Người ta gọi họ là "ông bà Quê" không phải ám chỉ ông bà nhà quê lên phố, mà vì sự trùng hợp khi ông bà đều tên Quê và cùng là người Long An lên Sài Gòn lập nghiệp.
Cứ đến 6h tối, ông bà Quê lại dọn hàng dưới chân cầu Mới trên đường Bạch Đằng, Quận Bình Thạnh. Ông bơm xe, bà luộc trứng. Dù có khách hay vắng khách, đến 12h đêm ông bà mới dọn hàng về. Bà Quê nói: "Tôi với ổng có nhiều cái chung lắm, chung tên, chung quê quán, chung luôn ý chí mưu sinh. Chúng tôi gặp nhau trên đất Sài Gòn này đã là một duyên may rồi. Thời trẻ hai người quyết chí làm ăn buôn bán để mua được miếng đất nhỏ, rồi cất được cái nhà tuy xập xệ nhưng vẫn ở được mấy chục năm nay". Công việc bơm vá xe của ông Quê cũng vô chừng, có hôm ông bơm vá được 3,4 chiếc. Có hôm cả buổi tối cũng chỉ có 1,2 người, thậm chí không có ai. Ông nói: "Bơm vá xe cũng kiếm được 5, 10 ngàn thôi. Chủ yếu mình đã buôn bán ngoài vỉa hè thì nhận luôn việc này, nhỡ người đi đường bị hư xe, bể bánh, thì còn có mình sửa cho". Còn bà Quê thì bán hột vịt lộn cho khách. Mỗi ngày bà ra chợ mua khoảng 30 - 40 trứng về. Mỗi trứng bán ra bà chỉ lời được 3 nghìn đồng, có hôm bán được 20 trứng, có hôm thì ế đến khuya. Ông Quê phụ nhóm lửa luộc trứng. Dòng người vội vã trên đường ít khi để ý đến nơi bán của ông bà vì vỉa hè này khá tối. Ông nói: "Trứng hấp rồi phải bán trong đêm chứ không để qua ngày hôm sau được. Nên có những đêm mưa, không có một bóng người đến ăn thì chúng tôi phải chịu lỗ khi bỏ hết số trứng đã hấp". Cùng theo với ông bà Quê bao nhiêu năm nay là chú chó già được cột một góc trên lề đường. Chị bán ve chai, vé số khi đi ngang nơi bán của ông bà cũng thích chú chó này. Hai ông bà xem chú chó là bạn, chơi đùa với nó những khi vắng khách. Bà nói: "Phải cột nó vào vì sợ bọn trộm chó đến dụ rồi bắt nó đi mất, mỗi ngày tôi lấy cơm nguội trộn với hột vịt lộn cho nó ăn. Mình ăn sao, nó ăn vậy, ngoan lắm!" Bà kể: "Chúng tôi có 3 đứa con nhưng đứa nào cũng khổ, không nhờ vả được gì. Có thằng con trai lúc lấy vợ sinh con không được bao lâu thì đứa bé bị bệnh phải nhập viện mà vợ chồng tụi nó nghèo, không có tiền nên đi vay nặng lãi người ta. Giờ hai vợ chồng tôi phụ trả cho bọn nó 50 nghìn/ngày. Tiền kiếm được không bao nhiêu, chỉ dành trả nợ hết. Vậy mà trả cũng sắp xong rồi, chỉ còn một tháng nữa là dứt nợ nần". Hai ông bà sợ nhất là trời mưa, vì những đêm đó rất khó nhóm bếp, hai ông bà núp dưới mái hiên, chờ tạnh mưa lại bê nồi bê củi ra vỉa hè nhóm lửa bắc bếp hấp trứng, trời mưa lại ôm nồi chạy ngược vào hiên. Có đêm không bán được bao nhiêu, sáng hôm sau không đủ tiền đi chợ, chỉ mua được một ít trứng bán tiếp. Dù khắc khổ và vất vả như thế, nhưng ông bà vẫn cười hiền, chia sẻ: "Đôi bạn già này cũng buôn bán cùng nhau mấy chục năm qua. Buồn vui cùng trải, cũng không thấy hiu quạnh, chỉ thương con cháu giờ lang bạt nhiều nơi mưu sinh mà mình cũng không giúp được gì nhiều". |
Ông là Song Quê, năm nay 70 tuổi, còn bà là Ngọc Quê, 63 tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại phải phụ tiền trả nợ cho con cháu nên dù đã ở tuổi xế chiều, hai ông bà vẫn phải gắng gượng đi làm mỗi đêm để kiếm thêm tiền.
Theo TTVN