Góp ý dự thảo Luật Đất đai - Chăm lo toàn diện cuộc sống mới người dân

Thứ bảy, 23/03/2013, 07:49
Ngày 22-3, HĐND TPHCM tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM yêu cầu: “Các đại biểu không chỉ đóng góp ý kiến của mình mà phải phản ánh từ tổng hợp ý kiến của nhân dân, nguyện vọng chính đáng của nhân dân TPHCM để góp ý vào dự thảo”.

Thêm “trưng mua”, “trưng dụng”

Góp ý về vấn đề “sở hữu đất đai”, điều 12, khoản 2, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: “Tôi đề nghị sửa và bổ sung tại điểm d thành “quyết định thu hồi, trưng dụng, trưng mua đất”. Dùng từ “thu hồi” làm cho người dân cảm thấy rằng quyền sử dụng đất của mình không được đối xử công bằng. Có việc chúng ta thu hồi, có những lúc cấp bách chúng ta phải trưng dụng và có những việc chúng ta phải trưng mua”.

Khi góp ý sửa đổi Hiến pháp, tại chương 3 - “thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội” rất nhiều ý kiến đề nghị bỏ điều này. Trong Hiến pháp có thể bỏ nhưng trong Luật Đất đai có thể giữ nhưng giữ với mục đích trưng mua. Trưng mua khi nhà nước làm các dự án như khu công nghiệp, khu chế xuất hay những công trình phát triển kinh tế, xã hội trọng điểm.

luat dat dai

Ảnh minh hoạ

Như vậy, chúng ta sẽ có chính sách, cơ chế để trưng mua của người dân để thực hiện các công trình này. Việc trưng dụng, trưng mua, thu hồi có cơ chế riêng, mỗi loại có cơ chế chính sách riêng sẽ thỏa đáng hơn”.

Đại biểu Trần Hữu Trí, Chủ tịch UBND quận 6, yêu cầu cần làm rõ điều 89: vì quy hoạch mà giá nhà đất giảm, ngân hàng không thế chấp, mặc dù có giấy chủ quyền làm người dân bức xúc. Nếu không thể hiện rõ trong luật thì phải có quy định đền bù như thế nào cho thỏa đáng. Chỉ khi nào xem xét giá trị đó để đền bù bằng hoặc hơn thì mới giải quyết được bức xúc.

Tái định cư: Thể hiện tính nhân văn

Đối với vấn đề bố trí tái định cư, tại điều 83, 84, của dự thảo Luật Đất đai, Chủ tịch HĐND TPHCM nhận định: “Theo tôi, chúng ta nói như thế này sẽ toàn diện hơn, tính nhân văn trong luật pháp cũng rõ hơn: “bố trí tái định cư (TĐC), tổ chức cuộc sống mới cho cộng đồng dân cư cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở”.

Bởi trong dự thảo có nêu có những dự án do Quốc hội, Chính phủ quyết định sẽ di chuyển cả cộng đồng dân cư rộng lớn, như trường hợp dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở đó, đòi hỏi phải tính đến tổ chức cuộc sống mới cho cả một cộng đồng dân cư”.

Tại khoản 1, điều 83 đề nghị sửa thành: “phải tiến hành điều tra xã hội thực trạng tình hình dân cư tại địa điểm thu hồi để tổ chức cuộc sống mới cho cộng đồng, cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở mới” để thỏa mãn với yêu cầu quan tâm đến cuộc sống của người dân.

Xuất phát từ thực tế, trong quá trình TĐC, bồi thường cũng hỗ trợ TĐC, có thể có căn nhà tốt hơn nhưng cuộc sống của người dân chưa chắc đã cải thiện hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Như vậy, việc dời chỗ ở không phải chỉ đơn giản là dời chỗ ở mới mà cuộc sống nhiều mặt của người dân phải được biết trước khi di dời đi, chứ không để người dân tự xoay xở.

Cũng trong khoản 1, điều 83, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị sửa thành “phải thông báo và thảo luận với từng hộ dân cá nhân di dời…”, tức phải trao đổi, thảo luận để tìm giải pháp chung chứ nói rằng thông báo cho từng hộ dân… rồi niêm yết là không thể hiện tính dân chủ.

Tại khoản 2, điều 83 dự thảo viết: “tạo điều kiện để các hộ dân được xem cụ thể khu TĐC và thảo luận công khai về dự kiến tái bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân vào TĐC tại khoản 1 điều này”. Việc tạo điều kiện, có thể có và có thể không, đặt người dân vào thế bị động trong luật là không được. Cho nên bỏ toàn bộ đoạn này, thêm vào khoản 1 “thảo luận với người dân” là đủ.

Trước khi tổ chức TĐC thảo luận với người dân, sẽ có quy chế thảo luận chứ không phải nói trong luật là tạo điều kiện, bởi nhà đầu tư đó muốn tạo điều kiện và tạo điều kiện kiểu nào cũng được. Rõ ràng đây là kẽ hở về mặt luật pháp, thiệt hại cho quyền lợi của người dân.

Giá đất cũng là vấn đề thu hút nhiều góp ý của các đại biểu. Đại biểu Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính, cho rằng việc gây ra nhiều khiếu kiện là do đất nông nghiệp định giá quá thấp, chưa đáp ứng nguyện vọng của người dân, tuy nhiên trong dự thảo luật nêu nguyên tắc rất chung, không có gì mới…

Theo SGGP

Các tin cũ hơn