Thật khó hình dung cảnh Hai Bà ra trận trên lưng voi với chiếc... yếm đào, váy đụp, đi chân đất! Trưng Trắc khoác chiếc bào màu đỏ cho khác với Trưng Nhị.
Chưa hết, tóc Hai Bà đều búi tó chỉ gọn lỏn một chấm đen phía trước, hai bên gần như chẳng có sợi tóc nào, sau và trước cũng gần như... trọc lốc, nên thoạt nhìn, có người còn lầm tưởng là... đàn ông, hoặc đại diện cho một bộ lạc thượng cổ nào đó ở Trung Quốc! Ở nhà cũng vậy, Hai Bà lúc tập võ hay bắn cung cũng đều vận chiếc yếm đào hở lưng, váy xòe, đi chân không, mặt mày dữ tợn.
Nếu đây là những hình ảnh ước lệ, thì những hình ảnh hài hước trong tranh Đông Hồ cũng còn ý nhị hơn nhiều khi diễn tả trang phục người phụ nữ trong “Hái dừa”, “Đánh ghen”- cũng yếm thắm, váy đụp, nhưng tóc dài đen phủ ngang vai và dáng vẻ người nữ khá duyên dáng.
Hình ảnh Hai Bà ra trận ở bìa cuốn truyện tranh. |
Cho đến khi lên ngôi vua, Trưng Trắc cũng vẫn mặc bên trong chiếc yếm thắm, bên ngoài khoác chiếc áo khoác đơn giản (!). Trong truyện tranh này, Hai Bà ăn mặc dân dã là vậy, các nhân vật nam phục trang còn thô sơ hơn- cởi trần, chỉ đóng khố.
Tranh vẽ còn không ngại lột tả đoạn quân của Mã Viện... cởi truồng giao chiến với quân của Hai Bà, trong khi đoạn này có thể lướt qua bằng phần chữ, không cần phải “tả thực” thô bạo như vậy. Ở những đoạn cần diễn tả cảm xúc như khi nghe tin Thi Sách chồng mình bị giết hại, nét mặt Trưng Trắc lại vô cảm đến bất ngờ.
Tác giả những hình ảnh này là họa sĩ Nguyễn Đông Hải, lời phỏng theo tác phẩm dự thi của Nguyễn Thị Thu Hương, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Đây cũng chính là một trong số những tác phẩm truyện tranh hưởng ứng cuộc thi biên soạn truyện tranh lịch sử theo SGK, do NXB Giáo dục VN phối hợp với Hội Nhà văn VN và Hội Khoa học lịch sử tổ chức.
Điều đáng nói là cả ba đơn vị cùng phối hợp thực hiện, mà để sai sót về hình ảnh đến mức nghiêm trọng như vậy, thử hỏi, khi học sử bằng tranh, học sinh cấp 1 sẽ nghĩ gì khi hình ảnh Hai Bà Trưng oai phong, hùng dũng, lẫm liệt trong trí tưởng tượng lại được tái hiện một cách dung tục như vậy?
Liệu tác giả có nghiên cứu trang phục của thời Hai Bà, từ áo bào, kiểu tóc, giày dép cho đến vũ khí và cả trang phục của binh lính hay căn cứ vào đâu để có thể “phăng” những hình ảnh kỳ dị như vậy?
Viết truyện lịch sử đã khó, làm truyện tranh lịch sử lại càng khó hơn - trong lời giới thiệu mở đầu cuốn truyện, nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết như vậy. Hơn nữa, truyện tranh cho thiếu nhi luôn đòi hỏi bút vẽ phải khắt khe, cẩn trọng, vì chỉ cần chểnh mảng đã có thể... giết chết một hình tượng, một nhân vật lịch sử. Đây cũng chính là điều mà NXB Giáo dục nên xem lại ở khâu biên tập hình ảnh.
Theo Laodong