Mục đích chuyến thăm châu Phi của tân Chủ tịch Trung Quốc

Thứ hai, 25/03/2013, 11:56
Giới chuyên gia cho rằng mục đích chính chuyến thăm châu Phi của tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhằm giảm nhẹ ý nghĩ rằng Trung Quốc chỉ tới "lục địa đen" để khai thác tài nguyên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang đối mặt với những lời kêu gọi về một mối quan hệ thương mại bình đẳng hơn giữa châu Phi và Trung Quốc khi ông đặt chân tới Tanzania, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Phi.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc với “châu lục đen” bắt đầu từ những năm 1950, khi Bắc Kinh ủng hộ các phong trào giải phóng châu Phi nhằm chống lại chế độ cai trị thực dân phương Tây.

Trung Quốc đã mở đường, xây đường sắt, sân vận động, các đường ống để giành quyền tiếp cận các nguồn dầu mỏ và khoáng sản của châu Phi như đồng và uranium để phục vụ nền kinh tế trong nước đang bùng nổ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Tanzania hôm qua.

Nhiều người châu Phi xem Trung Quốc là thế đối trọng với sự ảnh hưởng của phương Tây. Nhưng khi mối quan hệ này phát triển, đã xuất hiện những lo ngại ngày càng tăng tại châu Phi rằng châu lục này chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô trong khi chi quá nhiều tiền nhập khẩu các hàng hóa hoàn thiện từ Trung Quốc.

“Ông Tập Cận Bình sẽ tìm cách giảm nhẹ ý nghĩ rằng Trung Quốc chỉ tới đây để khai thác tài nguyên. Tôi nghĩ đó là mục đích chính chuyến thăm của ông”, James Shikwati, giám đốc tổ chức nghiên cứu chính sách Inter Regional Economic Network tại Nairobi, Kenya, nhận định.

Ông Tập Cận Bình tới Dar es Salaam, thủ đô thương mại của Tanzania, hôm qua để tham dự quốc tiệc, trước khi có bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối với châu Phi tại một hội nghị do Trung Quốc tài trợ vào hôm nay.

Sau đó, ông Tập sẽ tới Nam Phi, nơi các lãnh đạo của nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn trên thế giới, được gọi là khối BRICS, nhóm họp trong 2 ngày, 26 và 27/3. Chuyến thăm châu Phi của tân Chủ tịch Trung Quốc sẽ kết thúc tại Cộng hòa Congo.
 
Chủ nghĩa đế quốc mới

Chuyến thăm châu Phi của ông Tập Cận Bình - chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đắc cử Chủ tịch Trung Quốc - cho thấy tầm quan trọng chiến lược của châu Phi đối với Trung Quốc, bắt nguồn từ cơn khát tài tài nguyên của Bắc Kinh và nhu cầu của châu lục đen đối với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.

Vùng ven biển phía đông châu Phi là khu vực “nóng” sau khi các vụ phát hiện khí đốt khổng lồ giúp đẩy mạnh trữ lượng khí đốt của Tanzania và Mozambique.

Mozambique có trữ lượng khí đốt lớn, đủ để cung cấp cho Nhật Bản - nhà nhập khẩu khí đốt hàng đầu thế giới - trong 35 năm. Ngoài ra, cũng có các mỏ dầu tại quốc gia láng giềng Kenya và Uganda.

Ông Tập Cận Bình sẽ đi xuyên một khu vực nơi sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và các nguồn viện trợ mang lại hi vọng nhưng cũng gây ra những lo ngại.

Giám đốc ngân hàng trung ương Nigeria Lamido Sanusi cho rằng người châu Phi nên tỉnh giấc mộng Trung Quốc.

“Trung Quốc lấy đi các hàng hóa thiết yếu của chúng ta và bán cho chúng ta hàng hóa hoàn thiện. Đây cũng là đặc điểm của chủ nghĩa thực dân. Châu Phi giờ đây đang đối mặt với một dạng chủ nghĩa đế quốc mới”, ông Sanusi viết trên tạp chí Financial Times hồi tháng này.

Tại Dar es Salaam, nơi cờ Tanzania và cờ Trung Quốc đều tung bay ở khu vực bờ biển, doanh nhân Hamisi Mwalimu cho hay Trung Quốc đưa tới các thị trường địa phương nhiều hàng hóa giả mạo trong khi lấy đi của châu Phi các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

“Điều chúng tôi cần là một mối quan hệ công mà cả Tanzania và Trung Quốc điều có lợi. Hiện tại, họ đang có lợi hơn chúng tôi”, Mwalimu nói.

Lần này, Bắc Kinh đã giữ bí mật về các khoản đầu tư hoặc viện trợ mới mà ông Tập Cận Bình sẽ công bố trong chuyến công du này. Hồi năm ngoái, người tiền nhiệm của ông Tập là cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã thông báo cho các quốc gia châu Phi vay 20 tỷ USD trong 3 năm tới.

Khi đó, Trung Quốc đã cam kết giúp châu Phi xuất khẩu các hàng hóa hoàn thiện, chứ không phải nguyên liệu thô, và nhập khẩu từ lục địa này.

Nhưng các nhóm nhân quyền và một số chính phủ phương Tây nói rằng Trung Quốc ủng hộ các chính phủ châu Phi bị cáo buộc vi phạm nhân quyền để tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điển hình trong số đó là mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tổng thống Sudan Hassan al-Bashir, người đang đối mặt với các cáo buộc tội ác chiến tranh quốc tế.

Liên minh châu Âu cũng phản đối cách thức Trung Quốc làm kinh tế tại châu Phi và yêu cầu cải tổ cũng như minh bạch việc sử dụng viện trợ.

Trung Quốc còn bị chỉ trích vì sử dụng các công nhân Trung Quốc trong các dự án khai mỏ và hạ tầng cơ sở tại châu Phi. Bắc Kinh ước tính có gần 1 triệu người Trung Quốc đang làm việc tại châu Phi.

Đặc phái viên Trung Quốc tại châu Phi Zhong Jianhua thừa nhận rằng các công ty Trung Quốc đang đối mặt với những chỉ trích đưa hàng loạt công nhân Trung Quốc tới châu Phi.

“Chúng tôi đã nói với các công ty Trung Quốc rằng họ không thể chỉ sử dụng các công nhân Trung Quốc. Tôi nghĩ hầu hết các công ty Trung Quốc đều nhận thấy điều này”, ông Zhong nói.

Theo Dantri

Các tin cũ hơn