Loạn... danh xưng

Thứ hai, 25/03/2013, 07:42
Nhiều người tự đặt những danh xưng như “nhà văn” hay “nhà nghiên cứu” này kia, dù chẳng đóng góp gì đáng kể về chuyên môn.

Mới đây, hai cuốn sách về Đặng Văn Hòa và Đặng Huy Trứ bị phản ứng gay gắt vì những thông tin sai lệch và chắp vá. Đáng nói, tác giả được cho là nhà nghiên cứu lịch sử nhưng trước đó chưa từng hoạt động nghiên cứu. Không phải tới lúc này, người ta mới giật mình về chuyện loạn “nhà”, loạn danh xưng.

loạn danh xưng

Loạn… “nhà”

“Có nhạc công thích được ghi danh là nhạc sĩ, người làm công tác phê bình lý luận lại thích nhận là nhà văn. Họ tự đặt cho mình những danh xưng không liên quan gì đến công việc hay chất lượng chuyên môn nghề nghiệp cá nhân để làm sang”. Đó là nhìn nhận của ông Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật biểu diễn - Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Ông cũng không hiểu sao “cái gì người ta cũng thích gắn nhà nọ nhà kia, nghe cho lớn lao hay sao?”. “Một số người trẻ vừa ra trường, chưa có tác phẩm nào đã tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ. Tôi nghĩ nếu khiêm tốn, họ nên nhận là tác giả văn chương hay tác giả thi ca thôi” - ông Nhân nói.

"Căn bệnh loạn chuẩn danh xưng này đã lan ra khắp các lĩnh vực".

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn

Ngoài chuyện “tự vơ” danh xưng, một cá nhân có thể kiêm đủ các loại “nhà” - chuyện không phải hiếm bây giờ.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Hội Mỹ thuật Việt Nam) không giấu vẻ ngần ngại: “Khi một người ôm đồm quá nhiều loại hình nghệ thuật, các kiểu “nhà”: nhà thơ, nhà văn, nhà nhiếp ảnh, thậm chí họa sĩ… thì có lẽ người ta cũng phải xem lại anh ta là ai, họa sĩ thật hay dỏm, nhà thơ mua vui hay cống hiến cho đời sống thi ca”.

Theo cách nhìn của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (Hội Nhà văn Hà Nội), có 2 kiểu danh xưng. Một là danh xưng nghề nghiệp, chỉ tên gọi công việc. Hai là danh xưng phẩm chất, gắn với chất lượng công việc được xã hội thừa nhận của cá nhân.

“Thực ra không có quy định cụ thể nào. Viết được vài tác phẩm văn chương có thể gọi là nhà văn, nhà thơ, hát mấy bài được gọi là ca sĩ. Nhưng họ phải hiểu mình cần đạt đến trình độ nào đó để tự nhận danh xưng ấy mà không xấu hổ” - ông bày tỏ.

Cũng như vậy, theo ông Nguyễn Thành Nhân: “Người đi hát có thể gọi là ca sĩ, nhưng không thể tùy tiện nhận mình là danh ca”.

Chuyện lạm dụng danh xưng đã và đang phổ biến. Theo nhìn nhận của họa sĩ Lương Xuân Đoàn: “Căn bệnh loạn chuẩn danh xưng này đã lan ra khắp các lĩnh vực”. Trong đó, giới showbiz được nhắc tới nhiều nhất, tiếp đến là những người hoạt động trong giới văn học nghệ thuật.

Kẻ tiếp tay ?

"Viết được vài tác phẩm văn chương có thể gọi là nhà văn, nhà thơ, hát mấy bài được gọi là ca sĩ. Nhưng họ phải hiểu mình cần đạt đến trình độ nào đó để tự nhận danh xưng ấy mà không xấu hổ".

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Ba nguyên nhân chính dẫn tới câu chuyện loạn “nhà” - danh xưng (nói rõ là giới hạn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật) có thể tạm rút ra: sự lạm dụng của người làm nghề, sự “tiếp tay” của truyền thông, và nguy hại hơn là loạn “chuẩn” văn hóa.

“Cơ quan quản lý nhà nước không có trách nhiệm trong việc quản lý danh xưng, cũng như không thể xử lý nếu cá nhân đó không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ có thể làm công việc hướng dẫn dư luận” - ông Nguyễn Thành Nhân chia sẻ quan điểm.

Vì thế, nguyên nhân dẫn đến câu chuyện loạn danh xưng được nhìn trước hết từ phía lỗi của các cá nhân.

Ông Nhân cho rằng: “Có người không hiểu ý nghĩa của danh xưng đó rồi tự nhận, có người hiểu rất rõ nhưng cố tình ngộ nhận để cho oai, tăng danh tiếng, thậm chí tìm kiếm lợi ích”.

Ngoài ra, ông Nhân cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong câu chuyện. Giới truyền thông bị kết tội là kẻ “tiếp tay”. “Người viết không phân định được cá nhân này là nhạc sĩ hay nhạc công dẫn đến sai lệch danh xưng” - ông Nhân đưa ví dụ.

Trong nhiều trường hợp, truyền thông tự cho mình quyền đặt danh xưng bừa bãi, không tìm hiểu thông tin, ngoài ra không có khả năng phân định rạch ròi danh xưng. Nhưng cũng có khi chính truyền thông lờ đi và cố tình tự biến mình thành “kẻ tội đồ”. “Truyền thông không chuẩn xác là việc rất nguy hiểm” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chuyện loạn… ”nhà” còn có phần lỗi ở phía nhận thức của công chúng - xã hội. Bởi cá nhân tự nhận danh xưng, nhưng có được chấp nhận hay không lại từ phía công chúng. Sâu xa hơn, theo cách nói của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, lỗi ở đây nằm ở sự loạn “chuẩn” văn hóa.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn giải thích: “Không chỉ công chúng mà cả những người quản lý cần có “chuẩn” văn hóa. Từ đó mới nhìn ra nghệ sĩ có tài năng hay không, tác phẩm nghệ thuật đó là đẹp hay xấu, cá nhân đó có xứng đáng với danh xưng được đặt hay không. Nếu đã lệch “chuẩn” thì chuyện loạn như trên là lẽ đương nhiên”.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn