Vụ mất tích kỳ bí

Thứ năm, 28/02/2013, 10:02
Chiếc máy bay Britten-Norman Islander chở nhà thừa kế Vittorio trở về lục địa Nam Mỹ đã biến mất giữa đảo Gran Roque và Caracas. Không một dấu vết để lại, dù chuyến bay dự kiến kéo dài chỉ 45 phút trong lúc bình xăng có khả năng kéo dài đến 3 giờ. Tín hiệu cuối cùng của phi công, cách nơi khởi hành 10 dặm và ở độ cao 5.000 bộ. Sau đó nó biến mất trên màn hình...

Ngày 4/1/2013, chiếc máy bay cất cánh từ đảo Gran Roque, cách bờ biển Venezuela 128km về hướng bắc, đi về thủ đô Caracas có việc quan trọng vào buổi tối. Haramas một cư dân trên đảo kể lại: Họ dự định xuất phát từ 4 giờ 30, nhưng lúc 10 giờ, Guido nói với tôi, chuyến bay được dời lại lúc 11 giờ 30. Vittorio và vợ Maurizia, em trai Guido và em gái Elda có mặt trên chuyến bay.

Họ hứa sẽ quay về. Lúc đó là 11 giờ 32, chiếc máy bay Britten-Norman Islander mang biển số YV-2615 cất cánh. Lúc 11 giờ 39 viên phi công German Marchan thông báo vị trí với đài kiểm soát: đang cách Gran Roque 10 dặm, ở độ cao 5.000 bộ.

Từ đó, anh ta sẽ liên lạc với đài không lưu Maiquetia của phi trường Caracas trong đất liền. Đài radar cho thấy máy bay lên đến 5.400 bộ và bất ngờ rơi xuống rồi biến mất trên màn hình. Sau 30 tín hiệu báo động vang lên. Haramis được thông tin: anh ta có chiếc canô cao tốc, thường xuyên cấp cứu người bị nạn trên biển: Họ không thể rơi quá xa. Tôi lao đến rặng san hô. Trời mưa và biển động. Nhiều tàu khác chạy theo tôi. Chúng tôi tìm kiếm đến chiều tối. Nhưng không có gì. Chẳng có mảnh vụn nào cả.

 Bốn nạn nhân bị mất tích

Hơn 80 giờ tìm kiếm trên không, 373 giờ lùng sục mặt biển, 2.200km2 diện tích với 400 nhân viên cứu hộ cũng chẳng tìm thấy một dấu vết gì để lại. Chiếc YV-2615 biến mất hoàn toàn. Tại Gran Roque những bóng ma trỗi dậy. Cũng như chuyến bay của chiếc YV-2081 thuộc công ty Transaven, 5 năm trước đó.

Ngày 4/1/2008, lúc 9 giờ sáng, tám người Italia, trong đó có một cặp đi hưởng tuần trăng mật, ba người Venezuela và một người Thụy Sĩ lên chiếc Let-410 tại Maiquetia, đi đến quần đảo Los Roques. Lúc 9 giờ 38, phi công phát tín hiệu cầu cứu: hai máy bị hỏng và muốn đáp xuống. Vị trí đúng vào chỗ máy bay của Vittorio Missoni: cách phía nam đảo Gran Roque 10 dặm, gần rặng san hô! Olivier Sanchez, một lái tàu tham gia cuộc tìm kiếm kể lại:

Chỉ có thể tìm thấy xác viên phi công phụ, tấp vào bờ biển hai tuần sau đó. Quá trùng hợp với sự biến mất của chiếc Islander: cùng ngày, cùng vị trí, và có hai du khách đến nghỉ tại nhà trọ La Gotera. Mọi cặp mắt đều hướng về nước Colombie kế cận. Cách bờ biển phía tây quần đảo Los Roques 450km, sa mạc Alta Guajira là hang ổ của buôn lậu ma túy.

Khoảng 30% cocaine được xuất khẩu qua vùng biên giới này. Khi không chở bằng tàu cao tốc, hàng được chất lên máy bay đánh cướp chuyển sang Venezuela. Trong vòng hai năm, chính quyền Caracas đã bắt giữ 44 chiếc máy bay và phá vỡ 41 phi đạo bí mật. Người ta nghi ngờ chiếc máy bay chở gia đình Missoni bị đánh cướp. Chẳng hạn, sáng 6/1, tức 48 giờ sau tai nạn, con trai của Guido Foresti nhận được tin nhắn của bố: “Chờ liên lạc, gọi cho bố”. Một người bạn cho biết ba chiếc điện thoại của ba người mất tích vẫn còn reo suốt mấy giờ sau.

Tại Riohacha, thủ phủ quận Guajira, người ta không tin máy bay bị đánh cướp. Một vị đại tá thuộc đơn vị chống buôn lậu nói: Bọn buôn lậu không cần phải cướp một chiếc máy bay đang bay, với hành khách. Kho của chúng chứa đầy máy bay, và Los Roques không nằm trong tuyến đường vận chuyển ma túy. Giả thuyết tai nạn cũng được đề cập tới khi người ta tìm thấy chiếc dù mang theo trên máy bay.

Theo số liệu chính thức, có ít nhất 15 tai nạn diễn ra trong những năm qua trên tuyến đường đi đến quần đảo Los Roques (nổ tung, biến mất hay cầu cứu...). Theo Juan Carlos Marcano, một phi công thuộc công ty hàng không quốc gia Viasa: Đội máy bay già cỗi không hề được thay thế. Nhiều chiếc không thể đáp được trên phi đạo ngắn. Islander là chiếc máy bay tệ hại nhất trong đoàn. Chỉ có một động cơ piston, khi bị trục trặc, nó sẽ rơi như một cục đá.

Dos Mosquises là một đảo nhỏ, cách rặng san hô 45 phút đường tàu. Nơi đây có một trại nuôi rùa biển, mà Jose, tức Chicho là kẻ trông nom duy nhất. Anh ta nhớ rõ buổi sáng 4/1: Khi đó tôi đang chuẩn bị bữa ăn sáng. Vào khoảng 11 giờ 30. Tôi nghe tiếng máy bay trước khi nhìn thấy nó. Nó bay ở độ cao 20 - 30m, chưa từng thấy chiếc nào bay thấp như vậy trước đó. Đó là một chiếc Islander.

Tôi tin là nó muốn đáp khẩn cấp. Nhưng nó lại tiếp tục bay thẳng về hướng đảo La Pelona. Chicho giang hai tay, nhún vai, lắc đầu buồn bã. La Pelona là hòn đảo nhỏ cuối cùng có thể nhìn thấy được từ xa ở tận chân trời của biển cả. Trong cả vùng vịnh Caribê này, đó cũng là biệt danh mà người ta dùng để gọi thần chết.

Theo CATP

Các tin cũ hơn