13 lần vượt cạn tại nhà
Hơn 40 tuổi nhưng nếp nhăn hằn rõ mồn một trên khuôn mặt hốc hác và đôi mắt luôn ẩn hiện sự lo toan cho cuộc sống của người đàn bà “đẻ như gà”. Sau gần 20 năm lập gia đình, chị Đặng Thị Hải đã có đến...13 đứa con.
Có mặt tại gia đình chị vào một chiều đầu năm, chị cũng vui hơn bởi đây là lúc con cháu tụ họp đông đủ. Hai đứa con gái lấy chồng tận Nam Định và Lạng Sơn đều bồng bế cháu ngoại về nên nhà…toàn con nít. Nhiều người làng xóm nói đùa rằng: "Nhà chị Hải lúc nào cũng như một nhà trẻ".
Khuôn mặt hốc hác, nếp nhăn hiện rõ trên khuôn mặt người đàn bà đông con.
Sinh năm 1970 tại một gia đình nghèo, 18 tuổi cha mẹ gả chồng rồi từ đó cuộc sống như một định mệnh đã đẩy đưa chị. Tâm sự với chúng tôi chị cho hay “khi mới lập gia đình, hai vợ chồng phải ra ngoài đê ở nhưng rồi chính quyền được cất một miếng đất trong làng”.
“Lạ lắm, tôi như phải hơi ông nhà tôi ấy, vào đụng ra đụng cái là có chửa ngay. Gần một năm sau khi hai vợ chồng về ở với nhau, tôi sinh đứa đầu tiên năm 1988. Rồi những năm sau đó cứ một năm lại đẻ sòn sòn liên tục 5 rồi sáu…”.
Nhà lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ chơi đùa.
Con chị Hải đang ẵm cháu ngoại vừa từ Nam Định lên.
Thấy gia đình chị đẻ nhiều mà chỉ cách nhau năm một họ hàng, làng xóm, chính quyền cũng khuyên bảo nhưng chị Hải bỏ ngoài tai. Và cứ thế, sau gần 20 năm kết hôn, chị có 13 người con.
Chia sẻ với chúng tôi, chị hồ hởi: “Nhờ trời những đứa trẻ tôi sinh ra mặc dù thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sự chăm sóc nhưng đứa nào đứa nấy đều khỏe mạnh, chẳng mấy khi bệnh tật cả”.
Nếu như nhiều người sắp vượt cạn phải lo đăng ký sinh nở tại bệnh viện này, bệnh viện kia và phải dưỡng thai cả mấy tháng trời. Nhưng chị Hải thì chửa vượt mặt vẫn phải lăn lưng chợ trên, chợ dưới, mò cua bắt ốc. Chị Hải nhớ lại: “Có lần đang chuẩn bị leo lên chiếc xe đạp đi chợ thì trở dạ, thế là chui tọt vào nhà đẻ ngon ơ”.
Càng bất ngờ hơn khi chị tiết lộ: “3 lần vượt cạn đều tại căn nhà này. Hầu hết tôi đều mượn hàng xóm hoặc y tá làng đỡ đẻ”.
Tương lại mờ mịt của những đứa trẻ
Cuộc sống của chị Hạnh đã vất vả lại càng thêm vất vả khi người chồng lại là một người “nát rượu”.“Ông ấy rượu chè suốt ngày, rượu vào thì chửi mắng, đánh vợ con nhưng ít năm nay ông ấy bị bệnh nên sức khỏe giảm sút thành ra cũng chẳng làm gì được nhiều”.
Do trong quá trình bảo quản sổ hộ khẩu và do rắc rối thời điểm Hà Đông sát nhập với Hà Nội nên chuyện làm lại sổ hộ khẩu và làm giấy khai sinh cho những đứa trẻ trở nên khó khăn. 13 đứa trẻ (đứa lớn nhất sinh năm 1988, đứa nhỏ nhất sinh năm 2011) đều không có giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân, buồn hơn là cả 3 đứa cháu nội ngoại của chị cũng chưa có giấy khai sinh.
Đứa trẻ này không biết mình bao tuổi, không được đi học chỉ ở nhà trông em, phụ giúp các công việc ở đầm ao. |
Chị nghẹn ngào:“Dù nhà nghèo nhưng chuyện làm giấy khai sinh để các cháu đến trường thì gia đình tôi rất khát khao. Có lần cháu đủ tuổi lên cấp 1 nhưng khi dắt cháu đến trường, thầy cô giáo nhất quyết không cho cháu học”. Cũng chính vì điều này mà những đứa con của chị Hải được đến trường trở nên khá hiếm hoi. Hiện tại chỉ có 4 đứa con thứ 7, 8, 9, 10 đang học cấp 1 đến cấp 2.
Cháu Sáng sinh năm 2008 không được đến trường như nhiều anh chị em khác trong nhà. |
Chính vì điều này mà những đứa con của chị rất khát khao được đến trường, những đứa được đến trường học chữ thì về dạy lại cho những đứa chưa biết chữ. Những gười con của chị Hải trưởng thành phải bươm chải khắp nơi và kiếm sống bằng những nghề bốc vác thuê, người thì làm gạch, người thì phụ giúp gia đình chăm ao cá, đàn lợn…
Nét lo toan không giấu nỗi trên khuôn mặt chị Hải.
Khi được hỏi về việc chị có sinh nữa không thì chị cười, một nụ cười đượm buồn: “Trời cho thì cứ nhận thôi”. Chia tay chị, chúng tôi không khỏi ám ảnh bởi ánh mắt đượm, khuôn mặt thất thần chứa chất nỗi lo toan cho những ngày tháng tiếp theo…
Theo TTVN