Vụ ĐB Hoàng Hữu Phước: Cần bổ sung quy chế ứng xử

Thứ năm, 28/02/2013, 09:00
Liên quan vụ lùm xùm về ông Hoàng Hữu Phước, Quốc hội nên bổ sung thêm quy định, quy chế về văn hóa ứng xử của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, dư luận bắt đầu xôn xao về chuyện ĐBQH Hoàng Hữu Phước viết blog với tiêu đề "Dương Trung Quốc và bốn điều sai năm cũ (Tứ đại ngu)", trong đó nêu và phân tích 4 điều mà theo ông này là cái sự "ngu" của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Nói về việc này, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: Quốc hội nên bổ sung thêm quy định, quy chế về văn hóa ứng xử của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Hành vi rất thiếu văn hóa

Khi biết tin về sự việc này, tôi đã rất ngạc nhiên. Còn ông thì sao? Ông biết tin về sự việc này qua kênh nào và suy nghĩ đầu tiên của ông sau đó là gì?

- Tôi có vào các trang mạng. Và tôi cũng được một số anh em, bạn bè thông tin cho biết có bài viết như thế. Tôi rất bất ngờ. Bài như thế ở người bình thường đã là không chấp nhận được, huống chi lại của một ĐBQH. Nhiều từ ngữ trong bài miệt thị, thóa mạ đích danh một ĐBQH. Tôi thấy buồn.

Ông buồn vì...?

- Vì một người bình thường nói như thế đã là không nên. Trong khi đây là người được nhân dân tin tưởng giao phó trọng trách mà lại phát ngôn như vậy. Việc làm này không đúng với vai trò, vị trí của ĐBQH.

Ông đã đọc "toàn văn" bài blog này chưa?

- Tôi có đọc. Rất nhiều từ ngữ xa lạ với người có văn hóa được sử dụng để chỉ trích một người khác như "tứ đại ngu", "nhà đĩ học bên cạnh nhà sử học", "ngậm miệng lại"... Nhiều cụm từ có tính chất chỉ trích, thóa mạ nặng nề như: bất tri, vô trí, không biết ngoại ngữ trong khi bản thân là nhà sử học, hỗn láo, hấp tấp, hiếu chiến, háo thắng... Qua sự việc này, tôi thấy có vấn đề nghiêm trọng về văn hóa ứng xử.

Thực ra, ĐBQH hoàn toàn có quyền phát biểu ý kiến. Và ý kiến trái ngược nhau là điều bình thường...

- Đúng. Chính sự trái ngược nhau là cơ hội để tiệm cận tới chân lý khách quan. Ý kiến khác nhau trên diễn đàn Quốc hội cũng thể hiện không khí dân chủ, cởi mở trên nghị trường. Nhưng một vị ĐBQH dùng lời lẽ thóa mạ, mạt sát một ĐBQH khác thì là điều không bình thường. Tôi có đọc gần 200 comment của cử tri cũng như cư dân mạng. Họ phản ứng rất dữ dội.

Thậm chí có ý kiến cho rằng xem xét lại tư cách ĐBQH của vị này. Tôi cho rằng, phản ứng của cộng đồng mạng là hoàn toàn có lý bởi chưa bao giờ trong lịch sử Quốc hội Việt Nam có chuyện một ĐBQH dùng lời lẽ thóa mạ một ĐBQH khác. Đây là một hành vi rất thiếu văn hóa.

Duong Trung Quoc

Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Trả lời về bài viết trên blog của ĐBQH Hoàng Hữu Phước viết về ĐBQH Dương Trung Quốc.

Cử tri có quyền quyết định

Nhiều người dân cho rằng, ông Hoàng Hữu Phước không xứng đáng là ĐBQH và nên bãi nhiệm ông này. Nhưng tôi được biết, có ý kiến của vị ở Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chưa có căn cứ để xem xét việc bãi nhiệm, miễn nhiệm ông này. Vậy ý kiến của ông thì sao?

- Đúng là đại biểu Hoàng Hữu Phước chưa vi phạm pháp luật hình sự. Nhưng cử tri nhìn ĐBQH với nhiều yếu tố lắm: Tư cách đạo đức, hành vi, thậm chí là lời nói... Tôi cho rằng người quyết định ở đây là cử tri.

Nếu cử tri thấy đại biểu không xứng đáng (cụ thể ở đây là cử tri TPHCM), họ hoàn toàn có quyền đề nghị lên Mặt trận Tổ quốc của thành phố và Mặt trận Tổ quốc thành phố tiếp tục đề nghị lên trên việc bãi nhiệm, miễn nhiệm đại biểu họ cho là không xứng đáng. Nếu cử tri thấy chưa đến mức phải đề nghị, kiến nghị thì cũng là quyền của họ.

Ông thấy sự việc này nên được xử lý thế nào, hay là để họ "tự giải quyết", một người đã xin lỗi người kia và người kia cũng không ý kiến gì là êm?

- Tôi cũng định đề nghị với một số cơ quan làm rõ sự việc này tới nơi tới chốn, nhưng ông Hoàng Hữu Phước đã gỡ bài viết xuống và gửi thư xin lỗi tới Đoàn đại biểu TPHCM và ông Dương Trung Quốc.

Đại biểu Phước đã biết mình sai và công khai nhận lỗi thì tôi cho rằng sự việc dừng ở đây là vừa phải. Nếu đại biểu Phước vẫn khăng khăng cho rằng mình đúng thì mới cần làm tới nơi tới chốn. Tôi cho rằng, đại biểu Phước đã biết lỗi thì dư luận cũng nên có cái nhìn độ lượng.

Nhưng việc đã xảy ra, ầm ĩ và gây hậu quả tôi cho là không nhỏ. Tất nhiên đại biểu Phước đã nhận mình sai, nhưng ông có nghĩ vẫn cần phải kiểm điểm về mặt Quốc hội, về Đảng chứ không thể xin lỗi rồi thôi?

- Tôi nghĩ đại biểu Hoàng Hữu Phước phải nhận khuyết điểm, xin lỗi cử tri TPHCM và cả nước, bởi việc viết blog với nội dung như vậy không những xúc phạm ông Dương Trung Quốc mà còn xúc phạm cử tri đã bầu ra ông.

Trên cơ sở văn bản giải trình và bản kiểm kiểm của ông Phước, Đoàn đại biểu TPHCM cũng phải có ý kiến chính thức. Đây không còn là việc cá nhân mà đã là vấn đề lớn, gây điểm nóng trong dư luận đầu năm.

Về phía Quốc hội, theo ông Quốc hội nên có biện pháp gì để hạn chế những sự việc tương tự diễn ra?

- Có lẽ Quốc hội nên sửa đổi, bổ sung quy chế Hoạt động của ĐBQH, quy định kỹ hơn về văn hóa ứng xử. Trong Nội quy kỳ họp và Quy chế hoạt động cũng có nhắc đến rồi nhưng vẫn nên bổ sung thêm "cách ứng xử có văn hóa của đại biểu" và nên cụ thể hóa hơn như đại biểu được phép làm gì và không được phép làm gì; đại biểu không được xúc phạm người khác dưới mọi hình thức...

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

- Trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, thông tin về việc ĐBQH Hoàng Hữu Phước (Đoàn ĐBQH TPHCM) viết blog công kích ĐBQH Dương Trung Quốc (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đã được nhiều người truyền tai nhau.

Nhưng phải đến những ngày sau Tết, sự việc này mới được thổi bùng lên trong dư luận; trên các trang mạng, nhiều người dân đã bày tỏ sự bất bình, bực tức, thất vọng, phê phán ông Hoàng Hữu Phước đã có cách cư xử và những lời lẽ mà theo nhiều người là "không nên có ở một ĐBQH".

- Ngày 23/2, liên hệ với ông Dương Trung Quốc, phóng viên KH&ĐS được biết: Ông đã nhận được thư xin lỗi của ĐBQH Hoàng Hữu Phước. Tạm thời nội dung bức thư ông chưa thể tiết lộ. Ông chỉ nói: "Người biết sai nhận lỗi là quý rồi!".

Theo Kienthuc

 

Các tin cũ hơn