Suy nghĩ của một cựu phiến quân đào tẩu khỏi IS

Thứ ba, 23/09/2014, 14:09
“Khi những người phương Tây gia nhập vào Nhà nước Hồi giáo (IS), họ coi đồng bào trên quê hương là những kẻ ngoại đạo”, một cựu chiến binh vừa rời khỏi IS tiết lộ.
“Khi những người phương Tây gia nhập vào Nhà nước Hồi giáo (IS), họ coi quê hương mình là những kẻ ngoại đạo”. Ảnh: Veooz

Nhiều người phương Tây đã gia nhập Nhà nước Hồi giáo (IS). Ảnh: Veooz

Đối với thế giới, IS là lực lượng nổi dậy tàn bạo chuyên khủng bố dân thường và mở rộng các luật lệ Hồi giáo. Tuy nhiên, tâm lý của một người vừa đào tẩu khỏi IS phức tạp hơn nhiều.

“Các nhà lãnh đạo của IS nói với những thành viên mới rằng mục đích chính và chủ yếu của họ là thiết lập một Nhà nước Hồi giáo ở thế giới Arab, sau đó tiến đến các nước khác”, cựu chiến binh IS nói với CNN tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Người đàn ông nói chuyện với CNN từng ở Raqqa, một căn cứ của IS ở Bắc Syria. Cũng như các thành phố khác ở Syria và Iraq, Raqqa đang chịu sự giày xéo của chiến binh IS, những kẻ sẵn sàng đối xử tàn bạo với những người không tuân theo những quy định hà khắc của họ. Các vụ đóng đinh và xử tử công khai diễn ra hàng ngày. Phiến quân đánh dã man những phụ nữ không mang khăn trùm. Chúng cũng đánh hoặc bắt những người mở cửa hàng trong giờ cầu nguyện.

Người thanh niên 20 tuổi rời bỏ IS vì trong suy nghĩ của anh ta, IS đang “gây ra tình trạng bất công dưới cái tên công lý”. Tuy nhiên, anh vẫn tán thành tư tưởng áp đặt tôn giáo vào cuộc sống hàng ngày, kể cả giáo dục, của IS.

“Họ cấm triết học vì cho rằng đó là môn báng bổ. Họ cũng cấm các hình thức tiêu khiển khác như âm nhạc, thể thao. Những môn đó đều bị loại ra khỏi chương trình học”, anh ta kể.

Mối đe dọa về một Nhà nước Hồi giáo lan rộng

Các nước bắt đầu cảm thấy lo ngại khi số lượng người nước ngoài tham gia IS tăng dần. Theo ước tính, hàng nghìn người nước ngoài đã gia nhập IS. Các cựu binh IS cho biết, những người đó có thể trở về và thực hiện các cuộc tấn công tại nước nhà dù hiện tại, họ có thể gặp khó khăn bởi các biện pháp an ninh.

Các vụ đóng đinh và xử tử công khai diễn ra hàng ngày. Ảnh: Huffingtonpost

Các vụ đóng đinh và xử tử công khai diễn ra hàng ngày trong những khu vực mà IS kiểm soát. Ảnh: Huffingtonpost

“Khi người phương Tây tham gia IS, họ coi quê hương là xứ sở ngoại đạo. Nếu có cơ hội, họ sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công”, cựu chiến binh nói.

Ngày 1/9, chính phủ Anh ban bố tình trạng báo động cao về nguy cơ khủng bố. Thủ tướng David Cameron đề xuất việc cấm những người từng tham gia vào hàng ngũ thánh chiến ở nước ngoài về nước.

Mỹ cũng đưa ra lời cảnh báo về IS sau khi Douglas McAuthur McCain, một công dân 33 tuổi, trở thành người Mỹ đầu tiên chết vì chiến đấu cho IS. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, IS “không chỉ là một nhóm khủng bố”.

“Họ có ý thức hệ, một sức mạnh quân sự với chiến thuật và chiến lược tinh tế. Thực tế ấy chưa từng xuất hiện trong lịch sử và chúng ta phải luôn sẵn sàng”, ông nói.

Rất có thể IS muốn thể hiện sức ảnh hưởng trên toàn cầu khi đưa một chiến binh nói giọng Anh vào video hành quyết nhà báo Mỹ James Foley. Hình ảnh của tên đó có thể truyền cảm hứng cho nhiều người nước ngoài.

“Có lẽ IS cho một người phương Tây hành quyết một người Mỹ với mục đích giới thiệu các thành viên phương Tây và thu hút những người ngoài Syria, khiến họ cảm thấy họ có chung lý tưởng”, cựu chiến binh nhận định.

Theo Zing

Các tin cũ hơn