Cục Xuất bản: "Để sách in đường lưỡi bò là yếu kém chính trị"

Thứ năm, 14/03/2013, 11:15
Liên quan đến cuốn sách học tiếng Hoa cho trẻ em có in hình "đường lưỡi bò" 9 đoạn phi pháp do Trung Quốc vẽ ra, chiều 13/3 phóng viên GDVN đã có buổi làm việc với Cục Xuất bản tại trụ sở cơ quan này.

Bà Phan Thị Tuyết Nga, Trưởng Phòng Quản lý xuất bản đại diện Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời phóng viên về vấn đề này.

Đường lưỡi bò
Hình bản đồ in “đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, trong sách Tiếng Hoa dành cho trẻ em do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Bà Phan Thị Tuyết Nga cho biết: Sau khi nhận được thông tin về cuốn sách, bà Nga đã liên hệ tới bà Nguyễn Thị Thanh Hương (Giám đốc, Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM) yêu cầu bà Hương báo cáo giải trình rõ cho Cục Xuất bản về cuốn sách trên đặc biệt là quy trình liên kết. Sau khi giải trình, sự việc mới được xử lý.

Sau khi NXB nộp lưu chiểu 10 ngày mà cơ quan quản lý nhà nước không phát hiện ra vấn đề thì sách sẽ được phát hành. Thế nhưng trong quá trình phát hành mà cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng phát hiện ra sai phạm thì vẫn xử lý theo quy định pháp luật.

"Nếu để xảy ra sai sót trên lỗi trước tiên phải do trình độ quản lý của Giám đốc, Nhà xuất bản, trình độ Biên tập viên còn yếu, thiếu nhạy cảm về chính trị. Đặc biệt là vấn đề tự tôn dân tộc, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam...", bà Nga nhấn mạnh.

Hiện Cục Xuất bản đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, để phục vụ việc thực thi Luật Xuất bản 2012 có hiệu lực từ 1/7/2013, trong đó sẽ quy định cụ thể, chi tiết về trách nhiệm, quyền hạn của Giám đốc, Tổng biên tập, Biên tập viên khi có sai phạm về xuất bản ấn phẩm của mình.

Trung bình một năm Cục Xuất bản nhận lưu chiểu hơn 20.000 cuốn sách. Cục đã mời một số cộng tác viên hỗ trợ cho đọc thẩm định sách, nhưng số người tham gia còn ít. Đối với cơ quan quản lý nhà nước trách nhiệm đọc kiểm tra sách không phải là nhận định nội dung sách hay hay dở mà là vấn đề có vi phạm quy định của pháp luật hay không? Trong đó đặc biệt chú ý đến Điều 10 của Luật Xuất bản 2012.

Bà Phan Thị Tuyết Nga cũng chia sẻ rằng: Trong quá trình xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản của các NXB, Cục đã thường xuyên nhắc nhở các NXB phải lưu ý đến việc biên tập, thẩm định nội dung, nhất là đối với sách về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập trong việc xuất bản ấn phẩm của mình, nhất là sách mua bản quyền nước ngoài. Qua vụ việc trên Cục sẽ tiếp tục có công văn gửi cho tất cả các NXB chấn chỉnh về việc xuất bản sách tham khảo học sinh không để xảy ra vụ việc tương tự.

Trước đó, ngày 12/3, trong quá trình kiểm tra tại Nhà sách Nhân văn tại địa chỉ 875 Cách Mạng Tháng 8, phường 15, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Văn hóa-Thông tin Quận 10 đã phát hiện bộ sách Tiếng Hoa dành cho trẻ em có in bản đồ Trung Quốc kèm hình “đường lưỡi bò” 9 khúc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Phần nội dung sai phạm nằm ở bài số 14, trang 35, tập 1 (bộ sách có 3 tập).

Theo thông tin từ nhà sách Nhân Văn, tập 1 của bộ sách có quyết định tái bản ngày 25/07/2011, số lượng in 2.000 cuốn của Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TP.HCM, đối tác liên kết xuất bản là Công ty cổ phần giáo dục và công nghệ thế giới thông minh.

Đại diện Công ty cổ phần văn hóa Nhân Văn cho biết: Bộ sách Tiếng Hoa dành cho trẻ em xuất bản lần đầu vào năm 2008. Trong lần xuất bản này, vì do không nhận biết nên tập sách có in “đường lưỡi bò” phi pháp. Đến năm 2010, khi dư luận lên án về “đường lưỡi bò” phi pháp, thì công ty cho thu hồi và đã tiêu hủy hết. Khi tái bản bộ sách đã biên tập loại bỏ hình ảnh này khỏi cuốn sách.

Tuy nhiên, ông Phạm Tấn Dũng, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Q.10 nói: “Chúng tôi tiến hành kiểm tra, ghi nhận thực tế là bộ sách tái bản vẫn còn in “đường lưỡi bò” phi pháp. Đoàn kiểm tra đã phối hợp với Công an P.15 lập biên bản vi phạm hành chính, niêm phong 132 cuốn sách là tang vật của vụ việc”.

Điều 10. Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản

1. Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây:

a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;

đ) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

2. Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:

a) Xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản;

b) Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản;

c) In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm;

d) Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu;

đ) Xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép;

e) Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Theo GDVN

Các tin cũ hơn