Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979: Đã đủ độ chín để viết rõ trong SGK

Thứ sáu, 22/02/2013, 16:17
GS.TS, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Thanh Bình, khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định như vậy về việc đưa cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 vào sách giáo khoa (SGK) mới.
GS.TS, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Thanh Bình

Nhận định về tầm quan trọng của cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 cần phải được đưa vào SGK mới, GS.TS Đỗ Thanh Bình (ảnh) cho biết: “Cuộc chiến bảo vệ biên giới nay đã được hơn 30 năm, đã đủ chín muồi để đưa vào SGK dạy cho học trò biết. Việc đưa vấn đề này vào sách là rất bình thường vì đó là sự thật lịch sử.
Người Trung Quốc có những chuyện không thật mà họ vẫn đưa vào SGK như vấn đề biển Đông, họ đưa vào bản đồ, vào quả địa cầu cho học sinh học. Huống gì đây là sự thật mà ta lại không đưa vào SGK. Ta không dựng nên chuyện, đó là sự thật”.

- Như GS đã nói, thời gian cuộc chiến này đã đủ độ chín để đưa vào SGK. Vậy với thời điểm hiện nay, đưa chiến tranh biên giới vào SGK thì có ý nghĩa thế nào?

Nếu tính đến 2015 ra SGK mới thì lúc đó sự kiện này cũng đã được gần 40 năm. Đây là việc làm cần thiết đúng lịch sử, khách quan. Ta không thể quên sự kiện này được. Người Trung Quốc họ viết nhiều cuốn sách dày công khai về chiến tranh Việt Nam. Vậy tại sao ta không đưa cụ thể sự kiện này vào SGK để mọi người hiểu rõ hơn cuộc chiến tranh đó, giống như trước đây ta đã đưa thời phong kiến phương Bắc vào sách.
 
Vậy nên việc đưa sự kiện vào sách giáo khoa là chuyện bình thường để giáo dục cho thế hệ trẻ nếu không họ sẽ quên mất chúng ta chỉ có đánh Pháp, đánh Mỹ mà vấn đề bảo vệ biên giới, bảo vệ Tổ quốc nhất là thời điểm hiện nay vấn đề biển đảo đang nhạy cảm. Do vậy, cần phải đưa vào.

Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 đã có rất nhiều người hy sinh như liệt sĩ Lê Đình Chinh. Hàng năm, kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đều nói nhiều đến các thương binh liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ nhưng các thương binh, liệt sĩ chiến tranh biên giới không nhắc tới. Chúng tôi những người dạy lịch sử rất lăn tăn. Do vậy, SGK mới cần đưa sự kiện này vào.

- Có ý kiến e ngại rằng nếu đưa cuộc chiến này vào SGK sẽ gây mất đoàn kết giữa hai nước láng giềng?

Chúng ta không sợ mất đoàn kết vì đây chỉ là một bộ phận người dân Trung Quốc gây chiến tranh chứ không phải tất cả nhân dân Trung Quốc làm giống như chiến tranh chống Mỹ trước đây chỉ một bộ phận gây ra chứ không phải cả nhân dân Mỹ. Chính nhân dân Mỹ cũng phản đối cuộc chiến tranh này.

- Sách lịch sử hiện nay cũng đã nêu đến sự kiện cuộc chiến biên giới nhưng còn sơ sài, ngắn gọn. Theo GS nếu đưa sự kiện này vào sách thì sẽ đưa thế nào?

Sách giáo khoa viết cách đây gần 10 năm ta đưa vào mức độ như vậy là vừa nhưng nay cần thay đổi.

Đây là sự kiện lớn nên cần đưa vào một mục lớn trong SGK để kỹ càng hơn. Tôi thấy sách giáo khoa lịch sử chúng ta hiện nay viết khiêm tốn về vấn đề này như sách nâng cao viết 13 dòng, SGK đại trà chỉ đưa gần 10 dòng và chỉ nêu sự kiện chính nhưng chưa mô tả mức độ tàn phá của chiến tranh đó. Cuộc chiến tranh mà Trung Quốc huy động 32 sư đoàn sang đánh 6 tỉnh biên giới phía Bắc.
 
Cuộc chiến đã tàn phá đất nước ta như thế nào? Hậu quả thế nào? Tại sao họ lại đưa quân sang đánh nước ta? Nhân dân ta dũng cảm chiến đấu thế nào? Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân và trả lời tại sao để học sinh hiểu bản chất của vấn đề. Người viết phải làm thế nào để tường thuật khách quan sự kiện và hấp dẫn người học.

Tôi biết sau 2015 sẽ có SGK mới. Tôi đề nghị cũng khó bổ sung ngay được nhưng nếu đưa vào thì từng mức độ khác nhau ở mỗi bậc học. Lớp 9 thì nội dung cấp độ này, lớp 12 thì cấp độ cao hơn, đưa kỹ hơn, sâu sắc hơn

- Vấn đề sách giáo khoa lịch sử người học cho rằng quá nặng và khô khan. Vậy đưa thêm vấn đề này vào nếu không khéo sẽ tiếp tục gây quá tải cho học sinh học, GS nghĩ thế nào ?

Đã là lịch sử phải có sự kiện, sự kiện phải có số liệu. Nếu viết lịch sử mà không có số liệu, không có sự kiện thì nó là chính trị. Lịch sử phải có ngày tháng, mô tả, tường thuật sự kiện. Để viết lịch sử hấp dẫn người học, đó là cái tài của người viết sách.

- Xin trân trọng cảm ơn GS!
 

GS Đinh Xuân Lâm, Hội Lịch sử Việt Nam: “Tôi rất tán đồng đưa cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 vào sách giáo khoa vì đây là vấn đề quan trọng đứng về mặt lịch sử để khẳng định thực tế, để học sinh hiểu rõ lịch sử, tránh nghe những thông tin xuyên tạc. Tuy nhiên, lượng kiến thức đưa vào không cần nhiều, trình bày vừa phải, khách quan. Hội Sử học sẽ phối hợp với Bộ GD-DT để đổi mới về lịch sử trong sách giáo khoa”.


Theo Dantri-infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn