Vừa qua, không chỉ dư luận huyện Bến Lức (Long An) bất bình, mà cả nước cũng xôn xao khi có thông tin, 51 công chức ở huyện Bến Lức (Long An) vừa được Phòng Nội vụ huyện này mời đến để vận động họ tự nguyện xin nghỉ việc.
|
Vận động công chức nghỉ việc là làm trái pháp luật (Ảnh Minh họa) |
Theo thông tin từ báo giới, vừa qua Phòng Nội vụ huyện Bến Lức đã vận động 51 công chức (Thi tuyển và trúng tuyển năm 2008) tự nguyện viết đơn xin thôi việc, trong khi họ đang làm việc đúng chuyên môn được tuyển với hệ số lương theo quy định của Nhà nước. Không ai trong số họ vi phạm kỷ luật và đang làm tốt các công việc được giao.
Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bến Lức Nguyễn Thị Kiều Nga, khi trả lời báo chí đã cho biết: Mỗi năm một xã sẽ được tuyển một cán bộ dự nguồn nhằm nâng cao chất lượng cán bộ và trẻ hóa các đơn vị hành chính. Những người này vào làm việc và hưởng lương theo ngạch công chức bình thường, chờ người về hưu hoặc khi thừa biên chế sẽ bổ sung vào.
Bà Nga cho biết: “Năm năm qua, huyện Bến Lức tuyển được 51 cán bộ chuyên trách, nhưng do không có bao nhiêu trong biên chế rời “ghế” nên huyện đành phải vận động những người này tự xin nghỉ để có thể bổ sung vào công tác ở những vị trí bán chuyên trách khác”.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức Huỳnh Quốc Việt cho biết, kinh phí trả lương cho số cán bộ dự nguồn này là do UBND tỉnh cấp.
“Tự dưng tỉnh ra thông báo hết quý 1/2013 sẽ không còn cấp lương nữa, nên chúng tôi đành phải bố trí lại, chứ không thể có kinh phí trả lương cho những người này. Các phòng ban nào còn biên chế thì bố trí vào, còn lại đành phải cắt ngạch lương và bố trí được ở đâu thì bố trí”, ông Việt cho biết.
|
Vận động công chức nghỉ việc sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác ( Ảnh internet) |
Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn Phòng Luật sư Vì Dân khẳng định, việc mời 51 công chức và vận động họ tự nguyện xin nghỉ việc tại huyện Bến Lức (Long An) là việc làm hoàn toàn trái với quy định của pháp luật, trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vi phạm nghiêm trong các quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008, cụ thể vi phạm điều 58 Luật Công chức, Khoản 1 điều 59 của luật này.
“Giải quyết công ăn việc làm cho người dân là chính sách được đặt lên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Công chức là nhân viên trong cơ quan nhà nước, đó là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện…trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật…Quyền lợi và nghĩa vụ công chức đã được quy định rõ trong Luật cán bộ, công chức”.
Theo quy định của Pháp Luật, căn cứ vào yêu cầu nghiệp vụ của Nhà nước, để đưa ra quy định cán bộ công chức, và tuyển dụng cán bộ công chức. Việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Nguyên tắc tuyển dụng công chức là phải tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm.
Theo khoản 3, điều 58, Luật Cán bộ công chức, sau hai năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có hai năm liên tiếp, trong đó một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác. Công chức hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc .
Trong khoản 1 điều 59 cũng nêu rõ: "Ngoài việc phải thôi việc nếu có hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ như điều khoản này đã quy định, công chức còn được giải quyết cho thôi việc nếu thuộc một trong hai trường hợp: do sắp xếp tổ chức, theo nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý".
Điều 54, Luật cán bộ, công chức cũng quy định về việc từ chức hoặc miễn nhiệm đối với công chức, cụ thể, công chức lãnh đạo, quản lý có thể từ chức hoặc miễn nhiệm trong các trường hợp:không đủ sức khỏe; Không đủ năng lực, uy tín; Theo yêu cầu nhiệm vụ;Vì lý do khác”.
Luật sư Trần Đình Triển |
“Căn cứ vào những điều Luật đã quy định cụ thể trên với vụ việc, có thể nhận thấy, việc vận động công chức tự nguyện xin nghỉ việc, trong khi 51 công chức này vẫn đang làm việc đúng chuyên môn được tuyển với hệ số lương theo quy định của Nhà nước, không ai trong số họ vi phạm kỷ luật và đang làm tốt các công việc được giao, là việc làm hoàn toàn sai về mặt pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật cán bộ công chức 2008”, Luật sư Trần Đình Triển nhận định.
Căn cứ vào luật Ngân sách nhà nước, Hội đồng nhân dân, UBND các cấp phải căn cứ dựa trên tính chất công việc của địa phương để tuyển dụng bao nhiêu công chức một năm, khi người già đến tuổi nghỉ hưu phải có người kế cận, việc đó phải được thông qua dựa trên nguồn ngân sách.
Vì thế, lý do, cắt giảm công chức của huyện Bến Lức (Long An) bởi không có tiền để trả lương là không thể chấp nhận. Bản thân huyện Bến Lức đã làm không đúng quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008.
LS Triển cho biết, “51 công chức của huyện Bến Lức trúng tuyển năm 2008 và làm việc đến nay, họ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, việc ổn định công việc đó giải quyết rất nhiều vấn đề trong công việc như mối quan hệ, khả năng đáp ứng hoàn thành tốt công việc.
Hơn nữa, họ có thể đã lập gia đình, có cha già, trẻ nhỏ, vận động họ xin nghỉ việc ngoài trái quy định của pháp luật, đồng thời sẽ kéo theo hàng loạt những vấn đề khác. Khi ra quyết định vận động này, UBND huyện Bến Lức đã quên đi đạo đức trong mỗi con người”.
“UBND huyện Bến Lức không thể cho họ nghỉ việc được. Đồng thời, trong vấn đề này, UBND tỉnh Long An và huyện Bến Lức nếu sai nên xem xét lại. Nếu 51 công chức này khiếu nại lên các cấp chính quyền huyện Long An mà không được giải quyết, họ hoàn toàn có thể nộp đơn khởi kiện ra tòa án”, Luật sư Trần Đình Triển nhận định.
Theo Kienthuc