Mới đây, tại TPHCM đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm với gần 150 công nhân nhập viện cấp cứu. Còn tại TP Đà Nẵng thì gần 30 thực khách bị tiêu chảy dữ dội sau khi ăn bánh mì... Các chuyên gia cảnh báo tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các đô thị lớn hiện nay không dễ kiểm soát.
Rau sống: Nhiều mầm bệnh
Ở 2 vụ ngộ độc nói trên, đơn thuần là những món ăn thường thấy trong bữa ăn hằng ngày như giò heo, giá đỗ, hẹ, sườn ram, cải xào, dưa chua, lạp xưởng, rau sống, giăm bông, thịt nguội, patê... Kết quả kiểm định của cơ quan chức năng kết luận thực phẩm gây ngộ độc bị nhiễm vi sinh.
Cụ thể là mẫu rau sống, giăm bông, thịt nguội, patê ở bánh mì bị nhiễm Coliforms và E.coli vượt quá giới hạn cho phép từ 2-15 lần. Các bác sĩ cho biết Coliforms và E.coli là 2 loại vi sinh vật gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc, nhiễm trùng đường ruột.
Ngoài ra, ít ai biết được nguồn rau sống vốn có trong bữa ăn hằng ngày, đằng sau sự tươi ngon, nếu không xử trí đúng cách là những ẩn họa khôn lường về các mầm bệnh. Một nghiên cứu do PGS-TS-BS Trần Thị Hồng, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh - Vi nấm học Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch TPHCM, thực hiện cách đây chưa lâu đã chỉ ra về sự bất an này.
Hàng trăm công nhân nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm tại quận 12 - TPHCM mới đây |
Theo đó, khảo sát trên hơn 100 mẫu rau (chủ yếu là các loại rau ăn sống như xà lách, xà lách xoong, rau đắng, rau má, rau muống, tần ô, rau thơm) được lấy ngẫu nhiên từ 13 chợ trên địa bàn TPHCM, kết quả có hơn 97% mẫu rau bị nhiễm các loại ký sinh trùng như E.histolytica, E.coli, trứng giun đũa, giun móc, trứng giun đũa chó, mèo và ấu trùng giun.
Trong đó, ấu trùng giun được phát hiện trên rau sống chiếm tỉ lệ cao nhất (78,8%). Có 4 loại rau phát hiện nhiễm ký sinh trùng đến 100% là xà lách xoong, rau đắng, rau tần ô và rau má…
Các vi sinh vật trên đều là những mối nguy hại cho sức khỏe con người, gây các bệnh rối loạn, viêm nhiễm tiêu hóa, giảm hấp thu các chất dinh dưỡng gây thiếu máu, thiếu chất. “Nguy hiểm hơn, ngoài bị suy nhược cơ thể, người nhiễm còn bị vi sinh vật tấn công nội tạng gây tắc ruột, áp-xe gan, giun chui ống mật” - một chuyên gia cảnh báo.
Nguyên nhân của ung thư
Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tác hại của bệnh do nhiễm ký sinh trùng phụ thuộc nhiều vào cơ quan mà chúng xâm nhập. Nặng nhất là xâm nhập hệ thần kinh trung ương như não, màng não, tác động trực tiếp, có tỉ lệ tử vong cao.
Các chuyên gia khuyến cáo: Ngoài bị nhiễm vi sinh thì thực phẩm bị ngậm hóa chất trong khâu chế biến hiện nay cũng khó kiểm soát. Đáng lo ngại là việc sử dụng hóa chất, phụ gia trôi nổi, không nguồn gốc, nằm ngoài danh mục cho phép.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM, năm 2012, trên địa bàn xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm khiến gần 600 công nhân nhập viện. Trong đó, 2 vụ ngộ độc xảy ra là do E.coli, 1 vụ nghi ngờ do Histamin trong món cá ngừ, 2 vụ không rõ nguyên nhân. Các vụ ngộ độc thực phẩm gần đây xảy ra rất bất thường, không liên quan đến yếu tố mùa, thời tiết.
Theo ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục ATVSTP TP, hậu quả của việc tiêu thụ thực phẩm không an toàn không chỉ là ngộ độc cấp tính, các bệnh nhiễm do vi trùng, ký sinh trùng mà còn là các bệnh lý mãn tính do tích lũy các chất độc hại theo thời gian gây nên các bệnh về da, rối loạn chuyển hóa, suy dinh dưỡng, nguy hại hơn nữa là bệnh lý ung thư.
Trong khoảng 9 triệu người mắc bệnh ung thư trên thế giới hằng năm, có khoảng 30% các trường hợp có liên quan đến ăn uống và 5 triệu người bị chết vì căn bệnh này.
Các chuyên gia cảnh báo: Ngộ độc cấp tính mới chỉ là bề nổi, phản ánh tác hại tức thời của thức ăn không bảo đảm chất lượng, có thể can thiệp được nhưng nguy hiểm hơn là ngộ độc mãn tính. Bởi về lâu dài, cơ thể con người sẽ nạp vào các loại hóa chất, tích tụ chất độc hại lâu ngày, ngoài dẫn đến những biến cố khôn lường cho sức khỏe, trong đó đáng sợ nhất là ảnh hưởng giống nòi.
Tốn 14.000 tỉ đồng/năm
Theo ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, tổn hại về kinh tế - xã hội do ngộ độc thực phẩm gây ra là rất lớn. Tại Mỹ, năm 1995, chi phí hằng năm cho 3,3 - 12 triệu ca ngộ độc thực phẩm là 6,5 - 35 tỉ USD. Ở Úc, chi phí cho khoảng 11.500 ca ngộ độc thực phẩm xảy ra hằng năm là 2,6 tỉ đô la Úc.
Ở nước ta, theo thống kê của ngành y tế, ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến khoảng 9 triệu người/năm. Để khắc phục hậu quả cho một ca ngộ độc thực phẩm là 100 USD, mỗi năm nước ta phải mất khoảng 14.000 tỉ đồng.
Theo NLD