Cháy nổ là nỗi ám ảnh của người dân |
Công tác PCCC: Lỏng từ A - Z
Theo báo cáo của Sở Cảnh sát PCCC thành phố, từ ngày 16/12/2012 đến 5/3/2013 trên địa bàn TP xảy ra 47 vụ cháy, nổ làm chết 16 người, bị thương 12 người.
Cũng trong thời gian này, sở tiếp nhận 336 tin báo cháy (tăng gần 58,5% so với cùng kỳ năm trước). Cả số vụ và tin báo đều tập trung ở khu dân cư đông người với các nguyên nhân chủ yếu là đốt cỏ, rác (190 vụ), sự cố về điện (92 vụ), bất cẩn trong sinh hoạt (39 vụ)...
Trước tình hình các vụ cháy nổ gây thiệt hại nặng, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đặt ra câu hỏi là hiện TP.HCM có cả Sở cảnh sát PCCC (đầu tiên của cả nước), dưới đó là 17 phòng cảnh sát PCCC quận huyện và hàng ngàn đội PCCC tại chỗ, nhưng vì sao sự cố cháy nổ lại xảy ra khắp nơi?
Nguyên nhân chính, theo ông là do công tác PCCC tại cơ sở và sự liên kết giữa các sở, ban ngành chưa chặt chẽ, quyết liệt.
Đơn cử như vụ cháy tại số 322 Hàn Hải Nguyên (quận 11), lực lượng PCCC đã xuống kiểm tra, lập biên bản và xử phạt ba lần, nhưng không kiên quyết rút giấy phép kinh doanh nên chủ hộ vẫn vi phạm, để rồi sau đó xảy ra cháy.
“Đó là trách nhiệm của quận, vì nếu sớm rút giấy phép thì sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc”, ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.
Còn trong vụ cháy nổ tại nhà 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q3), theo Chủ tịch UBND TP thì công tác nắm hộ khẩu rất hời hợt, khi lực lượng PCCC tới hiện trường vẫn không biết trong nhà có bao nhiêu người, thậm chí cảnh sát khu vực cũng mờ mịt. Công tác quản lý địa bàn chưa chặt chẽ vì để chủ nhà chứa toàn chất nổ mà không hề hay biết.
Ngoài việc yêu cầu công tác PCCC cấp cơ sở phải được kiện toàn, ông Lê Hoàng Quân còn chỉ đạo ngành điện, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Công thương... nghiên cứu vì sao nguyên nhân cháy do chập điện khá nhiều (26/43 vụ); đối với Sở Công thương, cần kiểm tra các cơ sở kinh doanh gas trong khu dân cư, không để tình trạng sang chiết, mua bán tràn lan...
Để tránh đổ lỗi cho nhau khi xảy ra cháy nổ, ông Lê Minh Trí - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - yêu cầu cần quy trách nhiệm đối với lãnh đạo các đơn vị, cơ quan, chợ đầu mối để xảy ra tình trạng này.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu lập danh sách chủ tịch UBND quận huyện xem nhẹ công tác PCCC để không tái bổ nhiệm.
“Không thể chấp nhận chủ tịch UBND quận huyện không nhớ nội dung chỉ đạo của cấp trên về những vấn đề liên quan đến sự an toàn của người dân”, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Nước xa không chữa được lửa gần
Theo thiếu tướng Trần Triều Dương - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố, số vụ cháy tăng gây thiệt hại nặng nề cho người dân, nguyên nhân chính là do các hộ và cơ sở sản xuất vi phạm quy định về PCCC, không đảm bảo an toàn về phương diện này trong quá trình sản xuất, sinh hoạt.
Mặt khác do vào mùa khô hanh, nắng nóng kéo dài, người dân thường đốt cỏ, rác, vàng mã... nên cháy nổ diễn biến phức tạp.
Ông cũng nêu nhiều bất cập về quy định trong lĩnh vực PCCC như các cửa hàng kinh doanh gas mà chỉ yêu cầu hai bình cứu hỏa loại 5kg và 8kg, một chậu nước 20 lít và 2kg xà bông... thì không thể phát huy tác dụng cứu chữa khi xảy ra sự cố cháy nổ...
Sở Cảnh sát PCCC có một đội cứu nạn cứu hộ, do không có trụ sở nên phải “sống tạm” ở khu công nghiệp Cát Lái, quận 2, vì thế khi các quận huyện nằm xa địa bàn quận này xảy ra cháy, nổ thì công tác ứng cứu diễn ra khá chậm vì phải di chuyển xa, cộng với nạn kẹt xe, cầu cống hẹp...
Mặt khác, còn nhiều phòng Cảnh sát PCCC phụ trách hai quận huyện với bán kính tương đối rộng (trong khi đó theo qui định chỉ trong vòng 3-5km) nên khi xảy ra hỏa hoạn ở nơi xa, thời gian di chuyển lâu dẫn đến cháy tự do kéo dài làm lây lan.
Thời gian qua, dù được hỗ trợ nhiều mặt từ UBNDTP nhưng lực lượng và phương tiện PCCC tại chỗ nhiều nơi chưa đủ mạnh nên hiệu quả chữa cháy ban đầu chưa cao.
Công tác kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức, đối phó; lực lượng PCCC tại chỗ xử lý không hiệu quả, báo cháy chưa kịp thời nên khi đám cháy bùng phát gây hậu quả nghiêm trọng.
Thiếu tướng Trần Triều Dương cũng kiến nghị lãnh đạo TP cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt để công tác PCCC đáp ứng được sự phát triển chung của TP.
Về phía UBND các quận huyện nếu chưa có phòng Cảnh sát PCCC thì cần quan tâm đến việc cấp đất, đầu tư xây dựng lực lượng này; các sở, ban ngành cũng cần chung tay góp sức thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn PCCC liên quan đến lĩnh vực mình quản lý.
Các khu chế xuất, công nghiệp, khu công nghệ cao và các chợ cần chú trọng đầu tư, xây dựng lực lượng cùng phương tiện PCCC tại chỗ đủ khả năng xử lý mọi tình huống, sự cố cháy nổ ngay khi mới phát sinh...
Theo Congan