Hình ảnh tiêu cực được ghi lại tại Trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang, năm 2012. |
Theo đó, người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi bằng chứng chonơi tiếp nhận theo quy định, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý. Bằng chứng về việc vi phạm Quy chế thi tốt nghiệp THPT phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền.
Cụ thể, nơi tiếp nhận thông tin bằng chứng về vi phạm quy chế thi là ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT trung ương hoặc ban chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) và thanh tra giáo dục các cấp...
Cũng theo quy định mới, trong kỳ thi năm nay, ngoài các vật dụng thông thường, TS còn được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không chuyển được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác...
Trước quy định mới về việc “khống chế” phạm vi phát tán bằng chứng tiêu cực, ông Đỗ Việt Khoa – thầy giáo nổi tiếng về chống tiêu cực trong giáo dục – đã thẳng thắn thể hiện sự bất bình.
Ông Khoa nhận xét “Quy định này giống như một cách che giấu sai phạm của mình với dư luận, với nhân dân. Lẽ ra, cần công khai những nơi vi phạm để đấu tranh giảm bớt thì lại giấu nhẹm đi. Điều này đi ngược lại hy vọng vừa nhen nhóm về việc chống tiêu cực trong ngành giáo dục.
Bản thân quy định này mâu thuẫn, triệt hạ những tuyên bố về việc quyết tâm chống tiêu cực trước đó của bộ và cũng vi phạm Luật Báo chí, Luật Khiếu nại tố cáo cũng như quyền dân sự của người dân”.
Theo ông Khoa, “ngành giáo dục phải gương mẫu trong việc công khai, minh bạch, dân chủ. Sai thì phải công khai để mà sửa, chứ giấu đi thì làm sao mà dạy được ai nữa?”.
Ông Khoa cho rằng, Bộ GDĐT phải xem lại quy định này nếu muốn nhân dân chống tiêu cực thật sự.
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh - cũng cho rằng, quy định này của Bộ GDĐT là “buồn cười, hơi áp đặt”.
Theo ông Cương, “Bộ GDĐT không nên quy định như thế. Người dân thấy sự việc có quyền đưa ra, bày tỏ quan điểm của mình bằng nhiều cách, nếu sai tự họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Bộ GDĐT quy định huỷ kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau: Hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi, hội đồng phúc khảo; gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi; khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ. |
Theo Laodong