Hỏi miết, rồi cũng đến lúc những tò mò nghề nghiệp bao năm nay của tôi về một bác sĩ sản khoa là nam lại được ông giải đáp tường tận. Hoá ra việc “đẻ đái” lại có rất nhiều chuyện thú vị, thậm chí cả triết lý như cách gọi của GS Thành: Triết lý của sự… đỡ đẻ!
Một cảm giác rất tuyệt vời
Sau một vài lần gặp gỡ, trò chuyện, rồi nhìn GS Cao Ngọc Thành thăm khám, chữa trị cho người thân và bệnh nhân của ông ở bệnh viện, tôi tự hỏi: Người đàn ông này có biết cáu gắt hay nổi giận không? Lúc đó gương mặt ông sẽ như thế nào? Là bởi lúc nào, với ai, dù thân quen hay lần đầu thấy mặt, lúc nào ông cũng chào họ với nụ cười thân thiện, ấm lòng, mang nhiều niềm hy vọng.
Vinh - sinh viên năm cuối của Đại học Y - Dược Huế - tự hào nói thầy mình có “nụ cười Bồ tát”. Chị Xuân - một bệnh nhân đang điều trị tại khoa Sản - “ngày nào cũng mong bác Thành ghé thăm bệnh”. Bởi chỉ cần thấy bác Thành cười, nghe bác hỏi mấy câu là em thấy như bệnh... sắp khỏi”.
Đặc biệt, ông luôn hỏi han, trò chuyện, dặn dò người bệnh bằng giọng nhẹ nhàng và ân cần đến mức nếu gặp lần đầu, ai đa nghi lại nghĩ là ông này đang diễn. Thắc mắc thì ông cười: “Nhẹ nhàng, ân cần và nụ cười luôn thường trực trên môi là những ví dụ, là hiện thân về y đức của người thầy thuốc. Cái đó phải xuất phát từ tâm, làm sao mà diễn được?”.
Năm 1976, ông tốt nghiệp Quốc học Huế và chọn thi vào Viện Đại học Y Huế (nay là Đại học Y - Dược). “Ngày ấy không có nhiều lựa chọn như bây giờ và cũng không có ai định hướng nghề nghiệp, nên việc tôi thi vào y khoa giống như là một duyên phận”. Và duyên phận cũng là cách ông lý giải khi chọn chuyên khoa ngoại sản khi học năm thứ 5 đại học và sau này là ngoại sản khi ra trường.
Nhưng ông bảo, nếu cho chọn lại lần nữa thì kết quả vẫn là sản khoa, bởi “ngay từ những năm tháng làm sinh viên nội trú, tôi đã có cảm xúc rất đặc biệt đối với ngành này”.
Ông nhấn mạnh: “Đỡ đẻ có một cảm giác rất tuyệt vời. Theo dõi một ca đỡ đẻ từ khi bắt đầu cho tới kết thúc có khi mất cả một ngày đêm. Không chỉ bệnh nhân và người thân, mà ngay cả bác sĩ cũng có cảm giác chờ đợi hồi hộp”.
Ngôn từ và sự say sưa của ông lúc này như đang giảng bài cho sinh viên: “Các bạn không biết được cảm giác tự tay mình mang đến một thành viên mới rất thánh thiện cho xã hội, mang đến niềm hạnh phúc tột độ cho những ông bố, bà mẹ... nó hạnh phúc như thế nào đâu...”.
GS Cao Ngọc Thành và các cháu bé mới chào đời. Ảnh: H.V.M
Khoa Sản Bệnh viện Đại học Y - Dược Huế lúc 9h đêm. Khoa Sản nằm ở tầng 2, nhưng vào tới sân đã nghe tiếng sản phụ gào thét từng cơn vọng xuống. Dọc hành lang, mấy chục sản phụ chờ sinh người ôm bụng, kẻ chống hông lết từng bước tới lui, mặt mũi nhăn nhó.
Trong phòng sinh, sản phụ mà tôi nghe giọng hồi nãy bây giờ không còn đơn thuần gào thét nữa mà chuyển sang... chửi bới chồng với tất cả ngôn từ xấu xa nhất có thể! Tôi há hốc mồm, không tin nổi đó là lời phát ra từ miệng của một phụ nữ, một người vợ.
GS Thành cười: “Đó là chuyện thường ngày ở bệnh viện. Trên đời này chẳng có cơn đau nào lớn hơn cơn đau sinh nở. Người ta ví đau như cắt da thịt, nhưng chỉ lát nữa thôi, khi bác sĩ dùng kéo để cắt vào tầng sinh môn của sản phụ khi họ chuẩn bị sinh và chắc chắn rằng, sản phụ kia sẽ không một chút phản ứng. Nói vậy để hình dung cơn đau đẻ nó ghê gớm như thế nào...”.
Trong phòng sinh bỗng nhiên lặng im, rồi chợt nghe tiếng oe oe của trẻ mới chào đời. “Xong rồi” - chị hộ lý ló mặt báo với người nhà. “Giờ phút này, trên môi bà mẹ nào cũng đang nở một nụ cười rạng ngời như thể trước đó chưa bao giờ đau đớn. Sau tận cùng đau khổ là hạnh phúc. Đây là triết lý mà tôi rút ra được sau một vài ca đỡ đẻ từ ngày mới vào nghề” - ông nói.
Và những chuyện trớ trêu giờ mới kể
Nhưng chẳng lẽ công việc của một bác sĩ sản khoa quanh năm chỉ toàn niềm vui và hạnh phúc? Ông cười, lắc đầu bảo “đầy chuyện trời ơi đất hỡi, có khi nói ra mọi người lại không tin”. Rồi ông ví dụ một vài chuyện, bắt đầu là việc thăm khám: “Có những lần khám và phẫu thuật cho bệnh nhân về mấy ngày liền tôi không ăn được cơm. Ra đường nhìn ai cũng đẹp đẽ, thơm tho vậy thôi chứ vào BV, nhiều chị em bị viêm nhiễm, mắc những bệnh kinh khủng lắm...”.
GS Cao Ngọc Thành: Với sản phụ, sau tận cùng đau khổ sẽ là hạnh phúc vô bờ. Ảnh: H.V.M |
Tiếp đến là chuyện đẻ. Ông nói bây giờ toàn mổ chứ trước đây, thai ngôi ngược (thai nằm ngược, chân ra trước thay vì đầu) toàn phải sinh và thường đây là ca khó và có nhiều chuyện trời ơi nhất. “Thường đẻ ngôi ngược, bác sĩ phải dùng gạc giữ ối chờ cổ tử cung mở ra để sinh. Trong quá trình đó, tử cung của thai phụ liên tục go (co thắt) và có nhiều lần do go mạnh quá, nước ối bắn ra và cả người tôi gần như... tắm”.
Bây giờ, trẻ sinh ra bị ngạt mũi, chậm khóc thì đã có máy thông miệng chứ ngày trước chưa có máy, bác sĩ toàn phải dùng miệng của mình để hút: “Thường phụ nữ trước khi sinh đã được thụt tháo sạch sẽ. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp, vì lý do nào đó mà họ không được thụt tháo kỹ, nên khi dùng miệng mình để hút thông miệng trẻ, hút xong quẹt tay lên môi mình thấy dính cả... phân của sản phụ”.
Hôm tôi đem chuyện... rùng mình này kể với Vinh, em cười: “GS Thành thường lấy chuyện này để ví dụ khi dạy tụi em. Thầy nói không câu nệ, đó cũng là một trong những biểu hiện của y đức”.
GS-TS Cao Ngọc Thành - Hiệu trưởng, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y - Dược Huế, chuyên gia về sản khoa hàng đầu ở miền Trung - còn là một chuyên gia hàng đầu về điều trị vô sinh hiếm muộn bằng đường nội tiết (điều trị để thụ thai tự nhiên chứ không dùng phương pháp thụ tinh ống nghiệm). Ông là một trong những bác sĩ sản khoa đầu tiên ở Việt Nam làm luận án tiến sĩ trong nước về đề tài này vào năm 1985 |
Ngoài sản khoa, GS-TS Cao Ngọc Thành còn là một chuyên gia hàng đầu về điều trị vô sinh hiếm muộn bằng đường nội tiết (điều trị để thụ thai tự nhiên chứ không dùng phương pháp thụ tinh ống nghiệm). Ông là một trong những bác sĩ sản khoa đầu tiên ở Việt Nam làm luận án tiến sĩ trong nước về đề tài này vào năm 1985.
“Trong điều trị vô sinh, tôi vẫn thiên về con đường nội tiết. Tôi cho rằng, sự sống là một sự nối tiếp, nên sinh sản nó cũng có triết lý và quy luật của nó. Vì sao người phương Đông gọi là kinh nguyệt và dựa vào sự vận hành của mặt trăng để tính chu kỳ trứng rụng?
Vì sao ở Việt Nam, tỉ lệ người dân tộc thiểu số đi khám chữa vô sinh rất ít so với người Kinh?... Đó là những câu hỏi rất hóc búa và lý thú, nhưng chưa có lời giải đáp toàn vẹn...”.
Ông nói, cũng như đỡ đẻ, điều trị vô sinh hiếm muộn cũng có rất nhiều điều thú vị. “Có bệnh nhân thử thai xong thấy hai vạch đỏ (thụ thai) đã bất chấp chung quanh, ôm chầm lấy tôi khóc nức nở như trẻ con. Cảm giác giúp cho một bệnh nhân hiếm muộn được thụ thai còn hạnh phúc và tuyệt vời hơn cả khi mình tự tay mang một đứa bé chào đời từ trong bụng mẹ”.
Trên hết, với ông, điều trị vô sinh không đơn thuần là câu chuyện y học, mà còn là vấn đề xã hội, đạo đức và pháp lý. “Khi điều trị vô sinh, có những điều bí mật mà người phụ nữ chỉ kể riêng cho tôi và không một ai khác được biết, kể cả chồng họ. Và tôi có nhiệm vụ phải giữ bí mật giúp họ. Đó là một thiên chức nghề nghiệp mà xã hội đã ban tặng cho tôi, nên tôi luôn răn mình phải biết nâng niu, trân trọng...”.
Trở lại với câu chuyện thời sự về y đức, kiểu như ở nhiều bệnh viện, tử cung của sản phụ đã... mở hết cỡ rồi nhưng bác sĩ vẫn chưa chịu cho sinh, vì người nhà chưa... đưa tiền mà tôi đã từng là nạn nhân hay nhan nhản những chuyện tương tự trên mặt báo.
Ông thở dài, lặng đi một lát: “Ít nhất là những chuyện như vậy chưa xảy ra ở BV của tôi cho đến thời điểm này. Tuy nhiên tôi luôn hy vọng điều tốt luôn tồn tại và những chuyện đau lòng như vậy chỉ là nhất thời...”.
Hay chuyện thời gian gần đầy, trẻ sơ sinh tử vong từ tuyến huyện đến tuyến... T.Ư nhiều đến mức báo động. Theo ông, Việt Nam vẫn thuộc nhóm trên so với thế giới về sự chăm sóc tốt bà mẹ, trẻ em và tỉ lệ tử vong đến thời điểm này vẫn rất thấp so với cách đây nhiều năm. “Chỉ là bây giờ các phương tiện thông tin đại chúng phát triển nên chúng ta có cảm giác là nhiều hơn thôi”.
Tuy nhiên “có thể giảm tử vong và tai biến thấp hơn nữa nếu bác sĩ có tâm hơn, hệ thống chăm sóc của các tuyến, BV được tốt hơn...”.
Theo Khampha