Dạo một vòng qua các trang confession của các trường THPT, những “góc tối” phía sau cánh cổng trường học đã được các em phơi bày khá rõ. Dưới đây những vấn đề nổi cộm được teen đề cập đến.
Ám ảnh “nhà vệ sinh”
Câu chuyện “nhà vệ sinh mất vệ sinh” là vấn đề được đề cập nhiều nhất trên các trang confessions của rất nhiều trường. Thực trạng này đã tồn tại từ lâu nhưng sau nhiều năm, dường như vẫn không có tiến triển nào.
Việc học sinh phải học tập sát cạnh những nhà vệ sinh bốc mùi hôi khó chịu đã và đang ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh. Ấy vậy nên mới có chuyện, học sinh phải đi vệ sinh trộm ở các nhà vệ sinh dành cho giáo viên.
Kinh doanh nhà thể chất
Xậy dựng và nâng cấp cơ sở vật chất là việc được nhiều trường quan tâm và chú trọng. Những khuôn viên, khu nhà mới khang trang, hiện đại hơn đã góp phần làm tươi mới bộ mặt các trường học của thủ đô.
Nhưng thực tế việc sử dụng các công trình đó có phải hoàn toàn phục vụ cho học sinh? Hay giống như chia sẻ của học sinh trường QT (Hà Nội): “Nhà thể chất trở thành sân cầu lông cho thuê, trong giờ thì luôn đóng kín, chỉ mở khi tổ chức sự kiện, hiếm hoi lắm là cho các em vào dọn dẹp. Tưởng tượng ngày nắng gắt hay mưa tầm tã, các em học sinh vẫn ngồi ngoài sân hoặc trong nhà để xe ngắm nhìn các chú các bác lạ mặt đánh cầu lông trong nhà thể chất, ôi cái cảm giác thật lâng lâng dễ chịu”.
“Khó” như bác lao công
Nhiều học sinh đã phản ánh những tình huống trớ trêu khi các em lỡ để quên đồ nhưng không dễ gì để xin lại từ những cô, bác lao công “khó tính”.
Thậm chí, nhiều em còn phải dùng tiền để chuộc đồ. Xem ra, bài học “nhặt được của rơi trả người đánh mất” vẫn còn xa vời lắm, ngay cả ở trong trường học.Theo lẽ thường, trường học phải là nơi trong sạch nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh được tiếp xúc với một xã hội thu nhỏ giàu tình thương và nhân ái. Thế nhưng, thực tế ở nhiều trường lại không phải như vậy.
Cờ bạc công khai
Một trong những vấn nạn phía sau cổng trường chính là nạn đánh bạc của học sinh. Đặc biệt là vào thời điểm cuối của các năm học, khi mà tinh thần rã đám xuất hiện ở nhiều học sinh.
Ngăn chặn tệ nạn trong trường học là điều cần làm, nhưng hiệu quả đạt được thì không phải lớp nào, trường nào cũng tốt. Chính sự thiếu quyết liệt, thậm chí là thờ ơ của những giáo viên chính là nguyên nhân khiến cho nạn cờ bạc tại các trường phổ thông vẫn diễn ra khó kiểm soát như hiện nay.
Và một trong những lời thú tội đã thể hiện rõ điều đó: "Phải nói là nạn bài bạc ở các trường trung học rất điển hình và trường KL chúng ta không nằm ngoài ngoại lệ. Bắt đầu từ kỳ nghỉ Tết, từ 1-2-3, sau này lên 10-20-30.... Chơi nhiều như thế đến thầy cô giáo nhìn vào chả thèm kỷ luật nữa, vì kỷ luật chán rồi, chả làm được gì nhau...".
Giáo viên “đáng sợ”
Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh đã và đang là đề tài được bàn tán nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó cũng là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận trong nước. Nạn bạo hành học đường với những hành động bạo lực, những lời lẽ thiếu suy nghĩ của một bộ phận giáo viên đang gây nên nỗi ám ảnh đối với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam.
Một học sinh "confess": "Ngay từ ngày đầu tiên lên lớp, cô đã gây ấn tượng với chúng em. Chỉ bằng một câu nói "ngậm miệng lại", cô đã khiến sự im lặng bao trùm lấy cả lớp. Khả năng này em chưa từng thấy giáo viên nào làm được.... Mỗi khi cô gọi em lên bảng, em đều cảm thấy run vì lo bài làm của mình sẽ bị các bạn ném gạch, ném đá, như mọi lần, cô đều xem xong bài rồi quay ra hỏi cả lớp "ai phản đối". Và rồi cả rừng cánh tay giơ lên làm em vô cùng xấu hổ"...
Có thể nói, trường học giống như mái nhà thứ hai của mỗi học sinh. Thế nhưng, trong ngôi nhà đó, bên cạnh những điều tốt đẹp, vẫn còn đó nhiều “góc khuất” mà chỉ chính các em, những người trực tiếp học tập và sinh hoạt ở đây mới có thể biết được.
Bộ mặt “xấu xí” của trường học mà các em nói ra ở đây chính là hồi chuông cảnh báo cho nền giáo dục nước nhà. Công cuộc “trong sạch hóa” nền giáo dục trong nước vẫn đang là bài toán hóc búa dành cho những người có trách nhiệm.
Nhưng khó không có nghĩa là không làm được, các thế hệ học sinh Việt Nam vẫn đã, đang và sẽ chờ đợi những thay đổi tích cực hơn trong tương lai. Và hi vọng về một ngày nào đó, sẽ không còn các điểm đen về trường lớp trong những “lời thú tội” của các em.
Theo Vietnamnet