Chủ tịch Quốc hội: Bộ trưởng có làm dân yên tâm hơn về giáo dục không?

Thứ bảy, 23/03/2013, 09:54
Chiều 22/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi trả lời chất vấn tại phiên họp 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các nội dung trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xoay quanh những vấn đề: đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; làm thế nào để khắc phục tình trạng “dạy thêm, học thêm” và “bệnh thành tích”; giải pháp khắc phục tình hình sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, làm trái chuyên ngành đào tạo; chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu; vấn đề chính sách cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập...

Chưa yên tâm về chất lượng giáo dục

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đại diện đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh hỏi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Hiện nay nước ta hội nhập quốc tế, đồng bào ở nước ngoài ngày một tăng, nhưng tình trạng mù chữ, không biết nói, không biết viết Tiếng Việt rất phổ biến và nghiêm trọng.

Tình trạng này rất đáng lo lắng. Chúng ta thường nói rất hay là: Hội nhập văn hóa nhưng thực chất việc không biết tiếng Việt ngày một phổ biến. Bộ trưởng cho biết: Có chấm dứt được tình trạng này hay không? Đến mấy đời Bộ trưởng thì có thể làm được? Và làm bằng cách nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về vấn đề viết, nói và hiểu tiếng Việt ở nước ngoài xin được trả lời như sau: Chúng ta đã có đề án dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, đề án này được thực hiện với quy mô số tiền là 50 tỷ, được triển khai trong vòng 5 năm, đến nay đã kết thúc. Trước hết xin đề nghị Chủ tịch Quốc hội quan tâm để triển khai đề án tiếp theo.

Trong đề án đã có chương trình sách dạy cho giáo viên và sách cho học sinh được dạy trên sóng phát thanh, truyền hình VTV4 và sẽ triển khai trên mạng.

Với một số nước ở gần Việt Nam như Thái Lan, Lào, Campuchia đã có biện pháp đưa giáo viên dạy tiếng Việt về Việt Nam để thăm đất nước, con người, tập huấn. Với các nước khác thì chưa triển khai được. Bộ Giáo dục, Bộ Ngoại giao và các Bộ thông tin truyền thông, các ngành khác đã phối hợp với nhau, chờ để triển khai đề án tiếp.

SGK

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời ĐBQH.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:Bộ trưởng hãy trả lời rõ: Bộ trưởng có quyết tâm làm cho đồng bào nước ngoài nói được tiếng Việt không?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đề án dạy tiếng Việt cho học sinh nước ngoài còn phụ thuộc vào môi trường sống, chúng ta đã và sẽ tích cực bằng truyền thông đưa chương trình đến các cháu địa phương trên các nước.

Tuy nhiên, để khẳng định các thế hệ thứ 3, thứ 4 người Việt ở nước ngoài biết Tiếng Việt thì rất khó. Bởi những người lãnh đạo đều ngồi tại Hà Nội còn để triển khai công việc này ở nước ngoài. Bộ sẽ cố gắng có phương án dựa vào lực lượng người Việt ở nước ngoài để triển khai công việc này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Hiện tại, đồng bào ta, nhân dân ta chưa yên tâm về chất lượng giáo dục đào tạo. Vậy từ nay đến hết năm 2016, hết nhiệm kỳ, Bộ trưởng hãy cho biết chất lượng giáo dục hàng năm có chuyển biến tích cực hơn không? Đồng bào ta và bản thân bộ trưởng có yên tâm hơn không? Chung quy lại, đến bao giờ chúng ta có nền một nền giáo dục yên tâm?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về vấn đề chuyển biến chất lượng trong giáo dục, ý thức được trách nhiệm của mình tôi xin hứa với Chủ tịch, hứa với Quốc hội sẽ mang hết trí tuệ, quyết tâm để cùng toàn ngành, toàn dân triển khai đổi mới căn bản và toàn diện trong ngành giáo dục đào tạo.

Tôi hi vọng giáo dục đào tạo sẽ từng bước chuyển biến tích cực. Về chất lượng giáo dục đại học không chờ có nghị quyết của Trung ương, những vấn đề gì đã rõ của Nghị quyết Trung ương 2, Nghị quyết Trung ương 4 đã từng bước triển khai và có chuyển biến. Về giáo dục phổ thông thì tích cực chuẩn bị chương trình mới sau năm 2015.

"Sẽ kiểm điểm hiệu trưởng và xử lý nghiêm túc" vụ NXB Sư phạm in sách có cờ Trung Quốc

Đại biểu Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Lâu nay dư luận có nhiều băn khoăn sách giáo khoa, sách tham khảo in cờ Trung Quốc, thậm chí có sách không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vậy Bộ trưởng hãy cho biết, trách nhiệm thuộc về ai, cần giải pháp thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về vấn đề SGK, sách tài liệu tham khảo liên quan đến cờ Trung Quốc, trong đó có NXB Sư phạm, thuộc Trường ĐH Sư Phạm do Bộ Giáo dục quản lý. Còn lại một số cuốn sách khác không thuộc hệ thống của Bộ Giáo dục.

Bộ Giáo dục cùng Bộ Văn hóa thông tin sẽ có trách nhiệm liên quan đến sách giáo dục, có trách nhiệm quản lý sách lưu thông trong nhà trường. Hay gọi theo cách khác là dựng hàng rào kỹ thuật ngăn chặn những ấn phẩm sai phạm. 5 năm trước Bộ đã có văn bản gửi các NXB, hiện tại Bộ đang xây dựng văn bản mới.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh): Sách giáo khoa cho trẻ em có nhiều loại sách chúng ta không có khả năng soạn thảo thì phải dịch cho trẻ em. Những loại sách “vi phạm chủ quyền” ấy phải chăng chúng ta không soạn thảo được mà phải dịch nguyên si? Bộ Giáo dục rà soát như thế nào để chúng ta không phải nhập sách “đánh vần” của nước ngoài?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Việc dịch sách tốt vẫn là việc chúng ta khuyến khích. Việc biên soạn sách cho các cháu mầm non, tiểu học không phải do thiếu hay không viết được mới phải nhập.

Việc có những cuốn sách vi phạm không nằm trong phạm vi Bô Giáo dục. Bộ giáo dục không quản được do Luật Xuất bản. Hiện nay vẫn còn nhiều sách trôi nổi trên thị trường. Với Bộ Giáo dục, đã có danh mục quy định cụ thể, đầy đủ sách được sử dụng và không sử dụng.

Về giải pháp: Bộ Giáo dục cùng Bộ Thông tin Truyền thông sẽ có thông tư mới để “quét” hết những cuốn sách vi phạm, dựng “hàng rào kỹ thuật” để những cuốn sách sai sót không xâm nhập vào nhà trường. Những cuốn sách vi phạm hiện Bộ đã có công văn tới nhà trường thu hồi, không sử dụng. Về việc NXB Sư phạm in cờ Trung Quốc, Bộ đã yêu cầu hiệu trưởng kiểm điểm, xử lý nghiêm túc.

Không khuyến khích học thêm để đỗ ĐH

Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam): Sinh viên hiện nay thiếu kỹ năng thực hành do việc thực tập không đảm bảo. Việc quản lý sinh viên trong quá trình thực tập của nhà trường, doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Vì doanh nghiệp ngại nhận sinh viên, trường đại học lại không quản lý được, đa số ở tình trạng “đánh trống ghi danh”, xin số liệu để làm báo cáo. Về vấn đề này xin hỏi Bộ trưởng trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về việc thực tập chưa được chú ý, có nơi bị xao nhãng chất lượng. Nhà trường chưa coi trọng kỹ năng thực hành, chưa chủ động quản lý việc thực tập ngoài nhà trường. Những khó khăn bên ngoài như: Doanh nghiệp chưa có trách nhiệm, chỉ nhận do quen biết, chứ không có quy định doanh nghiệp nhận sinh viên về thực tập dẫn đến tình trạng sinh viên không được làm công việc thực tế mà quan sát rồi lấy số liệu.

Bộ chưa có kinh nghiệm trong việc thiết lập hành lang pháp lý để quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ta đã trao đổi hiệp hội doanh nghiệp tại Đức ở Việt Nam ký thỏa thuận với Bộ Thương binh và Xã hội cùng 160 doanh nghiệp của Đức sẽ hỗ trợ kinh phí, giáo viên thực tế để kèm cặp sinh viên. Ta kiến nghị ưu đãi cho các doanh nghiệp. Từ đó, sẽ xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng hành lang pháp lý, quy định sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Đại biểu Bình Định: Tuyệt đối hóa vai trò bằng cấp để thừa thầy thiếu thợ nhiều? Đối với 30 địa phương chưa ban hành quy định quản lý dạy thêm, học thêm thì Bộ có biện pháp quản lý như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Một trong những lý do học giả bằng thật là quá coi trọng bằng cấp. Bên cạnh đó, điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đáp ứng như số lượng phòng học tạm, học nhờ, học 3 ca không ít, nhiều trường nhà công vụ chưa có, nhiều cô giáo ở trong những túp lều tạm.

Đối với 30 địa phương chưa ban hành quy định về dạy thêm học thêm nhưng các Sở Giáo dục đã triển khai. Vấn đề chống dạy thêm tràn lan là do tác động của kinh tế thị trường. Bộ Giáo dục đang lắng nghe và sẽ làm việc với từng địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh): Chương trình học, thi cử của nước ta hiện nay do chương trình nặng nên dạy thêm học thêm phát sinh. Theo các giáo viên, nếu chỉ học trong chương trình thì không thi đại học được, muốn thi thì phải học thêm. Nếu chỉ giảm dạy thêm học thêm mà không thay đổi thi cử thì sẽ bất công với học sinh không học thêm? Bộ trưởng có giải pháp như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về tổ chức thi đại học sẽ ở đề án sắp tới, hiện đang tích cực đổi mới, nghiên cứu. Hiện nay việc thi tuyển sinh đã có thay đổi, đề thi không nằm ngoài chương trình, không bắt học thêm.

Những năm vừa qua, số lượng học sinh nông thôn, miền núi tăng nhiều so với học sinh thành phố hơn các năm trước. Năm, 2012 đã có học sinh Sơn La đỗ HSG quốc gia, đạt huy chương vàng quốc tế, điều từ trước đến nay chưa có từng có. Không khuyến khích học thêm để đỗ đại học.

Chống tiêu cực bằng thanh tra, kiểm tra

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Sau kỳ thi tốt nghiệp 2012, Bộ đã tiến hành chấm thanh tra hơn 17.000 bài ở 16 tỉnh qua đó sai sót tỷ lệ % ra sao? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc chống tiêu cực, bệnh thành tích như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đã có văn bản gửi cho chủ tịch và bí thư gửi cho 16 tỉnh nói cụ thể tình hình chấm thi, coi thi chưa đúng ở đâu, chấm thi chưa đúng tại sao. Đồng thời cũng có văn bản nói tình hình chung cho các Sở còn lại.

Với giáo dục không nên làm nóng làm gì, làm giáo dục mà nóng thì sẽ không làm được, mà phải làm nghiêm túc. Việc thanh tra sẽ làm đúng kỳ và công bố rộng rãi. Bản thân cán bộ coi thi, chấm thi cần có cơ chế giám sát: “Sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật”.

Sau sự việc ở Đồi Ngô, phải có quy chế giám sát. Năm nay cho phép các hội đồng thi chấm thẩm tra, Sở và Bộ chấm thanh tra. Nếu trước kia là “hộp đệm bí mật” thì năm nay sẽ thanh tra, kiểm tra hạn chế gian dối, tiêu cực.

Hạn chế đưa tin về bạo lực học đường

Đại biểu Uông Chu Lưu (Thanh Hóa): Đạo đức học đường ngày nay đang xuống cấp. Vậy trách nhiệm của Bộ Giáo dục và giải pháp như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về vấn đề đạo đức học đường đòi hỏi phải phối hợp đồng bộ, có mối quan hệ giữa xã hội, nhà trường, gia đình. Sự thật là chúng ta mới coi trọng dạy mặt chữ, chưa coi trọng đúng mức dạy nghề, dạy người. Cần điều chỉnh qua dạy nghề, dạy người để xây dựng con người.

Cần đổi mới môn học như giáo dục thể chất và các môn khác để hình thành nhân cách cho học sinh, xây dựng mạnh mẽ “trường học thân thiện, hs tích cực”. Cần làm việc với phương tiện truyền thông, đề nghị chú ý đưa tin, phim ảnh về những vấn đề bạo lực học đường.

Đai biểu Lê Đắc Tâm (Bình Thuận): Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tham mưu Chính phủ thay đổi nghị định 54, mở rộng trợ cấp thâm niên cho giáo viên nghỉ hưu như thế nào? Cần trợ cấp cho giáo viên không được hưởng trợ cấp như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Do cán bộ quản lý giáo dục hưởng phụ cấp công chức chứ không hưởng phụ cấp thâm niên giáo dục, chính phủ đã họp nhưng không thể bước qua luật. Trợ cấp thâm niêm đã cho bảo lưu các cán bộ giáo dục phụ cấp giáo dục trong 3 năm, các cán bộ trong phòng, sở vẫn đang được hưởng.

Việc cải cách tiền lương đang thực hiện, khi có cơ chế tiền lương mới, những bức xúc, vướng mắc sẽ được giải quyết. Việc trợ cấp cho nhà giáo nghỉ hưu vẫn còn vướng mức phụ cấp. Hội cựu giáo chức đề nghị > 10% (quyết định của Bộ), đã gửi văn bản cho thẩm định các Bộ ngành.

Theo GDVN

Các tin cũ hơn