Hiện có sự bất bình đẳng trong cách tính lương bình quân để hưởng lương hưu giữa khu vực nhà nước và tư nhân cũng như nữ giới sẽ thiệt thòi so với nam vì tuổi hưu không được điều chỉnh lên 60.
Lương hưu giảm
Sáng nay, UB Các vấn đề xã hội của QH nghe báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Dự án luật đang đưa ra hai công thức tính lương hưu:
Phương án một: Điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 20 năm của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Phương án hai: Số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; mỗi năm sau tăng thêm một năm và từ 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% với nam và 3% với nữ, mức tối đa bằng 75%.
UB Các vấn đề xã hội tán thành với phương án 1. Trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ.
Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Bùi Sỹ Lợi: Tính cách nào thì lương hưu cũng sẽ giảm. Ảnh: Minh Thăng. |
ĐBQH Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) phân tích: Với cả 2 phương án tính này thì cả nam và nữ đều thiệt khi nghỉ hưu.
Nếu tính theo phương án 1 thì người lao động 30 năm khi nghỉ hưu được hưởng 65%. Nhưng nếu theo cách hiện hành thì cả nam và nữ với 30 năm công tác đều được hưởng 75%. Như vậy, nếu theo phương án 1 và nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 thì lương hưu sẽ giảm 10% so với cách tính hiện nay.
Nếu là phương án 2, đến năm 2018 mức hưởng của nam và nữ là 73%; năm 2022 mức hưởng của nam là 65% và nữ là khoảng 60-61%.
Phó chủ nhiệm UB Bùi Sỹ Lợi cho rằng dù tính theo cách nào thì người lao động cũng sẽ bị giảm lương hưu, đặc biệt với lao động nữ, vì nữ không được điều chỉnh tuổi hưu lên 60.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cũng thừa nhận là dù có điều chỉnh công thức tính lương hưu thế nào thì kiểu gì mức hưởng cũng bị giảm so với hiện nay. Muốn tránh giảm “sốc” thì phải thay đổi tỉ lệ tích lũy.
O bế công chức
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm UB nêu vấn đề bất bình đẳng trong cách tính hiện nay về mức hưởng lương hưu giữa lao động ở khu vực nhà nước và tư nhân. Ông nhận định: “Luật này bảo vệ người làm công ăn lương của Nhà nước nhiều quá”.
Ông Bùi Sỹ Lợi đồng tình: Người lao động ở khu vực tư nhân tiền lương đóng rất cao 5-8-10 triệu nhưng khi về hưu thì tiền lương thấp vì phải chia bình quân cho cả quá trình.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết bất bình đẳng này phát sinh do những chính sách hiện hành và đã được nhìn ra.
Theo ông, hiện nay chưa có người về hưu ở khu vực tư nhân, nếu đã có người về hưu rồi thì sẽ nhìn thấy chênh lệch rất lớn về mức hưởng lương lưu giữa 2 khu vực này. Theo lộ trình được đưa ra hiện nay thì phải đến năm 2045 mới có thể bình đẳng về cách tính tiền lương bình quân làm cơ sở tính lương hưu BHXH của cả 2 khu vực này.
Ông Tiên đề nghị cần sớm “hòa nhập” về cách tính để tạo ra công bằng, bình đẳng cho 2 khu vực Nhà nước - tư nhân. Ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị phần chênh ra về mức hưởng lương hưu của khu vực công, lực lượng vũ trang thì ngân sách phải bù, không được lấy quỹ lương của khu vực sản xuất kinh doanh để bù sang cho khu vực công.
Ông Tiên đồng tình với kiến nghị này vì “nếu cứ o bế lực lượng vũ trang và đối tượng cán bộ công chức nhà nước mà Nhà nước không bỏ tiền thì không công bằng”.
Theo Vietnamnet