Quan 'dọn đường, lót ổ' trước nghỉ hưu: Nhiều chứ!

Thứ sáu, 26/09/2014, 09:49
Chúng ta vẫn thường nghe thấy đâu đó chuyện ký duyệt hợp đồng hay dự án là phải có 'chiết khấu, lại quả' song lại không chỉ ra được.

PGS.TS Ngô Thành Can, Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính lý giải về những trường hợp quan 'dọn đường, lót ổ', hay chuyện chạy chức, chiết khẩu hợp đồng...

Dư luận nghi ngờ là có lý!

Thưa ông gần đây dư luận rộ lên câu chuyện của ông Hồ Nghĩa Dũng - nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về hưu nhưng lại tham gia doanh nghiệp làm dự án hầm Đèo Cả - dự án mà chính ông Dũng ký duyệt khi còn đương chức. Câu chuyện này khiến dư luận đặt dấu hỏi về hiện tượng 'lót ổ' của các vị quan chức dường như đang bộc lộ ngày một rõ nét hơn. Ông nhận định như thế nào về hiện tượng này. Theo ông liệu đây có phải là trường hợp hy hữu hay phổ biến nhưng chưa được phát hiện?

PGS.TS Ngô Thành Can: Trước hết chúng ta phải bàn lại văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này thì thấy rằng Chính phủ đã ban hành Nghị định Quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ. Theo đó với từng ngành có mức thời gian khác nhau.

Thế nhưng thực tế đôi khi những người đảm đương chức vụ cao trong bộ máy nhà nước khi về hưu được mấy tháng, có khi lại sơ xuất quên mất quy định này, thành ra lại vi phạm.

Có thể thấy rằng từ trước đến nay ở Việt Nam từng có những người đảm trách công việc quan trọng trong bộ máy nhà nước, về nghỉ hưu lại tham gia vào lĩnh vực lớn như ngân hàng, khai khoáng...

Chính những trường hợp này đã được báo chí, công chúng phát hiện. Có thể thấy trước đây đã có những trường hợp vi phạm sau đưa ra lý do là chưa nắm được quy định. Thế nhưng về sau này vẫn có người phạm vào và cho là sơ xuất thì giải thích này là không ổn. Khó chấp nhận.

Có thể khẳng định rằng hiện tượng này xuất hiện nhiều chứ không phải hy hữu.

Theo ông việc sếp đương nhiệm hạ bút ký duyệt các dự án, khi hạ cánh nghỉ hưu thì chính mình là người triển khai dự án đó, dư luận đặt câu hỏi cách làm như thế là có điều kiện, có dấu hiệu tham nhũng... ông có nhận xét gì về điều này?

Thường thì khi công luận nhìn một vài hiện tượng khái quát lên sẽ là vội vàng. Ở đây trong từng trường hợp cụ thể cần nhìn nhận từng sai phạm khác nhau và mức độ sai phạm tới đâu thì nên để cơ quan có thẩm quyền xác định.

Nếu nói về dấu hiệu tham nhũng hay lợi dụng chức quyền thì cần có sự vào cuộc của cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước.

Tuy nhiên những ý kiến lo ngại của dư luận cũng có cái lý của nó. Chúng ta vẫn thường nghe thấy đâu đó chuyện ký duyệt hợp đồng hay dự án là phải có 'chiết khấu, lại quả'. Song về danh chính ngôn thuận thì không chỉ ra được.

Cũng như việc chạy chức chạy quyền, chạy công chức rõ ràng có cả người làm trong ngành tố chuyện chạy công chức ở Hà Nội không dưới 100 triệu đồng. Ai cũng nghĩ là có chuyện đó bởi không có lửa làm sao có khói nhưng rồi các ban ngành vào cuộc rầm rộ cũng chẳng tìm ra ai. Không chỉ ra được vụ việc cụ thể. Có nghĩa là hiện tượng có thể là có nhưng để khoanh cụ thể lại không khoanh được.

Dù chỉ là dư luận nhưng điều đó cũng đủ để cho chúng ta biết rằng có một sự lộn xộn trong việc thực hiện quy định của nhà nước.Giống như việc tham nhũng đến Tổng Bí thư khẳng định rằng có một “bộ phận không nhỏ” tham nhũng những bộ phận đó gồm những ai thì lại không chỉ ra được.

Ngay đến Tổng Bí thư cùng khẳng định 'có một bộ phận không nhỏ' trong Đảng tham nhũng nhưng lại không chỉ ra được đó là ai
Ảnh minh họa

Việc lợi dụng kẽ hở là... có!

Dư luận đặt vấn đề các quy định về thời hạn không được kinh doanh của người thôi giữ chức vụ để tránh việc tạo sân sau cho mình khi còn đương chức chỉ là mang tính hình thức. Bởi xét cho cùng thì có vô vàn cách 'lách' ví như cho con cháu anh em họ hàng đứng tên dự án, còn bản thân thì điều hành dự án đó. Giống như việc kê khai tài sản cũng đã từng xảy ra tình trạng này. Ông nghĩ sao về điều này?

Nói đến điều này tôi muốn dẫn lời của Bộ trưởng Bộ tư pháp và Đại biểu QH đã từng nói: luật của chúng ta chưa hoàn thiện.

Nhiều đại biểu QH cũng từng cho rằng, khi luật pháp quy định hành lang pháp lý là 5m nhưng đến hướng dẫn chỉ còn 1m. Người ta bảo đi từ A đến B đi đường thẳng để dễ đi thì hướng dẫn lại vòng vèo gây khó khăn cho người thực hiện.

Nói như vậy để thấy hiện nay pháp luật thực tế vẫn còn thiếu đồng bộ, còn nhiều kẽ hở nên chuyện tranh thủ, lợi dụng là có. Kể cả chuyện cố tình tạo ra khe hở để lợi dụng là có.

Chính vì thế tôi cho rằng cần có một bộ phận chuyên môn, chuyên nghiệp tổng hợp lại những gì chưa đồng bộ và sửa ngay. Những gì không còn phù hợp phải đề xuất sửa ngay chứ không nên để tình trạng nói cả năm không sửa.

Ở nhiều quốc gia, việc quy trách nhiệm cá nhân kể cả khi quan chức đã nghỉ hưu, được thực hiện rất nghiêm. Soi chiếu vào Việt Nam, ông đánh giá thế nào về tự trọng cá nhân, văn hóa từ chức và vấn đề quy trách nhiệm?

Tôi muốn nhắc lại ý kiến của một vị đại biểu Quốc hội từng nói về văn hóa từ chức ở Việt Nam. Ý kiến này từng gây ra một làn sóng trong dư luận nhưng sau đó lại mờ đi theo thời gian.

Cũng liên quan đến vấn đề này, một số nghiên cứu xã hội học cho thấy hành động từ chức vì thấy chưa hoàn thành trọng trách cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa và quy định chung.

Ở một số quốc gia khi trao quyền, trao trách nhiệm thì người được giao sẽ phải lo làm tròn vai. Ví dụ chọn người cấp dưới của mình không đạt yêu cầu thì người đưa ra quyết định chọn phải chịu trách nhiệm.

Nhưng ở ta thì chưa làm được điều này. Các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cũng mới đang được dần hoàn thiện.

Nếu nói về cụm từ 'tự trọng' là vấn đề nhạy cảm nhưng phải nói thật rằng trước đó khi Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có nhắc đến cụm từ “tự trọng, tự tin” cá nhân tôi suy nghĩ thấy có phần rất đúng.

Tức là khi người ta có tự trọng về công việc và bản thân thì mọi việc sẽ bị soi chiếu bởi chính sự áy náy cá nhân và bằng mọi cách làm thế nào để nhiệm vụ được hoàn thành tốt nhất. Và khi đó chắc chắn mọi việc mới thuận được.

Tôi từng đi làm việc với bộ phận nhân sự của một quốc gia, thấy rằng đối với cán bộ cấp cao, cấp trung của họ khi được đào tạo sẽ có một chuyên đề về cái vinh, nhục. Khi đó người lãnh đạo sẽ được giảng giải phân tích thấy được vì sao nước này phát triển mà nước kia lại không phát triển và sự vinh, nhục của người phục vụ công việc công khi mình ở vị trí đó.

Ban đầu tôi cũng thấy lạ nhưng ngẫm thấy đúng là phải thấm thía sự vinh, nhục thì mới làm được việc. Nhưng kèm theo đó thì những người được giao nhiệm vụ cũng phải có cái quyền.

Còn việc quy trách nhiệm sau khi rời chức thì cũng là một vấn đề được đặt ra để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Phải quy trách nhiệm người đứng đầu từng ngành cụ thể và khi nghỉ hay đang đương nhiệm như thế nào.

Mọi thứ phải xuất phát từ hoàn thiện thể chế, rồi mới đến giáo dục và nhận thức. Cái này chúng ta cũng phải mất thời gian để xây dựng và hoàn thiện.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn