Để quản lý thuốc nổ dùng trong dân sự, hiện có đến 2 bộ quản lý và 4 cơ quan ban ngành liên quan kiểm soát. Thế nhưng, vụ nổ tại nhà ông Lê Minh Phương (SN 1955), ở hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM rạng sáng 24/2 cho thấy, việc quản lý chất nổ tưởng chặt nhưng hóa lỏng.
Bốn con dấu mới được cấp chất nổ
“Để mất 1 tỷ đồng, cơ quan không tiếc bằng mất 1 lạng thuốc nổ vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng con người, và khi mất chất nổ, cơ quan phải tiến hành báo cho công an ngay để điều tra”, kỹ sư Trần Cường, Phó chánh văn phòng, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam chia sẻ.
Ngoài sử dụng chuyên biệt cho quân sự, chất nổ đang là nhu cầu có thật của một số ngành nghề đặc trưng của xã hội như khai thác quặng, hay dùng trong điện ảnh. Nhưng để có được chất nổ sử dụng trong lĩnh vực này, phải trải qua trình tự rất nghiêm ngặt.
“Muốn sử dụng chất nổ cần phải làm văn bản, hợp đồng mua dưới sự cho phép của Cục An toàn môi trường (Bộ Công Thương), cảnh sát trật tự, thanh tra an toàn lao động của Sở Công Thương địa phương và Phòng Cảnh sát PCCC tại nơi thực hiện. Như vậy, phải có đến 4 con dấu trên 1 văn bản, chất nổ mới được cấp”, ông Cường cho biết.
Ngoài 3 ngôi bị sập hoàn toàn, 11 người thiệt mạng, những ngôi nhà xung quanh cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ vụ nổ nhà ông Phương |
Không những vậy, theo ông Cường, thuốc nổ phải được cấp theo từng đề án thăm dò, khảo sát địa chất cụ thể; được tính theo mét khối công trình, ví dụ cứ 1m3 thì dùng 2 lạng thuốc nổ. Khi kết thúc công trình khai khoáng, phải làm biên bản xác định lượng thuốc nổ dư để trả lại kho, thường thì không dư bao giờ.
Ông Cường chia sẻ thêm, trong ngành khai thác quặng chỉ dùng loại thuốc nổ loại nhẹ (AD1 phi 32 - dùng cho đất, thuốc nổ nhũ tương dùng cho đá). Còn loại thuốc nổ trong vụ cháy nhà ông Phương "khói lửa" được cho là TNT, ngành địa chất không dám dùng vì sức nổ của nó cực mạnh. Trong thời kỳ kháng chiến, nó được sử dụng để đánh sập cầu, nhà.
Đồng quan điểm với ông Cường, thượng úy Bùi Mạnh Thế, chuyên gia quân sự thuộc Quân đoàn 4 cũng cho rằng, 1kg thuốc nổ có lực đập vào vật thể tại vị trí tiếp xúc bằng 10 - 100 tấn trên 1cm2 nên loại thuốc nổ này phải được bán với yêu cầu nghiêm ngặt.
Liên quan đến vụ nổ làm sập 3 ngôi nhà tại Q.3, TP.HCM, cả ông Cường, và thượng úy Thế đều cho rằng lượng thuốc nổ ít nhất phải lên đến hàng chục kg mới đánh sập 3 ngôi nhà và có rung động tương đối lớn (khu vực dân cư quanh kênh Nhiêu Lộc còn cảm nhận được độ rung). Thượng úy Thế còn cho biết thêm, với sức công phá như vậy thì bằng 1 quả bom M117 (chỉ sử dụng trong chiến tranh).
Chồng chéo quản lý
Theo một số thông tin phỏng đoán ban đầu, nếu thuốc nổ trong vụ nổ kinh hoàng tại TP.HCM vừa qua là từ hóa chất trộn lại với nhau, không thể nổ lớn đến như vậy. Vì vậy, nguồn gốc của loại thuốc nổ này là điều đáng bàn.
Theo quy chuẩn 02 của Bộ Công Thương, khoảng cách từ điểm nổ tới người là 380m. Sử dụng thuốc nổ không hết, phải nhập về kho riêng, xa khu dân cư.
Theo kỹ sư Cường, địa phương khi biết ông Lê Minh Phương làm nghề tạo hiệu ứng khói lửa phim trường thì cơ quan quản lý (phòng Cảnh sát PCCC quận) phải thường xuyên kiểm tra để biết lượng sử dụng, lượng dư...
Bốn ngày sau vụ nổ, người dân hiếu kỳ vẫn tập trung tại hiện trường |
“Hiện tại, cơ quan chức năng đã tìm thấy đạn mã tử, súng, vỏ đạn, lựu đạn trong vụ nổ nhà ông Phương. Điều này cho thấy bản thân ông Phương đã vi phạm quy định về tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép”, thượng úy Thế nói.
Theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 do Quốc hội ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đối với quân đội, dân quân tự vệ; Bộ Công an quản lý các đối tượng còn lại. Về việc cấp phép và thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ do 2 bộ trên quản lý.
Còn theo Nghị định 47/CP ngày 12/0/1996, Bộ Công Thương có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước trong việc sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Như vậy, về chất nổ nói chung, có đến 3 bộ quản lý, còn chất nổ sử dụng trong dân sự, có 2 bộ quản lý. “Việc nhiều bộ quản lý một lĩnh vực sẽ dẫn đến sự chồng chéo và gây kẽ hở pháp luật”, một chuyên gia quân sự đưa ra ý kiến.
Theo Khampha