Theo bà Mai, việc quy định nhân dân có quyền biểu quyết về Hiến pháp là thể hiện đúng quan điểm mà Đại hội Đảng XI cũng như các Nghị quyết Trung ương 2, Trung ương 5 về sửa đổi Hiến pháp 1992 nhấn mạnh, đó là “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, tăng cường dân chủ trực tiếp của người dân trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền.
|
Thưa bà, quá trình dự thảo sửa đổi hiến pháp, đã có rất nhiều ý kiến đề nghị nên hiến định quyền của người dân được biểu quyết về Hiến pháp và những vấn đề hệ trọng của đất nước nhưng nội dung dự thảo đưa ra lấy ý kiến nhân dân lại chưa thấy tiếp thu kiến nghị này. Chúng ta còn e ngại điều gì trước khi muốn trao quyền dân chủ trực tiếp cho dân?
"So với cách đây hơn 60 năm, bây giờ trình độ dân trí, ý thức chính trị, ý thức công dân của chúng ta đã phát triển lên bước rất cao, không có lý gì chúng ta không tin là người dân biết sử dụng quyền làm chủ của mình một cách chính đáng, đúng đắn." |
Qua theo dõi các ý kiến thảo luận tại diễn đàn Quốc hội và qua các hội thảo, tọa đàm khoa học về sửa đổi Hiến pháp thời gian qua, tôi thấy có 2 luồng ý kiến khác nhau.
Ý kiến ủng hộ việc chưa quy định ngay trong Hiến pháp những vấn đề gì người dân được biểu quyết thông qua trưng cầu ý dân mà nên để Quốc hội quyết định sau.
Có lẽ ý kiến này xuất phát từ thực tiễn là chúng ta chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về nhận thức, về pháp lý cho việc tổ chức trưng cầu ý dân.
Bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới phức tạp hiện nay cũng dẫn tới sự e ngại về khả năng việc thực hiện quyền dân chủ này sẽ bị lạm dụng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các vị ĐBQH và các chuyên gia mà cá nhân tôi cũng chia sẻ thì cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp lần này là để thể chế hóa Cương lĩnh với một tầm nhìn dài hạn không phải chỉ 10 năm, 20 năm mà lâu hơn nữa.
Vì vậy, việc quy định quyền của nhân dân biểu quyết về Hiến pháp mà chúng ta đang dự liệu đưa vào trong Hiến pháp sửa đổi chưa phải là để thực hiện ngay lần này mà là để cho việc sửa đổi Hiến pháp lần sau, trong tương lai.
Chúng ta không nên quá e ngại về việc các thế hệ tương lai của chúng ta có biết thực hành dân chủ không. Sửa đổi Hiến pháp lần này là một cơ hội rất tốt để chúng ta làm những gì mà mấy chục năm qua chúng ta chưa làm được.
Nghĩa là cần phải hiến định ngay trong Hiến pháp sửa đổi lần này quyền biểu quyết của người dân về Hiến pháp cũng như các vấn đề hệ trọng của quốc gia, chứ không phải để Quốc hội thay dân quyết định?
Đúng vậy, cá nhân tôi luôn cho rằng đã đến lúc nhà nước thực hiện trách nhiệm tạo ra các công cụ pháp lý để người dân thực hành được quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của mình, đó là biểu quyết về nội dung Hiến pháp. Sau khi hiến định quyền biểu quyết của nhân dân về Hiến pháp, Quốc hội sẽ ban hành luật quy định về trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân.
Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử, cách đây hơn 60 năm, khi chúng ta tiến hành cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, có nhiều người e ngại can ngăn Cụ Hồ rằng dân chúng còn “dốt” (vì lúc đó trên 90% nhân dân của chúng ta chưa biết chữ), chưa biết dân chủ là gì, nếu để dân bỏ phiếu theo cách phổ thông đầu phiếu thì tổng tuyển cử sẽ thất bại.
Bạn đọc góp ý Toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các bản hiến pháp đã ban hành từ trước đến nay được đăng trên Thanh Niên Online tại địa chỉ: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130221/toan-van-du-thao-sua-doi-hien-phap-nam-1992.aspx. Mời bạn đọc theo dõi tại địa chỉ trên và đóng góp ý kiến sửa đổi thông qua hình thức phản hồi (phía cuối bài) hoặc gửi email tới địa chỉ toasoan@thanhnien.com.vn |
Thế nhưng Cụ Hồ đã khẳng định, dân chúng ta rất thông minh, họ sẽ biết cách dùng lá phiếu của mình, tổng tuyển cử nhất định thắng lợi, và thực sự là đã rất thắng lợi.
So với cách đây hơn 60 năm, bây giờ trình độ dân trí, ý thức chính trị, ý thức công dân của chúng ta đã phát triển lên bước rất cao, không có lý gì chúng ta không tin là người dân biết sử dụng quyền làm chủ của mình một cách chính đáng, đúng đắn.
Nếu chúng ta thực sự muốn có một bản Hiến pháp tốt, bản Hiến pháp với ý nghĩa đạo luật gốc phản ánh đầy đủ nhất ý chí và nguyện vọng của nhân dân thì bản Hiến pháp đó phải do người dân tự quyết định thông qua trưng cầu ý dân.
Nhưng Hiến pháp 1992 cũng từng quy định quyền biểu quyết của dân khi nhà nước trưng cầu dân ý và rồi mấy chục năm trôi qua giờ đó vẫn là quyền “treo”. Lần này nếu đưa vào Hiến pháp sửa đổi, cần quy định như thế nào để bảo đảm khả thi trên thực tế?
Để khắc phục tình trạng quyền “treo” như chị nói, nên quy định trong dự thảo Hiến pháp, ở điều 30 theo hướng “Công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp và các việc trọng đại của đất nước. Quy trình, thủ tục, thể thức trưng cầu ý dân do luật định”.
Theo đó, khoản 4 điều 124 cũng phải sửa lại theo hướng “Dự thảo Hiến pháp sau khi có ít nhất hai phần ba tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành sẽ được đưa ra để trưng cầu dân ý”.
Người dân muốn thực thi quyền biểu quyết một cách đúng đắn và nhà nước muốn tổ chức trưng cầu ý dân hiệu quả thì đều phải làm theo luật, đó là yêu cầu của nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng đến.
Theo Thanhnien