Nhiều kiểu chê "khó đỡ"
Thuỷ vốn là một tay chơi cầu lông có tiếng trong giới cầu lông Hà thành. Chính vì vậy, cùng với bằng đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh, Thủy được nhận về phòng kinh doanh của một công ty Nhà nước và kiêm luôn phụ trách mảng thể dục thể thao của công ty.
Ngoài tài chơi cầu lông ra thì Thuỷ không có gì đặc biệt, bởi cô xuất thân từ một gia đình nông nghiệp ở Nam Định, nhan sắc cũng chỉ được cánh mày râu trong cơ quan đánh giá là dưới mức trung bình.
Với những cô gái quá lứa lỡ thì thì điều quan trọng nhất là phải mở lòng mình (Ảnh minh họa). |
Trước đây, Thủy cũng từng yêu một anh trưởng phòng tới 3-4 năm nhưng đùng một cái, anh này chia tay và báo tin lấy vợ. Lý do thì tới giờ Thủy vẫn chắc như đinh đóng cột rằng: "Anh ấy làm theo ý mẹ chứ thật lòng còn yêu em lắm".
Có lẽ, chính vì niềm tin ấy mà Thủy vẫn đau khổ, vật vã và tơ tưởng tới mối tình đầu tới tận bây giờ. Thấy Thủy 33 tuổi xuân mà vẫn "phòng không nhà trống" nên nhiều đồng nghiệp bày tỏ ái ngại, giới thiệu cho cô người nọ, người kia.
Tuy nhiên, chỉ vì ỷ mình có tài chơi cầu lông mà tiêu chuẩn Thủy đặt ra... trên trời. Nào là anh ta phải cao ráo, ưa nhìn, đặc biệt là nhà cửa phải đàng hoàng, bán kính từ cầu Chương Dương hất lại. Có chị cùng phòng giới thiệu cho Thuỷ anh lái xe, Thuỷ bĩu môi chê nghề nghiệp chẳng ra làm sao.
Người bạn giới thiệu cho Thuỷ anh nhân viên hành chính, Thuỷ ngúng nguẩy, nhân viên quèn, sao nuôi được vợ? Thế rồi, ngày qua ngày, người ta vẫn thấy Thủy đi chăm sóc sắc đẹp, rèn luyện khả năng chơi cầu lông nhưng vẫn chẳng có chàng trai nào để yêu thương.
Dường như càng nhiều tuổi thì các cô gái càng trở lên khó tính, khó nết. Ở độ tuổi băm, họ đã suy nghĩ trưởng thành hơn, không còn ham mê vẻ hào nhoáng bề ngoài như các cô gái tuổi đôi mươi. Họ nhìn từ thực tế các cuộc hôn nhân của bạn bè, thì tiêu chuẩn của mình lại càng cao gấp bội.
Mai là giám đốc tài chính của một tập đoàn lớn. Nói về phương diện tiền bạc thì không ít người ghen tị với người phụ nữ 40 tuổi này. Thế nhưng, khổ nỗi, đường tình duyên của Mai lại đối lập với đường công danh. Học đại học, lên thạc sĩ rồi tiến sĩ, cộng thêm cơ man nào các bằng cấp, chứng chỉ ngoài lề khác như ngoại ngữ, giao tiếp, truyền thông...
Ngoảnh đi ngoảnh lại thì đến hơn 30 tuổi, Mai vẫn chưa có mảnh tình vắt vai nào. Vốn nhan sắc đã không mặn mà cho lắm nên đến tuổi này chẳng ai còn để ý tới Mai nữa.
Còn Mai thì cuốn theo mớ công việc của phó phòng, trưởng phòng rồi giám đốc, chẳng có thời gian đâu mà đi spa, làm đẹp... Cũng có những người đàn ông tìm tới đặt thẳng vấn đề cưới xin với Mai, nhưng phần lớn lại là nghèo. Họ là những người làm thuê cho chị, những người mà chị vẫn coi là "khố rách áo ôm".
Và tất nhiên, Mai biết họ đến với mình không vì tình yêu. Với niềm kiêu hãnh của một người phụ nữ thành đạt, Mai không cho phép mình chấp nhận, dù mang tiếng gái "ế". Mai luôn tự nhủ, nếu không tìm được một người đàn ông thành đạt như mình hoặc trình độ tương xứng thì thà ở vậy còn hơn.
Bố mẹ Mai tuy rất thoáng trong vấn đề yêu đương, hôn nhân của con cái nhưng khi thấy các cháu nội, ngoại đã rối rít đưa người yêu về ra mắt thì lại "phát sốt, phát rét" vì cô con gái út vẫn một mình lẻ bóng. Các nhân viên của Mai cũng "méo mặt" không kém vì tình trạng "ế" của sếp. Bình thường, mặt Mai đã nhăn như quả táo tàu, đến lúc gặp chuyện gì bực tức hay vô tình bị ai nhắc chuyện chồng con thì các nhân viên chỉ còn biết tìm cách tránh xa.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất
"Tiêu chuẩn" cần hợp lý
Từ khi bình đẳng nam nữ được thực hiện, người phụ nữ khẳng định tài năng và trí tuệ của mình thì cũng được đưa ra những "tiêu chuẩn" để chọn chồng. Tất nhiên, "tiêu chuẩn" đó phải phù hợp với từng cá nhân và phụ thuộc thêm vào hai từ nhân duyên. Chính vì vậy mà tỷ lệ phụ nữ sống độc thân, làm mẹ đơn thân, lấy chồng muộn ở nước ta đang có xu hướng gia tăng trong những năm vừa qua.
Theo thống kế của tổng cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình thì, đa số người sống độc thân ở Việt Nam là nữ, nhất là ở các độ tuổi từ 45 trở lên. Điều đó có nghĩa là do nữ có tỷ lệ không kết hôn cao hơn và cũng có tuổi thọ cao hơn nam giới. Tỷ lệ này ở thành thị thấp hơn đáng kể ở nông thôn. So với lý do thích sống độc thân thì lý do "kén cá chọn canh" khiến chị em lâm vào tình trạng "chăn đơn, gối chiếc" là nhiều hơn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tư vấn hôn nhân, gia đình phân tích: "Thực ra không có người phụ nữ nào "ế" cả, chỉ có người phụ nữ chưa tìm được một nửa của mình mà thôi. Trong xã hội hiện đại thì những người phụ nữ quá lứa lỡ thì thường là những người phụ nữ học cao, đến độ tuổi hơn 30, họ gặp phải tình trạng "trên không tới, dưới không thông".
Hơn nữa, càng lớn tuổi những người phụ nữ chưa chồng càng chứng kiến những mặt trái của hôn nhân như ràng buộc, bạo hành, tan vỡ... Họ nhìn những người đàn ông bằng con mắt soi mói và đề phòng nên rất khó để tìm được một người chồng đạt tiêu chuẩn".
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất thì đối với những người phụ nữ "quá lứa, lỡ thì" nhưng vẫn mong muốn tìm kiếm hạnh phúc gia đình thì vấn đề quan trọng nhất là phải "mở" lòng mình.
Những người phụ nữ thành đạt luôn sống trong sự tự kiêu, bởi họ không thiếu thứ gì, thậm chí sở hữu những thứ mà người khác thèm muốn. Nhưng đàn ông kết hôn với người phụ nữ chứ không phải kết hôn với cái bằng cấp, chức vụ. Cái họ cần là cần một người vợ, một người mẹ đúng nghĩa.
Khi còn trẻ, còn có sức khỏe, nhiệt huyết để nhiệt tình với công việc thì những người phụ nữ độc thân không có nhiều thời gian rảnh để suy nghĩ về số phận của mình. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, khi công việc ít đi, không có gia đình, người thân bên cạnh; thời gian trống trải với nỗi cô đơn sẽ là liều thuốc độc với họ. Đó cũng là lý do vì sao những người phụ nữ sống một mình càng lớn tuổi càng khó tính hơn.
Có những người phụ nữ nhiều tuổi tìm đến tôi xin tư vấn về việc làm mẹ đơn thân, vì không thể tìm được một người chồng ưng ý. Đó cũng là một lựa chọn của nhiều phụ nữ hiện đại. Tuy nhiên, họ không thể lường hết được những rắc rối tâm lý sau này, khi họ phải đến bệnh viện sinh con một mình, phải trả lời các câu hỏi tế nhị khi đi khai sinh cho con, khi con đi học về mếu máo vì bị bạn bè hỏi bố...
Hạnh phúc đôi khi phải đi kèm với sự chấp nhận, hy sinh. Chính vì vậy lời khuyên bổ ích nhất cho những người phụ nữ "quá lứa, lỡ thì" là điều chỉnh những "tiêu chuẩn" về người đàn ông của mình sao cho phù hợp nhất”, chuyên gia Nguyễn An Chất tư vấn.
"Ế" vì quá sạch sẽ Gái "ế" đưa ra muôn vàn những "tiêu chuẩn" chọn chồng khắt khe tới nực cười. Trong một lần ngồi "buôn" với một người bạn đại học, tôi được nghe câu chuyện của một người phụ nữ "ế" vì quá sạch. Cô là công nhân cho một công ty may, đã có chức quản lý. Vì không lập gia đình nên ở cái tuổi 39 hiện tại, cô vẫn sống cùng bố mẹ trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ. Lý do cô "ế" thì cả gia đình, bạn bè, cả làng trên xóm dưới đều biết - cô sạch sẽ quá mức. Đi làm ca đêm về (cũng khoảng 23h), cô cũng dựng các cháu đang ngủ say ngon lành dậy rửa chân, tay, mặt mũi. Việc sạch sẽ của cô còn khiến hàng xóm, láng giềng vô cùng khó chịu bởi bất kể khi nào, đêm khuya hay sáng sớm, cứ về tới nhà là cô cầm chổi. Cô quét nhà, quét sân, quét ngõ, chỉ cần nhìn thấy một vết bẩn hay một chút rác nào là cô không chịu nổi. Cứ bắt đầu nhìn ai là cô chỉ chăm chăm xem mặt mũi, chân tay có sạch không; quần áo có chỉnh tề không; răng lợi thế nào? Và tất nhiên, với "tiêu chuẩn" sạch sẽ quá mức như vậy thì không người đàn ông nào lọt vào mắt cô. |
Theo Nguoiduatin