Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), tại nhiều địa phương số con trung bình của các cặp vợ chồng đã giảm thấp dưới mức mong đợi. Nếu 50 năm qua chúng ta tập trung vận động mỗi gia đình chỉ có 2 con và đích của chương trình DS-KHHGĐ là trung bình cả nước sẽ đạt mục tiêu 2,1 con/cặp vợ chồng, thì nhiều gia đình hiện đang lựa chọn sinh một con, hoặc trì hoãn việc sinh con lần đầu.
“Sinh ít con với mong muốn tập trung nguồn lực để chất lượng sống được tốt nhất đang là lựa chọn của nhiều gia đình trẻ”, ông Trọng nhận định.
Gia đình anh chị Phương Cao (ở khu Linh Đàm, Hà Nội) có con 7 tuổi đã ra “tối hậu thư” với ông bà hai bên: “Chúng con tự quyết định số con chứ không nhất thiết cứ phải đủ nếp tẻ”.
Các nghiên cứu cho thấy xu hướng giảm sinh rõ nhất là ở các tỉnh Đông Nam bộ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Chị Phương Cao hiện đang điều hành một công ty truyền thông tại Hà Nội, chia sẻ: “Bố mẹ tôi có hai con gái đều ngoan ngoãn, chăm lo cho bố mẹ chu đáo.Mặc dù bố mẹ tôi quê vùng biển khá nặng nề về việc sinh con trai nhưng vẫn quyết tâm không đẻ cố. Chúng tôi bây giờ phải tiến bộ hơn nữa, chỉ sinh một con để dành mọi điều kiện cho con và cho bản thân mình”.
Những năm gần đây, Tết cổ truyền anh chị cùng con và bố mẹ lại đi du lịch nước ngoài để nghỉ ngơi sau một năm lao động.
Theo ông Trọng, yếu tố kinh tế xã hội ảnh hưởng nhiều đến lựa chọn số con. Thường xã hội càng phát triển thì quy mô gia đình càng ít con. Một số vợ chồng sinh nhiều con vì vẫn còn nặng nề quan niệm có nhiều con để nương tựa tuổi già. Tuy nhiên nhìn chung thì phụ nữ có học vấn cao, phụ nữ hiện đại có xu hướng lựa chọn sinh ít con.
Xu hướng giảm sinh rõ nét nhất tại các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam bộ. Tại đây, số con trung bình thấp, từ 1,6-1,9 con. Riêng tại TP.HCM số con trung bình/cặp vợ chồng hiện chỉ 1,3 con, giảm liên tục trong các năm gần đây (năm 2009, số con trung bình là 1,9).
“Xu hướng ít con có tương quan với nếp sống. Đồng bằng sông Hồng mang đậm nét văn hóa phương Đông, nhiều nơi vẫn nặng nề với mô hình gia đình nhiều con và con trai nối dõi, do đó mức giảm sinh của khu vực này không bền vững. Còn tại ĐBSCL nguy cơ tăng sinh đã giảm và tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai cao hơn trẻ gái) cũng không tăng cao như nhiều tỉnh phía bắc”, ông Trọng nhận xét.
Cũng theo ông Trọng, càng nghèo càng “cổ điển” thì các ông bố, bà mẹ lại càng nghĩ nhiều đến “trách nhiệm của các con với cha mẹ”. Còn với nhiều cha mẹ hiện đại, thay vì mong muốn sinh nhiều con để nương tựa tuổi già họ lại nghĩ nhiều hơn đến chất lượng sống cho bản thân, nghĩ đến chất lượng cao hơn cho nuôi dạy, chăm lo con cái. Họ lựa chọn ít con là để nhắm đến đích nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo Thanhnien