Được xây dựng hiện đại ngay tại trung tâm xã với diện tích 3.500m2, quy mô 5 dãy với gần 30 gian hàng các loại. Chợ xây dựng nhằm mục đích làm nơi trao đổi buôn bán các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu dân sinh, nhất là các sản vật có tại địa phương cho người dân. Đặc biệt, cũng là nơi buôn bán các loại gia súc, gia cầm để tránh các dịch bệnh lây lan.
Chợ được xây dựng hơn 1,5 tỷ đồng nhưng đã bỏ hoang hơn gần 5 năm nay. |
Hiện tại chỉ một vài hộ buôn bán lẻ tẻ ở đây mà chủ yếu là bán gà, vịt. Còn lại tất cả các ki ốt đều bị bỏ hoang, nhiều nơi đã bị xuống cấp. Người dân sống xung quanh tận dụng các dãy nhà của chợ làm nơi phơi quần áo và để các loại máy móc.
Bà Hoàng Thị Xoan, một tiểu thương ở chợ Quảng Phước thở dài: “Tưởng xây chợ rồi thì có nơi làm ăn buôn bán, ai ngờ được mấy hôm chẳng có ai đến mua nên đành nghỉ”.
Theo người dân ở đây cho biết thì nguyên nhân chính là do khi xây chợ các cấp chính quyền không khảo sát vị trí thích hợp để xây chợ. Thực tế là việc chợ Quảng Phước được xây dựng nằm quá gần với Trung tâm thương mại huyện Quảng Điền, cách nhau chưa đầy 1km.Ở đây hàng hóa dồi dào lại nằm ở trung tâm thị trấn nên người dân thường đến đây để mua sắm và trao đổi hàng hóa.
Người dân sống xung quanh tận dụng làm nơi phơi quần áo. |
Ngoài ra, trên dọc các tuyến đường xung quanh chợ xuất hiện nhiều quán cóc bán đầy đủ các mặt hàng thiết yếu từ rau, cá, thịt đến quần áo… nên người dân hay ghé qua các quán này mua mà không muốn vào chợ.
Theo tìm hiểu, Trung tâm thương mại huyện Quảng Điền đã đi vào hoạt động hàng chục năm qua, trong khi đó chợ Quảng Phước mới xây dựng được gần 5 năm. Điều này chứng tỏ dù biết việc xây chợ gần với Trung tâm thương mại huyện Quảng Điền sẽ không mang lại hiệu quả, thế nhưng chính quyền địa phương vẫn nhắm mắt làm ngơ quyết định cho xây chợ.
Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương trước khi xây chợ không khảo sát kỹ càng, không hỏi ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân. Chợ thì được xây hoành tráng mà dân thì phải đi chỗ khác làm ăn buôn bán, có chợ mà cũng như không.
Trao đổi về vấn đề, này ông Lê Đức Ưa, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước cho biết: Vào năm 2008, trước lúc bắt đầu triển khai xây chợ, xã cử người đi khảo sát địa hình để tìm kiếm nơi thích hợp để xây chợ. Nhưng vì ở đây đất trũng đến mùa mưa thường xảy ra tình trạng ngập nước, hơn nữa người dân ở đây sống tập trung thành một vùng không có sự chia tách nên việc chọn xây dựng chợ trên thôn Khuôn Phò Đông là hợp lý nhất.
“Trước mắt để giải quyết vấn đề này thì UBND xã sẽ vận động người dân và các tiểu thương quay trở lại buôn bán. Còn về lâu dài nếu tình hình vẫn không cải thiện thì xã sẽ làm đơn lên xin huyện cho phép chuyển đổi chợ Quảng Phước thành nơi chủ yếu buôn bán gia súc, gia cầm...” ông Ưa đưa hướng giải quyết.
Thực tế, những quầy bán gia súc gia cầm cũng chỉ đang buôn bán èo uột, nay bán mai nghỉ. Bởi vậy, chuyện xây chợ rồi bỏ hoang vẫn là câu chuyện được bàn tán ở vùng quê này.
Theo Kienthuc