Ảnh nguồn: VNN |
Như đã biết, vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra vào rạng sáng 24/2, đúng vào lúc mọi người trong con hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM còn chìm trong giấc ngủ say. Khi vụ nổ xảy ra, nhiều nhân chứng kể lại rằng, họ nghe thấy tiếng nổ lớn, kèm theo mặt đất rung chuyển như động đất.
Phải đến trưa cùng ngày, từ thông tin báo đài, những người dân hiền lành sống trong con hẻm chợt giật mình nhớ tới một người đàn ông tên Phương đã thuê căn nhà trong hẻm được hai tháng để chứa vật liệu tạo hiệu ứng khói lửa trong các bộ phim.
Một vị lãnh đạo của UBND P.8, Q.3 còn bình tĩnh cho biết, chính quyền có biết ông Phương là người làm trong lĩnh vực điện ảnh, mới tới thuê ngôi nhà, mà sau này là điểm khởi phát gây ra vụ nổ nhưng cũng không biết trong ngôi nhà của ông Phương lại có thể chứa nhiều các chất, vật liệu gây nổ đến như vậy (!?).
Cơ quan chức năng phát hiện tới 250 viên đạn các loại, 400 vỏ đạn (đã được lấy hết thuốc súng), 2 nòng súng, 20 súng khác và lựu đạn giả tại hiện trường.
Chiếu theo "Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ” năm 2011 trong vụ nổ này, ông Lê Minh Phương (Giám đốc Công ty CP Công nghệ Giải trí Lạc Việt) đã vi phạm nghiêm trọng trong quản lý vũ khí và vật liệu nổ nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết, hàng xóm láng giềng cũng tỉnh bơ cho đến ngày xảy ra sự cố (!?).
Còn nhớ, không chỉ vụ cháy nổ này ở TP.HCM, mà trước đây các đô thị trên cả nước đã từng xảy ra nhiều vụ cháy nổ, xuất phát từ sự bất cẩn của một gia đình, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, nhưng đã ảnh hưởng đến nhiều hộ sống quanh khu vực.
Tất cả các vụ cháy nêu trên đều xảy ra do những nguyên nhân từ một gia đình do bất cẩn trong sử dụng điện hoặc các chất liệu gây nổ tạo ra, tuy nhiên lại gây hậu quả tới nhiều người và tài sản của "hàng xóm, láng giềng”.
Từ những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, trở lại thói quen bàng quan trước cuộc sống của nhau ở đô thị không ít người chợt giật mình.
Còn nhớ trong truyện ngắn "Đôi mắt”, Nam Cao đã đặc tả chi tiết rất hay về nhân vật Hoàng để nói về thói quen cảnh giác trong quan hệ "hàng xóm, láng giềng” ở nông thôn. Đó là chi tiết "Anh vẫn bước khệnh khạng, thong thả bởi vì người khí to béo quá, vừa bước vừa bơi cánh tay kềnh kệnh ra hai bên... bộ áo ngủ màu xanh nhạt, phủ một cái áo len trắng nó nịt người anh đến nỗi không còn thở được”.
Hoặc như chi tiết, với một sự thay đổi rất nhỏ là "một cái vành móng ngựa ria, như một cái bàn chải nhỏ”. Nhắc lại truyện ngắn này để thấy rằng, người quê rất quan tâm tới "hàng xóm, láng giềng” của mình, nhất là những người ở xa mới đến, hoặc người cùng quê nhưng đi làm ăn xa lâu ngày mới trở về.
Như thế, thói quen cảnh giác đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh, trật tự ở khu dân cư, đặc biệt là tại các vùng thôn quê Bắc Bộ.
Thế nhưng, ngược lại với thói quen tích cực này, ở thành phố, do cuộc sống mưu sinh đã khiến người ta ngày càng sống gấp gáp, bận rộn hơn. Dần dần, nhiều người không còn coi trọng những quan hệ tình thân kiểu "hàng xóm, láng giềng” như người ở quê.
Bình thường thì chả sao, thế nhưng khi xảy ra chuyện như vụ cháy nghiêm trọng tại TP.HCM vừa mới đây, nhiều người bỗng giật mình về một thói quen, phong tục tích cực đã mai một.
Từ vụ tai nạn kinh hoàng này, suy rộng ra, cũng là một bài học kinh nghiệm rất có giá trị đối với công tác Mặt trận tại cơ sở. Đây là nơi trực tiếp hoặc phối hợp triển khai các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, "bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”…
Từ đó, tạo thói quen văn hóa để người dân ở đô thị biết quan tâm hơn lẫn nhau, đề cao tinh thần cảnh giác trong giữ gìn an ninh trật tự, tránh đi những sự cố đau lòng như vừa qua.
Theo Đại Đoàn Kết