Đưa quy định về thanh niên vào chương "Chế độ chính trị"
Từng là thành viên Ban soạn thảo Hiến pháp 1992 trước đây, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn Vũ Mão, nhận xét: “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bỏ đi điều 66 của Hiến pháp 1992 là không hợp lý, chứng tỏ nhận thức về vai trò của thanh niên chưa đầy đủ”.
Dẫn lại quy định của Hiến pháp 1992 về việc “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho thanh niên học tập, lao động và giải trí, phát triển trí tuệ, năng khiếu và thể lực; chăm lo bồi dưỡng lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên...”, ông Mão kiến nghị giữ lại điều 66 của Hiến pháp 1992, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung cho phù hợp với tình hình mới.
|
Sửa Hiến pháp phải mở đường cho phát triển tài năng Cũng trong sáng qua, 28/2, T.Ư Đoàn đã tổ chức hội nghị cho sinh viên, giảng viên trẻ thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại ĐH Luật Hà Nội. Tại đây, giảng viên ĐH Công đoàn, anh Nguyễn Quốc Việt cho rằng, cần phải đề cập vấn đề trọng dụng tài năng trẻ trong Hiến pháp, tạo ra cơ chế, chính sách công bằng, khuyến khích tài năng trẻ nỗ lực phấn đấu, cống hiến trí tuệ cho đất nước. Trong tham luận gửi tới hội nghị, TS Nguyễn Văn Thanh, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cũng nhìn nhận: Vấn đề tài năng đề cập trong Hiến pháp không nên dừng lại ở vấn đề đào tạo, bồi dưỡng mà phải đề cập đến như một hệ thống chiến lược đồng bộ, hệ thống chính sách đồng bộ từ tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng, thu hút, sử dụng và phát triển tài năng, phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia. |
Theo đó, dự thảo cần quy định một điều riêng về thanh niên, trong đó nêu rõ: thanh niên được gia đình, nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng XHCN, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc; Thanh niên phải làm tròn nhiệm vụ lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, cùng nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của thanh niên, vận động thanh niên thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Vũ Đức Khiển phát biểu sau đó cũng bày tỏ băn khoăn “không thể hiểu vì sao” dự thảo lại bỏ đi những nội dung rất cơ bản có tính chiến lược của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước được quy định tại điều 66 của Hiến pháp 1992 về trách nhiệm của gia đình, nhà nước, xã hội chăm lo cho thanh niên;
Đồng thời, về vai trò của các đoàn thể nhân dân, trước hết là Đoàn thanh niên trong việc giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng (quy định tại điều 36 Hiến pháp 1992).
Ông Khiển đề nghị BCH T.Ư Đoàn kiến nghị với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để đưa nội dung này vào dự thảo thành một điều trong chương I về chế độ chính trị, trước các điều về MTTQ và Công đoàn, thành điều 8a.
Các ý kiến phát biểu tiếp sau đó đều tán thành các kiến nghị trên.
Bắt và giam giữ người phải đúng luật
Theo TS Đỗ Minh Phượng, ĐH Luật Hà Nội, nhằm tránh việc thiếu cơ sở pháp lý để quy định các biện pháp cưỡng chế trong đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đồng thời có thể dẫn đến tình trạng bất kỳ ai cũng sẽ bị bắt mà không cần lý do, không cần các thủ tục pháp lý hoặc nếu có thì đó là sự “vi hiến”, thì khoản 1 của điều 22 trong dự thảo nên sửa là: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.
Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của TAND, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện KSND, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật”, TS Phượng nhấn mạnh.
Liên quan đến nội dung này, ông Trần Văn Dũng, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) nhận xét, chương về quyền con người, quyền công dân trong dự thảo vẫn thiếu một số nội dung quan trọng cần thiết hiến định, như quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự - một trong những quyền hiến định của con người - lại được dự thảo lần này quy định trong một mục nhỏ tại chương về tòa án, viện kiểm sát (khoản 7, điều 108).
Ông Dũng đề nghị đưa những vấn đề này vào một điều riêng.
Hiến pháp phải bảo đảm tính khả thi Ngày 28/2, nhiều chuyên gia đầu ngành của Bộ Tư pháp đã tham gia buổi tọa đàm trực tuyến tuyên truyền về việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. Theo các chuyên gia, trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được thể hiện rõ nét nhưng cần phải xem xét kỹ hơn để đảm bảo tính thực thi. Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật kinh tế, nói: “Quyền sống, tức là khi bị thương vào bệnh viện phải được cứu chữa; nhà nước phải chịu trách nhiệm cho việc cứu chữa”. Đồng tình ý kiến này nhưng bà Nguyễn Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hành chính, cho rằng phải lưu ý về nguồn lực kinh tế để thực hiện. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đưa ra vấn đề: trước đây công nhận 3 bộ phận trong bộ máy nhà nước là lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng chưa được phân định rõ: “Ở các nước, tư pháp thì chỉ là xét xử, nói đến tư pháp là nói đến tòa án. Chúng ta lại quan niệm tư pháp là điều tra, truy tố, xét xử… hoạt động rất rộng. Rất khó xác định cơ quan này nằm ở đâu, thuộc về đâu, và từ đó đã có rất nhiều cơ quan “lưỡng tính”. Ví dụ thi hành án lại do Chính phủ quản lý thì không thể là tư pháp được”. Bày tỏ quan điểm về các quy định về sở hữu đất đai tại điều 58 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi, các chuyên gia cho rằng “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ” là bước tiến mới trong tư duy và rất có lợi cho người dân. |
Theo Thanhnien