thể biến thành màn hình rộng (wide) phục vụ xem tivi, lướt web. Chưa kể, chất lượng các tính năng nghe nhạc, chụp ảnh cũng phải… đạt tiêu chuẩn Nhật Bản.


Người Nhật sử dụng điện thoại mọi lúc, mọi nơi, mọi việc. Vì thế, nó là thiết bị phải rất tiện dụng: nhỏ, gọn và tất cả trong một.


Nói đến điện thoại Nhật cũng cần nói đến nét đặc trưng bên trong đó là tính bảo mật cá nhân cao (đối với các tin nhắn, danh bạ). Anh Trung cho biết, trên hầu hết mỗi chiếc điện thoại Nhật đều tích hợp tính năng bảo mật cho tin nhắn và danh bạ. Người dùng có thể sử dụng mật khẩu hay tính năng ẩn cho tin nhắn, danh bạ.

Sau này, Toshiba cũng tích hợp thêm cả tính năng bảo mật vân tay vào dòng điện thoại Regza T01D. Ngoài ra, các điện thoại Nhật sử dụng loa ngoài với âm lượng vừa phải, tính năng từ chối cuộc gọi được cho là “rất lịch sự” (người dùng chỉ thấy là không liên lạc được mà không rõ vì sao, không hiểu lầm là bận hay tắt máy).

Suốt một thời gian dài, người tiêu dùng Nhật chỉ quen dùng các sản phẩm do trong nước sản xuất. Cho đến gần đây, một số rất ít các sản phẩm nước ngoài như iPhone mới được người Nhật để ý. Cũng vì lẽ đó, thị trường điện thoại Nhật gần đây hình thành 2 trường phái. Trường phái truyền thống là các điện thoại chạy phần mềm riêng của nhà sản xuất, máy gập, màn hình lớn, hỗ trợ âm thanh và chụp ảnh riêng. Và trường phái hiện đại mới hình thành, đó là các điện thoại chạy hệ điều hành như iOS, Android. Cũng theo anh Trung, về cơ bản, các điện thoại truyền thống tuy không có được kho ứng dụng hấp dẫn như điện thoại chạy hệ điều hành nhưng chất lượng âm thanh, hình ảnh, camera vẫn hơn hẳn.

Những ai đã có tìm hiểu qua về điện thoại Nhật đều biết, mỗi mẫu điện thoại chỉ được sản xuất 1 lô duy nhất. Không những thế, mỗi mẫu điện thoại cũng để lại những dấu ấn rất riêng về công nghệ mà cho đến nay, các hãng điện thoại trên thế giới mới “chạy theo mà chưa kịp”.

“Thú chơi” điện thoại Nhật

Như đã nói ở trên, các điện thoại Nhật chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Cũng cần nói thêm về đặc trưng của thị trường viễn thông Nhật, người dùng phải đăng ký trước với nhà mạng rồi mới được mua máy. Gọi là mua nhưng phần lớn người dân không phải trả tiền mà sẽ phụ thuộc vào hợp đồng sử dụng dịch vụ với nhà mạng. Hầu hết các dịch vụ mà người dân Nhật có thể sử dụng trên điện thoại đều do nhà mạng cung cấp. Cũng vì lẽ đó, phần đa trên mỗi chiếc điện thoại đều có tên nhà mạng rồi mới đến seri máy của nhà sản xuất. Chẳng hạn, Vodafone 903SH; Docomo SH10C…

Có thể nói, mối hợp tác giữa nhà mạng và nhà sản xuất thiết bị là rất chặt chẽ. Cũng vì lẽ đó, các điện thoại Nhật khi mang ra khỏi biên giới Nhật hay đúng hơn là không có sự hỗ trợ của nhà mạng ở Nhật, sẽ rất khó phát huy năng lực.

Dù vậy, không phải là không có cách và đã có khá nhiều điện thoại Nhật được mang về Việt Nam chủ yếu qua đường xách tay. Sau đó, nhờ các “công nghệ” ghép sim, bẻ khóa, mở mạng, giải mã… các điện thoại Nhật vẫn sử dụng được ở Việt Nam dù năng lực có khi chỉ đạt 50%, thậm chí có chiếc điện thoại không thể nghe gọi được mà chỉ dùng được các tính năng chụp ảnh, nghe nhạc. Nhưng đối với những người yêu thích các sản phẩm chất lượng cao, điện thoại Nhật vẫn là niềm yêu thích. 


Người yêu thích điện thoại Nhật đủ loại thành phần.


Bác Giang (Thái Thịnh, Hà Nội) cho biết đã mua đến 3 chiếc điện thoại Nhật, trong đó chiếc điện thoại Casio CA01C chụp ảnh, quay camera dưới nước rất tốt. Hè năm ngoái bác đã sử dụng nó để quay khi lặn biển Nha Trang. Còn chiếc điện thoại bác đang dùng là Sharp SH 01D vào Internet rất nhanh, xem tivi được tất cả các kênh và nghe được tất cả các đài địa phương. Bác thường dùng nó để xem đá bóng buổi đêm thay cho tivi để khỏi ảnh hưởng đến mọi người.

Còn Lê Hiếu, sinh viên ĐH Giao Thông Vận Tải lại rất thích chiếc điện thoại SH805 UC ở hai tính năng chụp ảnh và sạc pin bằng năng lượng mặt trời.

Anh Trung cho biết, ngày càng có nhiều người biết đến điện thoại Nhật và khoảng 2 năm gần đây thì hình thành hẳn những nhóm người chuyên chơi, sưu tầm điện thoại Nhật. Trong số các khách hàng thân thiết của cửa hàng, ngoại trừ lớp thanh niên còn có cả phụ nữ tuổi trung niên, học sinh, thậm chí cả cụ ông tuổi đã ngoài 70. Đặc biệt, có khách hàng sở hữu vài chục chiếc điện thoại mà mỗi chiếc đều xứng đáng được coi như một siêu phẩm công nghệ.

Trên nhiều diễn đàn, chủ đề dành cho những người yêu thích điện thoại Nhật cũng được lập ra như year1.com, tinhte.com. Ngoài ra, còn có khá nhiều cửa hàng chỉ chuyên kinh doanh điện thoại Nhật và ông chủ vốn là những người đam mê điện thoại Nhật như dienthoainhat.com, jmp.vn, trungjapan.com… Các cửa hàng này cũng là nơi giao lưu, trao đổi máy của những người yêu điện thoại Nhật
 

Theo Pcworld

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích