Thương xá Tax những ngày cuối - Kỳ 1: 'Đi đâu rồi cũng về Thương xá Tax'

Thứ năm, 25/09/2014, 11:41
Thương xá Tax những ngày gần kề đóng cửa vẫn nhộn nhịp kẻ bán người mua. Nhưng dường như trong ánh mắt của cả chủ lẫn khách đều chất chứa nỗi buồn vì họ đã trót yêu mến và gắn bó với nơi này.

Ông Đặng Văn Thành lưu lại những hình ảnh cuối cùng trước khi thương xá Tax đóng cửa và bị đập bỏ -Ảnh: Đình Quân

Ông Đặng Văn Thành lưu lại những hình ảnh cuối cùng trước khi Thương xá Tax đóng cửa và bị đập bỏ - Ảnh: Đình Quân

Tiếc nuối

Ông Thành đã ngót nghét 60 năm sinh sống ở Sài Gòn. Thủa nhỏ, những năm trước 1975, ông Thành được ba mẹ dẫn đi Thương xá Tax vào dịp cuối tuần. Lớn lên, hầu như năm nào ông Thành cũng tới Thương xá Tax. Sau này, khi có gia đình, những lúc rảnh rỗi, ông Thành lại tranh thủ đưa vợ con tới Thương xá này mua sắm.

“Lần ghé Tax này khác những lần trước. Mục đích lần này là để ghi lại những hình ảnh cuối cùng của Thương xá Tax trước khi đóng cửa. Cũng có chút ngậm ngùi nhất là khi chứng kiến cảnh các hộ kinh doanh hối hả dọn hàng trong những ngày cuối", ông Thành nói.

Ông Thành cho biết trước năm 1975, Thương xá Tax là nơi kinh doanh các mặt hàng cao cấp, dành cho giới thượng lưu. Cho nên vào những dịp cuối tuần chỉ có những gia đình có điều kiện khá giả dẫn con cái tới đây ăn uống, mua sắm còn dân nghèo đến Tax chủ yếu ngắm là chính.

Bà Loan đang cố gắng bán hết hàng để dời cửa hàng ra khỏi thương xá Tax - Ảnh: Đình Quân

Bà Loan đang cố gắng bán hết hàng để dời cửa hàng ra khỏi Thương xá Tax - Ảnh: Đình Quân

Sau năm 1975, đất nước chuyển sang “thời tem phiếu” và Sài Gòn cũng không phải là ngoại lệ. Thương xá Tax lúc này biến thành một bách hóa tổng hợp với đủ loại mặt hàng từ tinh xảo như máy móc điện tử đến đơn giản như cây kim sợi chỉ…

Điều đáng nói là sức hút của Thương xá Tax đối với người dân Sài Gòn sau 1975 vẫn không hề giảm. Khách hàng đi đâu, mua sắm ở cửa hàng nào trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi rồi cũng phải ghé qua Thương xá Tax, dù chỉ để ngắm, để xem chứ không có nhu cầu mua sắm gì.

“Tôi có cảm giác lên Sài Gòn mà không ghé Thương xá Tax coi như chưa lên Sài Gòn. Cảm giác như thiêu thiếu, có gì đó không trọn vẹn”, ông Thành nói.

Khi được hỏi cảm giác ra sao khi vài năm nữa một tòa nhà chọc trời hiện đại thay thế cho Thương xá Tax, ông Thành bùi ngùi: “Hiện tôi chưa thấy tòa nhà đó nên chưa cảm nhận được nhưng có một điều tôi cảm nhận rõ ràng là mình đang mất đi những gì thuộc về ký ức thân thương”.

Bén duyên vợ chồng ở Tax

Ở trên lầu 2, bà Loan - một hộ kinh doanh thời trang ở Thương xá Tax - đang cố gắng mời chào khách hàng để mong “giải phóng” hết hàng trước những ngày Thương xá đóng cửa.

Chiếc quần Jean ngày thường bà Loan bán giá 400 - 500 ngàn đồng nay giảm còn hơn 200 ngàn đồng; áo thun giá gần 300 ngàn đồng nay giảm còn 150 ngàn đồng.

Năm 19 tuổi, bà Loan đã kinh doanh ở Tax. Khi mới bán buôn, sạp quần áo của bà nằm ở lầu 1, ngay sát lối cầu thang bộ. Đến nay bà Loan có hơn 30 năm kinh doanh ở Thương xá này. Hầu như cả thời thanh niên và bây giờ ở tuổi trung niên, cuộc đời bà đều gắn bó với trung tâm kinh doanh này.

“Nghe tin Thương xá đóng cửa để xây dựng tòa nhà mới, tôi buồn không thiết ăn ngủ. Mình đã gắn bó với Thương xá quá lâu rồi. Ngày ngày ra vào nơi đây nên nhìn cái gì cũng thân thuộc. Rất nhiều người còn kinh doanh ở Tax lâu hơn tôi nên họ cũng buồn lắm”, bà Loan nói.

Một lý do khiến bà Loan tiếc nuối khi rời bỏ Thương xá Tax bởi đây là nơi hơn 30 năm qua đã nuôi sống gia đình bà. Bà bảo nếu chịu khó kinh doanh ở Thương xá Tax sống được lắm. Hàng hóa đa dạng, nhiều chủng loại, giá bán lại mềm nên thu hút khách mua.

Chỉ về phía chồng của mình đang phụ bán gần đó, bà Loan cười nói: “Nhờ có Thương xá này mà tôi quen ông xã của mình. Ngày xưa ổng cũng là khách hay ra mua đồ ở đây. Tán tỉnh rồi thương nhau luôn cho đến tận bây giờ”. Nghe tiếng vợ kể chuyện, chồng bà Loan chợt nở nụ cười buồn. Bởi dù có tiếc nuối thì vài ngày nữa thôi, gia đình ông cũng phải tạm biệt nơi chốn đã quá thân thuộc này.

Bà Loan cho hay sau khi hay tin đập bỏ Thương xá Tax, bà cũng tìm hiểu thông tin ở một vài trung tâm thương mại để thuê sạp nhưng chưa được. Chỗ bà thích thì giá quá cao, còn chỗ giá “coi được” lại không ưng ý lắm.

“Buôn bán cả mấy chục năm rồi nên có lẽ tôi sẽ nghỉ ngơi một thời gian rồi mới tính tiếp. Giờ phải cố bán hết chỗ hàng này đã. Rẻ cũng phải bán. Được đồng nào hay đồng đó”, bà Loan tâm sự.

Nhiều cửa hàng đã đóng cửa

Theo thông báo của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (đơn vị quản lý Thương xá Tax), đúng 14 giờ chiều 25/9, Thương xá Tax sẽ ngừng đón khách vào tham quan mua sắm và dừng mọi hoạt động để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình tháo dỡ và bàn giao mặt bằng đúng thời hạn.

Nhiều cửa hàng đã dọn ra - Ảnh: Độc Lập

Nhiều cửa hàng đã dọn ra - Ảnh: Độc Lập

Theo ghi nhận của PV, đến tối ngày 23/9, đã có khá nhiều quầy thu dọn hàng và rời khỏi Thương xá Tax. Ở tầng trệt của Thương xá, ở khu vực bán vàng bạc và nữ trang, đa phần cửa hàng đã di dời ra khỏi Tax. Khu vực bán mỹ phẩm ở tầng trệt vẫn còn khá nhiều cửa hàng mở bán nhưng rất ít khách. Đông khách nhất ở tầng trệt vẫn là khu vực sảnh khi ở đây một số thương hiệu thời trang thông báo giảm giá mạnh.

Ở lầu 1 và 2 của Thương xá Tax, khu vực bán quần áo, thời trang vẫn còn khá nhiều cửa tiệm mở bán. Ngoài các cửa hàng thuộc các thương hiệu thời trang lớn mở để chờ ngày đóng thì đa phần các cửa hàng bán quần áo, giày dép của tư nhân mở với hy vọng bán hết hàng trước thời điểm Thương xá đóng cửa. Đây cũng là khu vực tập trung đông khách nhất trong mấy ngày qua. Các siêu thị mở trong Thương xá cũng bắt đầu dọn hàng, đóng cửa.

Ở lầu 3 nơi tập trung khu giải trí, ăn uống, đồ mỹ nghệ… vẫn còn khá nhiều cửa hàng mở cửa và thu hút khá đông khách, nhất là vào buổi tối.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn