Vựa thuốc Đại Yên
Xuôi ngõ 173 đường Hoàng Hoa Thám, ngay phía cuối con ngõ này là cổng làng Đại Yên - ngôi làng cổ thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Gần 10 thế kỷ nay, dân làng đã sống bằng nghề làm và bán thuốc nam, có những gia đình gần chục đời cha truyền con nối.
Sử làng chép rõ, vào thời nhà Lý thế kỷ XI, thiếu nữ Trần Ngọc Tường mới 9 tuổi, rất giỏi chữa bệnh bằng các loại lá cây. Quân lính của Lý Thường Kiệt qua đây bị mắc bệnh, đã được cô chữa giúp. Nhờ đó, quân ta đã đánh thắng giặc. Ngọc Tường được vua triệu vào cung và phong làm Ngọc Hoa công chúa.
Nhưng vì nhớ mẹ, nên cô đã trở lại làng Đại Bi (Đại Yên ngày nay) và truyền lại nghề thuốc cho dân. Để tưởng nhớ công lao, dân làng tôn bà là Thành hoàng làng và lập đình thờ và mở hội hằng năm từ 13 - 15.3 âm lịch.
Vào thập niên 70-80 của thế kỷ XX, cả làng là vựa thuốc cung cấp cho Đại học Dược Hà Nội, các chợ: Cửa Nam, Đồng Xuân, phố Thuốc Bắc và trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Nghề trồng cây thuốc nhìn qua có vẻ nhàn nhã nhưng lại vô cùng tỉ mẩn và dày công. Với người dân trong làng: Nghề bán thuốc nam tuy thu nhập không cao, nhưng cái tâm lại được thanh thản!
Chúng tôi may mắn được gặp cụ Nguyễn Thị Quế, nay đã ngoài 70 tuổi nhưng đôi mắt vẫn tinh tường, vẫn ngày 2 buổi chăm vườn thuốc. Nhà cụ đã 6 đời trồng và bán thuốc nam ở làng. Cụ Quế dẫn chúng tôi ra khu vườn dược liệu của gia đình, rộng khoảng 400m2, với đủ các loại cây thuốc nam như hương nhu, mã đề, sài đất, lô hội, trinh nữ hoàng cung, lưỡi đồng, lá diễn...
Cụ Quế không chỉ thông thạo cách chăm sóc, đặc tính chữa bệnh của từng loại cây, mà còn có thể nghe bệnh bốc thuốc. Đại để như: Cây mã đề dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa một số bệnh về tiết niệu, cầm máu, ho lâu ngày, tiêu chảy, chảy máu cam; cây hương nhu lá nhỏ có răng cưa, thân màu tía, có thể dùng tươi hoặc phơi khô, trị cảm nắng, sốt nóng ớn lạnh, nhức đầu,...
Vườn thảo mộc nay đâu?
Vườn cây thuốc của một gia đình ở Làng Đại Yên. |
Cùng với quá trình đô thị hóa, những vườn thuốc ở Đại Yên dần bị thu hẹp. Người ta chẳng còn mặn mà với cái nghề vất vả, cầu kỳ mà lại thu nhập thấp này bởi ngoài phố giờ có nhiều việc nhàn nhã mà thu nhập lại cao hơn.
Dọc con kênh gần đình làng, chỉ còn lại vài khu vườn nhỏ nằm lẫn với phế thải. “Hiện làng cũng còn vài hộ bốc thuốc, nhưng cũng chẳng thể vực lại sự phồn thịnh cho làng thuốc trước tốc độ đô thị hóa ồ ạt như hiện nay” - cụ Quế nghẹn ngào.
Ngay cả đến vườn thuốc của bà Chinh - một trong bốn gia đình trồng thuốc còn lại của ngôi làng - cũng đang nằm trong... diện giải tỏa. Bà buồn rầu: “Rồi đây Đại Yên chẳng có lấy mảnh đất trồng thuốc. Nghề truyền thống ông cha sẽ hết. Không buồn sao được khi đứng trước nguy cơ biến mất nghề...”.
Theo cụ Chinh, cụ Quế, giờ muốn mua thuốc nam, ngoài Đại Yên thì chỉ có thể tìm ra khu vực ngoại thành như Cầu Diễn, Thanh Trì, còn nội thành thì không nơi đâu trồng.
Mỗi buổi chiều, thuốc nam của Đại Yên được bày bán ở một chợ cóc nhỏ ngay cạnh cổng làng. Trước kia, đây là chợ thuốc nam nổi tiếng bậc nhất Hà Nội, người mua, kẻ bán luôn tấp nập. Bây giờ, mỗi buổi chợ chỉ còn vài ba người bán hàng, khách mua cũng lèo tèo...
Trước thực trạng mai một của làng thuốc, nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học VN Nguyễn Văn Huy từng cảnh báo: “Nghề thuốc nam ở Đại Yên là vốn văn hóa phi vật thể của ông cha truyền lại từ gần 1.000 năm qua. Nó có thể nhanh chóng mất đi vì tốc độ đô thị hóa và sự quên lãng của con người”.
Rồi đây, có thể không xa nữa, khi thế hệ mới lớn lên, sẽ chỉ còn được cảm nhận, nghe về lịch sử làng thuốc qua câu chuyện của bà, của mẹ mà không thể ngửi được mùi thuốc nam lan tỏa, thấm vào từng thớ đất.
Theo Laodong