Trong lúc vụ nguyên bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Hồ Xuân Mãn bị tố khai gian để được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân đang được Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Tỉnh ủy tiến hành làm rõ thì khi tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động, rất nhiều người từng là cán bộ lãnh đạo ở xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định ông Mãn gian dối.
Có tham gia 2 trận đánh
Ông Thái Bình Dương (66 tuổi), nguyên bí thư Đảng ủy xã Phong An từ năm 1968-1969, chánh Văn phòng Huyện ủy Phong Điền từ năm 1970-1975, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phú Hòa - TP Huế, cho biết ông và ông Hồ Xuân Mãn là người cùng quê ở thôn Phò Ninh, xã Phong An, nhà gần nhau và đã cùng sống, chiến đấu với nhau nhiều năm trong chiến tranh nên ông biết rất rõ về ông Mãn.
“Tháng 5-1965, tôi là bí thư xã đoàn Phong An. Lúc này, ông Hồ Xuân Mãn đang ở nhà đi học, đến năm 1967 mới thoát ly theo kháng chiến” - ông Dương kể và khẳng định từ tháng 2/1968 đến tháng 9/1969, ông là bí thư Đảng ủy, chính trị viên xã đội Phong An nên biết rất rõ trong thời gian này có những trận đánh nào xảy ra trên địa bàn và không thấy ông Mãn tham gia kháng chiến tại xã Phong An. Trong thời gian này, vì chưa phải là đảng viên nên ông Mãn không thể được giao chức vụ xã đội trưởng Phong An.
Rất nhiều người từng là lãnh đạo xã Phong An trong thời chiến tranh tố cáo rằng ông Hồ Xuân Mãn đã khai man thành tích |
Theo ông Dương, sau khi thoát ly lên rừng kháng chiến, ông Mãn được đưa ra Bắc học tập, công tác đến đầu năm 1971 mới về lại xã Phong An chiến đấu. Sau thời gian làm cần vụ cho bí thư Huyện ủy Phong Điền, ông Mãn trở lại Huyện đội Phong Điền và sau đó được điều trở lại xã Phong An tăng cường chiến đấu.
“Ông Mãn gan dạ, dũng cảm; ngoài ra chẳng có đặc điểm nổi bật, thành tích nào đáng để nhớ” - ông Dương nhận xét và nói ghi nhận có 2 trận đánh có ông Mãn tham gia.
Trận đầu tiên diễn ra vào năm 1972, ở đám giỗ tại nhà ông Hồ Sưa, diệt được tên ấp trưởng Hoàng Sớm. Huyện ủy Phong Điền lúc đó đã nghiêm khắc phê bình và đánh giá đây là một trận đánh ảnh hưởng không tốt về chính trị, dân vận vì thiếu thận trọng, gây tổn thất dân thường và 2 cơ sở của ta.
Trận thứ hai vào tháng 12/1974, diệt tên Le là trung đội trưởng địa phương quân. Trận này có 3 người tham gia, do Trần Văn Minh làm đội trưởng, ông Mãn là đội phó và chỉ diệt được 11 tên chứ không phải 27 tên.
Không tham gia diệt chuyên gia quật hầm
Ông Hoàng Phước Sum, nguyên phó Ban An ninh huyện Phong Điền từ năm 1970-1975, kể: Cuối tháng 8/1969, ông ra Quảng Bình học lớp an ninh do Bộ Công an tổ chức. Ông Sum học lớp C8, còn ông Mãn học lớp C4. Đến khoảng đầu năm 1971, ông Mãn hồi hương, tham gia kháng chiến.
Ông Tạ Hồng Quang, nguyên du kích xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, khẳng định việc tiêu diệt Nguyễn Công Đảng (chuyên gia quật hầm) mà ông Mãn cho rằng mình là người có công thì do chính ông cùng ông Phạm Dương và ông Trương Văn Thành (đã hy sinh) thực hiện.
“Khi đó, 3 chúng tôi xuống hầm trú ẩn sau khi gài mìn quanh. Tên Đảng cùng 3 tên lính khác khi đi lùng sục dấu vết Việt cộng đã bị trúng mìn nên chết tại chỗ. Nghe mìn nổ, chúng tôi mở nắp hầm lên và lấy được bảng tên của Đảng còn dính ở tay áo”.
Quy trình đều đúng và đầy đủ hồ sơ Ngày 21/3, đại tá Nguyễn Việt Dũng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đơn vị này đã rà soát lại các quy trình mà đơn vị đã xác nhận trước khi hồ sơ của ông Hồ Xuân Mãn gửi lên cấp trên đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Toàn bộ quy trình đều đúng và đầy đủ hồ sơ với các huân, huy chương, bằng khen và chữ ký xác nhận của những cán bộ từng tham gia chiến đấu. Cũng theo ông Dũng, hiện đơn vị chưa nhận được văn bản của Bộ Quốc phòng yêu cầu báo cáo sự việc. |
Theo NLĐ