Báo cáo của Chi cục cho thấy, năm qua, số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm, cụ thể qua thống kê, trong năm 2012 TP.HCM có 06 vụ ngộ độc thực phẩm với 615 người mắc, so với cùng kỳ năm 2011 là 8 vụ với 850 người mắc.
Năm vừa qua, theo đánh giá của UBND TP.HCM, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã đạt được một số điểm nổi bật như công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, số mẫu giám sát tăng nhiều so với năm 2011, số lượng cơ sở sản xuất, chăn nuôi, sơ chế áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tăng giúp cho sản phẩm đầu ra thật sự an toàn, sự liên kết phối hợp với các tỉnh trong việc quản lý đã giúp cho thành phố giám sát hơn 70% nguồn nông sản thực phẩm từ các tỉnh đưa về TP.HCM…
Trong năm 2012 TP.HCM có 06 vụ ngộ độc thực phẩm với 615 người mắc, so với cùng kỳ năm 2011 là 8 vụ với 850 người mắc.ảnh minh họa: dantri |
Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra thực sự đã phát huy hiệu quả bằng việc kết hợp các chế tài xử phạt và thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm. Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm đã thực hiện khá quyết liệt phòng ngừa ngộ độc tập thể tại các bếp ăn công nghiệp bằng việc tăng cường thanh kiểm tra liên ngành, tập huấn và tuyên truyền nhắc nhở các chủ cơ sở…
Tuy vậy, trong công tác này cũng còn nhiều tồn tại và khó khăn như nhân sự thiếu, tình trạng kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ tự phát, lòng lề đường vẫn còn tồn tại, việc tầm soát hóa chất phụ gia công nghiệp sử dụng trong chế biến thực phẩm vẫn chưa chủ động, các hóa chất phụ gia cấm vẫn có mặt trong thực phẩm, việc áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt phát triển quá chậm, chưa truy xuất nguồn gốc sản phẩm do các lô hàng nông sản thực phẩm về TP.HCM chưa có giấy chứng nhận theo lô hàng.
Trong năm 2013, theo ông Hứa Ngọc Thuận- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, kiêm Trưởng ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm: để quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn được tốt hơn, rất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Theo VOH