Lời đáp giản dị của Việt Nam với chiêu "ngụy" khoa học Trung Quốc

Thứ sáu, 26/09/2014, 12:24
"Cuộc khai quật khảo cổ học tại quần đảo Trường Sa đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền của VN".

Đó là khẳng định của TS Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tại Hội nghị “Thông báo Khảo cổ học lần thứ 49” do Viện tổ chức, ngày 25/9.

Nhiều hiện vật khẳng định người Việt sống trên Trường Sa

Theo TTXVN, cụ thể, trong đợt khai quật này, đoàn khảo cổ đã tiến hành khai quật tại các đảo: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Phan Vinh và Sơn Ca.

Tại đảo Trường Sa Lớn, hiện vật thu lượm khi khảo sát bề mặt đảo gồm một mảnh bát thời Trần, hai mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Lê và nhiều mảnh sành thuộc thế kỷ XVIII - XIX.

Tại đảo Sơn Ca, đoàn khảo cổ cũng thu được một số mảnh sành từ thế kỷ XVIII đến nay. Tại đảo Nam Yết, các nhà khảo cổ thu được một mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Lê và một số mảnh sành có niên đại từ thế kỷ XVIII.

“Kết quả thu được từ đợt khảo sát đã tiếp nối, bổ sung và củng cố thêm kết luật các đợt khảo sát trước được tổ chức trong các năm 1993, 1994, 1999. Đó là những bằng chứng khoa học khẳng định sự có mặt sớm, liên tục của người Việt và các hoạt động trên biển của cư dân tiền sử ở quần đảo Trường Sa", TS Bùi Văn Liêm khẳng định.

Hiện vật thu được tại đảo Trường Sa Lớn trong đợt khai quật khảo cổ học cuối tháng Sáu

Hiện vật thu được tại đảo Trường Sa Lớn trong đợt khai quật khảo cổ học cuối tháng 6.

Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, những tư liệu này góp phần quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Trước đó, ngay từ khi chương trình khảo cổ học Trường Sa được triển khai, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều cuộc khai quật tại các đảo, các vùng ven biển thuộc Nha Trang, Khánh Hòa. Nhiều phát hiện lớn trong những lần khai quật trước và trong chương trình trên đã đưa đến kết luận, trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã có người Việt Nam cư trú liên tục cho đến hiện nay.

Đáng chú ý cuộc khai quật trên đảo Bình Ba, phát hiện một ngôi mộ ở độ sâu 0,7m trong hố thám sát. Chủ nhân là một người chưa trưởng thành, đầu quay về hướng Đông Nam. Trong mộ, chôn theo một số đồ tùy táng bằng đất nung, chuỗi hạt bằng đá có khoan lỗ, khuyên tai làm bằng vành miệng ốc mài cũng thuộc văn hóa khảo cổ học Sa Huỳnh.

Đặc biệt, trong đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, khai quật trên tổng diện tích 171m2, các nhà khoa học đã tìm thấy 331 mảnh đồ gốm đồ sành, đồ sứ rất gần gũi với hiện vật ở các di chỉ Xuân Giang (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) và Hợp Lễ (Hải Dương). Những cổ vật này được xác định là vật dụng hàng ngày của cư dân Việt từng đến và sinh sống ở đây các thế kỷ XIV - XV.

Là người tham gia xây dựng kế hoạch cho chương trình điều tra, thám sát khảo cổ Trường Sa, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đã từng bày tỏ: "Những nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, văn hóa Sa Huỳnh đã lan tỏa đến Philippines, nên việc gốm Sa Huỳnh có mặt ở Trường Sa là điều hợp lý. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận một cách chân thực, cần có những nghiên cứu sâu hơn".

Bên cạnh đó, PGS.TS này cũng cho rằng, các nghiên cứu gần đây cho thấy, trong số các mảnh gốm, sứ thu được ở quần đảo Trường Sa có những mảnh gốm thuộc về thời Đinh - Tiền Lê. Như vậy, ít nhất, người Việt đã có mặt ở quần đảo Trường Sa từ thế kỷ X.

TQ mượn danh khoa học hiện thực tham vọng biển Đông

Những kết quả khảo cổ nói trên chắc chắn sẽ được coi là bằng chứng xác thực, uy tín để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, đặc biệt khi Trung Quốc cũng đang tích cực dùng cái gọi là khoa học để chứng minh chủ quyền phi pháp của mình.

Cụ thể, ngày 4/12/2013, Trung Quốc lại tiếp tục có tuyên bố ngang ngược, khẳng định nước này sở hữu hàng ngàn xác tàu đắm dưới đáy biển Đông, nhằm tìm kiếm bằng chứng củng cố cho yêu sách “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh tự ý vẽ ra ở vùng biển này.

Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho lực lượng tuần duyên của nước này ngăn chặn các hoạt động khảo cổ tại khu vực mà Bắc Kinh ngang ngược đòi chủ quyền ở biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đổ tiền cho một chương trình khảo cổ dưới biển.

Các nhà khảo cổ Trung Quốc được cho là đang chuẩn bị cho chuyến khảo sát đại dương lớn đầu tiên tại các vùng biển bao gồm cả vùng đang có tranh chấp với các nước khác trong khu vực.

“Chúng tôi muốn tìm ra thêm bằng chứng cho thấy người dân Trung Quốc đã từng đến đó và sống ở đó. Những bằng chứng lịch sử này sẽ giúp chứng minh việc Trung Quốc là chủ sở hữu biển Đông”, tờ báo Mỹ dẫn lời ông Liu Shuguang, Giám đốc Trung tâm Di sản văn hóa dưới nước của Trung Quốc, ngang ngược tuyên bố.

Không dừng lại ở đó, đầu tháng 7/2014, Trung Quốc tiến hành lập một cơ sở khảo cổ dưới nước cấp quốc gia và bổ sung hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận khái niệm “con đường tơ lụa trên biển”.

Dù không có bất cứ bằng chứng rõ ràng nào, giới chức Trung Quốc vẫn ngang nhiên nói “con đường” này xuất hiện từ thời Tần - Hán (221 TCN - 220 SCN), bắt đầu từ bờ biển phía Đông của Trung Quốc đi qua biển Đông và Ấn Độ Dương đến Địa Trung Hải.

Trước thông tin này, ông Phạm Nguyên Long, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng việc Trung Quốc đề cử công nhận di sản “con đường tơ lụa trên biển” là lý thuyết nhảm nhí, không chấp nhận được và thiếu cơ sở.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cũng đồng tình, với hồ sơ trình của Trung Quốc, theo điều 4 của Công ước quốc tế về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, nếu "Con đường tơ lụa trên biển" này được công nhận thì phải thuộc về Trung Quốc. Lý do họ là nước đệ trình lên và theo luận giải của họ thì mặc nhiên là quyền thuộc về nước đệ trình.

Song GS Ngọc cũng lưu ý, nếu được công nhận là Di sản văn hóa thế giới này đã thuộc về Trung Quốc thì ít nhiều Trung Quốc sẽ tạo được niềm tin họ mới là chủ nhân đích thực và lâu đời của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn