Đó là nhận định của bà Trần Thu Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) – cơ quan được giao phản biện về chính sách y tế, trả lời phỏng vấn PV, bà Hà cho rằng, đưa phong bì là hậu quả của sự mất kiểm soát của Nhà nước với hệ thống y tế, đe dọa mục tiêu phát triển công bằng và hiệu quả trong chăm sóc y tế.
Ảnh minh hoạ
Hầu hết mọi người đều không thích hành động đưa phong bì, lên án phong bì, nhất là trong lĩnh vực y tế, nhưng tại sao họ vẫn đưa?
- Có rất nhiều lý do dẫn đến việc người bệnh đưa nhân viên y tế phong bì, tuy nhiên, lý do phổ biến nhất đều xuất phát từ mong muốn nhận được chất lượng điều trị tốt hơn, được quan tâm chăm sóc tốt hơn, được tư vấn rõ ràng hơn, nhận được thái độ nhiệt tình, hơn khi họ đi khám chữa bệnh.
Cho dù là gia đình khá giả hay nghèo khó, khi phải đến bệnh viện thì người bệnh và gia đình đều rất bối rối, lo lắng, phó thác sức khỏe, sự sống của mình cho bác sĩ, vì thế, không ai dám kỳ kèo, đôi co, mà chỉ muốn tìm mọi cách để cảm thấy yên tâm hơn.
Nếu như họ nhận được các “tín hiệu” ngụ ý muốn nhận tiền bồi dưỡng của cán bộ y tế thì bệnh nhân và người nhà sẽ “răm rắp” thực hiện. Bệnh nhân nọ lại rỉ tai bệnh nhân kia. Bệnh nhân cũng sẽ so sánh thái độ của bác sĩ trước và sau khi đưa phong bì, và tự “rút kinh nghiệm” ở những lần sau.
Vậy theo bà, phong bì có tác động đến chất lượng dịch vụ y tế thật không?
-Thực ra Việt Nam chưa hề có nghiên cứu, thực nghiệm nào để khẳng định mức độ ảnh hưởng của “phong bì” đến chất lượng dịch vụ y tế. Nhưng trong một nghiên cứu chúng tôi đã thực hiện, đa số bệnh nhân đều cho rằng sau khi đưa phong bì, các cán bộ y tế có thái độ nhã nhặn hơn, khám bệnh nhiệt tình hơn, dặn dò kỹ lưỡng hơn trước khi xuất viện.
Còn phía bác sĩ cho rằng, chất lượng điều trị cho bệnh nhân là không khác biệt cho dù bệnh nhân có hay không đưa phong bì hoặc biếu quà.
Các bác sĩ ngoại khoa còn khẳng định, họ luôn chú ý đến việc ưu tiên cho các ca cấp cứu và phân loại theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, không có chuyện vì phong bì mà cho người bệnh nhẹ mổ trước người bệnh nặng và nhấn mạnh người nhà bệnh nhân nên giữ bình tĩnh và tin tưởng sự đánh giá của bác sĩ (bởi người nhà bệnh nhân luôn cho rằng người nhà của họ nặng và cần được ưu tiên).
Như vậy, có thể nói phong bì chỉ có thể “mua” được thái độ phục vụ, khám chữa bệnh của cán bộ y tế và sự ưu tiên khi xếp hàng khám chữa bệnh chứ khó tác động sâu hơn.
“Về lâu dài, cần tăng cường công tác y tế dự phòng để người dân bớt hoang mang về sức khỏe, tự bảo vệ sức khoẻ bản thân, giúp họ yên tâm điều trị theo hướng dẫn của các bác sĩ đúng tuyến, không “hoảng hốt” chạy lên bệnh viện tuyến trên chỉ vì những bệnh viêm họng, đau mắt... Như vậy, mớ bòng bong của nạn “phong bì” và quá tải bệnh viện mới dần dần được tháo gỡ”. Bà Trần Thu Hà |
- Bất cứ một loại dịch vụ nào có sự giao dịch tiền mặt giữa bên đưa dịch vụ và bên thụ hưởng dịch vụ đều xảy ra sự mất công bằng. Chất lượng y tế sẽ đi xuống và được đo bằng giá trị đồng tiền. Khi đó, người dân sẽ không tin vào chất lượng nếu không có nhiều tiền để làm “phong bì”.
Thậm chí, cán bộ y tế từ chối nhận phong bì sẽ khiến bệnh nhân hoang mang, sợ hãi vì sợ bị khám bệnh qua quýt, bị “trù dập”. Đạo đức của người dân sẽ xuống cấp vì họ sẽ tự tạo ra môi trường cạnh tranh lẫn nhau.
Còn y đức của nhân viên y tế cũng sẽ bị mục ruỗng nếu lúc nào cũng trông chờ vào phong bì. Như thế, xã hội trong đó có lĩnh vực y tế mà con người sử dụng đồng tiền để tạo lập giá trị bản thân sẽ thì sẽ mất hết sự công bằng và nhân văn.
Khá nhiều lãnh đạo quản lý ngành y tế đều đổ lỗi cho các “tồn tại” của ngành y tế là do quá tải, khiến chất lượng y tế giảm, cán bộ y tế mệt mỏi không thể nhã nhặn được… Theo bà, “chìa khóa” của vấn đề là do đâu?
- Vấn đề chính của ngành y tế VN chính là viện phí chưa được tính đúng, tính đủ, theo đúng nhu cầu thực tế. Tiền viện phí mà người dân đang chi trả cho việc điều trị là quá thấp, tiền mua bảo hiểm cũng thấp, tuy nhiên, số tiền thực tế mà họ bỏ ra vẫn cao vì các chi phí “ngoài luồng” như vật tư y tế ngoài danh mục bảo hiểm, tiền phong bì, lót tay, tiền cò, tiền thuốc (bác sĩ kê quá nhiều thuốc hoặc kê thuốc đắt tiền)…
Vì thế, ngành y tế thu không đủ chi mà người dân vẫn còng lưng gánh chi phí y tế, không đủ tiền để giải quyết các vấn đề của mình.
Vì thế, muốn giải quyết được vấn nạn phong bì tại các bệnh viện, trong nhiều giải pháp, tôi cho rằng vấn đề y đức của bác sĩ vẫn phải được coi trọng; phải làm sao có các chế tài, định chế để ngăn chặn được các chi phí “ngoài luồng”. Đồng thời, phải cắt đứt hoàn toàn quan hệ giao dịch tiền mặt giữa nhân viên y tế và bệnh nhân thông qua sử dụng tổ chức bảo hiểm y tế Nhà nước hoặc tư nhân.
Xin cảm ơn bà.
Theo Danviet